Tổng Giám đốc IBM: Mách nước kinh doanh

Tăng cường hợp tác nhóm; cá nhân hóa mối quan hệ với khách hàng; đầu tư phát triển mạng lưới đối tác là 3 giải pháp được ông Tan Jee Toon, TGĐ IBM đưa ra cho doanh nghiệp Việt.

Được biết IBM đã có nghiên cứu về những thách thức dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu. Xin ông cho biết đâu là thách thức lớn nhất?

Hàng năm Viện Nghiên cứu Giá trị Kinh doanh của IBM đều tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu trên phạm vi toàn cầu với các lãnh đạo doanh nghiệp để xác định các xu hướng kinh doanh và vấn đề nổi cộm liên quan đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đưa ra nhiều khuyến nghị của IBM.

Các nghiên cứu của IBM gần đây cho thấy, lãnh đạo các bộ phận trong một tổ chức (tài chính, công nghệ thông tin, marketing, nhân sự…) chưa thực sự phối hợp tốt với nhau để đạt mục tiêu chung của tổ chức và các ưu tiên do các CEO đưa ra như: tăng cường tinh thần hợp tác nhóm; cá nhân hóa từng mối quan hệ với khách hàng và đầu tư phát triển mạng lưới đối tác.


Ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM

Theo tôi, hiện nay thách thức lớn nhất mà lãnh đạo các doanh nghiệp gặp phải là làm thế nào để cân đối giữa việc kiểm soát hoạt động nội bộ với “độ thoáng” của bộ máy tổ chức (đặc biệt là hợp tác thông tin) để tận dụng các lợi ích, giá trị mà hoạt động hợp tác mang lại, vì trên thực tế, càng cởi mở lại càng dễ gặp rủi ro. Muốn làm được điều đó, các tổ chức phải có những chính sách rất rõ ràng để định hướng cho các quyết định. Các nhân viên cần có các quy trình và công cụ hỗ trợ cho việc hợp tác trên diện rộng. Nhưng quan trọng hơn cả là các nhân viên cần được cung cấp những kỹ năng và kiến thức cần thiết để phát triển trong môi trường mới này.

Theo ông, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Việt Nam có cảm nhận rõ ràng những thách thức này không? Vì sao?

Lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam có chung những lo ngại về những rủi ro từ nền kinh tế toàn cầu hóa mang lại. Không ai có thể dự đoán được thời gian, địa điểm hay khuynh hướng của làn sóng thay đổi tiếp theo. Ngày càng có nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận ra, công nghệ thông tin là yếu tố thúc đẩy hợp tác, tạo dựng các mối quan hệ và bắt đầu tập trung vào công nghệ kết nối. Mặc dù thừa nhận tính cởi mở cao là yếu tố cần phải có và chứa đựng rất nhiều tiềm năng, nhưng một số lãnh đạo vẫn chưa tin rằng, mạng xã hội đã phát triển tới mức có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro. Với mạng xã hội, khả năng kiểm soát đã chuyển dịch từ doanh nghiệp sang khách hàng và nhân viên, từ các tổ chức sang các cá nhân. Điều đó có nghĩa là thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp sẽ do khách hàng và nhân viên quyết định.

Trong giai đoạn kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, việc đầu tư lớn cho đổi mới công nghệ và sáng tạo đột phá dường như được xem là tốn kém, mạo hiểm. Ông nghĩ sao về điều này?

Để được khách hàng tin tưởng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức cần thay đổi mô hình vận hành lấy địa điểm hoặc sản phẩm làm trung tâm như trước kia; thay vào đó phải đặt khách hàng vào trọng tâm của các hoạt động kinh doanh

Trong khi việc lập kế hoạch phát triển công nghệ thông tin dài hạn là rất cần thiết, nhiều doanh nghiệp vẫn có thói quen đưa ra các quyết định mua sắm, triển khai công nghệ thông tin dựa trên các yêu cầu kinh doanh và kế hoạch ngắn hạn. Kết quả là một hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho thực tế kinh doanh của ngày hôm qua, nhưng lại hoạt động theo những yêu cầu của hiện nay nên không thể linh hoạt, khả năng truy cập vào dữ liệu thấp, không cho hiệu quả cao, đó là chưa kể chi phí vận hành và bảo dưỡng lớn. Do đó, thách thức kinh doanh về mặt công nghệ thông tin có thể nói nôm na là làm thế nào để “làm nhiều hơn với ít thứ hơn”.

Trong một môi trường kinh doanh có nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa và khả năng xoay chuyển linh hoạt. Ông thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ở những điểm nào, cần ưu tiên điều gì?.

Để được khách hàng tin tưởng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức cần thay đổi mô hình vận hành lấy địa điểm hoặc sản phẩm làm trung tâm như trước kia; thay vào đó phải đặt khách hàng vào trọng tâm của các hoạt động kinh doanh. Điều đó có nghĩa là ưu tiên các nhu cầu của khách hàng và mang lại những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa. Điều này chỉ có thể thực hiện khi có được các thông tin sâu sắc về nhu cầu của khách hàng


Về mặt công nghệ thông tin, doanh nghiệp Việt Nam cần làm cho cơ sở hạ tầng của tổ chức đáp ứng với nhu cầu của dữ liệu, chứ không phải là ngược lại. Họ cần tận dụng công nghệ mới để đưa ra được nhiều dự báo hơn, dự đoán thông minh hơn và hành động theo thời gian thực.

Khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO tại Việt Nam, ông đánh giá vị trí này thuận lợi hay khó khăn hơn so với tại các quốc gia khác?

Việt Nam được xác định là một trong những thị trường phát triển trọng tâm của IBM, vì vậy nhiệm vụ Tổng Giám đốc của IBM Việt Nam đối với tôi vừa là thử thách vừa rất hấp dẫn, vì tôi có thể được chèo lái một con tàu lớn, được làm việc với những con người, môi trường mới và quan trọng nhất là được đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của công ty. Qua một thời gian ngắn đảm nhiệm vị trí này, tôi thấy mình may mắn vì có sự hỗ trợ của một đội ngũ nhân viên “cứng cáp” tại Việt Nam.

Mong ước của ông khi làm lãnh đạo ở IBM Việt Nam là gì? Một ngày nào đó khi rời khỏi chức vụ cao nhất của IBM Việt Nam, ông muốn đóng góp điều gì hay để lại ấn tượng gì cho doanh nghiệp Việt Nam? Và ông muốn thấy sự thay đổi nào ở Việt Nam?

Trước hết, tôi mong ước được tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng của IBM tại Việt Nam và sự lớn mạnh của IBM ở ASEAN và IBM toàn cầu. Tôi mong muốn IBM Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành đối tác tin cậy, mang lại những giá trị lớn, dài hạn cho các tổ chức, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam.

Nếu một ngày phải rời Việt Nam, tôi mong được “ghi dấu” với các doanh nghiệp Việt Nam trên vị thế người nước ngoài, nhưng hiểu và nói được “ngôn ngữ” của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cũng có nguyện vọng được chứng kiến viễn cảnh “Thành phố Thông minh” hơn sớm trở thành hiện thực trong một vài năm tới.

Nguồn Doanh Nhân Online