[Nhật ký sáng tạo] Lụm chữ

Từng trải qua vài cuộc phỏng vấn, ‘qua đường’ hay nghiêm túc, bởi người thân hay người sơ, thì thường sau câu hỏi “tại sao chọn ngành quảng cáo” sẽ là câu “tại sao thích làm Copywriter?” Lý do đầu tiên được liệt kê là “Vì thích ngôn ngữ”

Chữ “lụm” trên tiêu đề được viết theo giọng địa phương để làm duyên.

Từng trải qua vài cuộc phỏng vấn, ‘qua đường’ hay nghiêm túc, bởi người thân hay người sơ, thì thường sau câu hỏi “tại sao chọn ngành quảng cáo” sẽ là câu “tại sao thích làm Copywriter?” Lý do đầu tiên được liệt kê là “Vì thích ngôn ngữ”

“Ồ, vậy ấy biết bao nhiêu thứ tiếng rồi?”
“Hai à, tiếng Anh với tiếng Việt, hì hì hì”

Chắc mẩm người đối thoại kia thầm nghĩ, xời, một là tiếng mẹ đẻ, một là tiếng được (hoặc bị) nhà trường nhồi sọ. Trí thức kiểu này nhiều binh thiên, có khác gì đâu mà khoe!

Phải, biết nhiều thứ tiếng cũng là một biểu hiện của năng khiếu và trí thông minh về ngôn ngữ.

Photobucket

Tuy nhiên, vẫn còn một biểu hiện khác, đó là việc bạn hiểu ngôn ngữ đó sâu như thế nào.
Hay nói cách khác, chữ có nghe lời bạn không?

Đơn cử như tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của bạn. Rất nhiều người Việt Nam cho rằng tiếng Việt như bà vợ XO trong nhà (giống như rượu XO, rượu để siêu lâu ấy), rành sáu câu rồi cần chi tìm hiểu. Đúng vậy, phần lớn mọi người đều có thể nghe nói đọc viết tiếng Việt từ căn bản đến nâng hơi cao, nhưng có phải ai cũng tự tin vào khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của mình không?

Như những cô chú nông dân không giỏi bày biện hàng hoá bằng ngôn từ, phải nương nhờ vào thương lái trung gian, và chịu thua thiệt vì bị ép giá.

Như bạn rất quý mỗi khi những chú bảo vệ hay cô bán vé xe bus trả lời câu hỏi của bạn lưu loát trước sau. Bởi khá nhiều lần bạn nhận được câu trả lời chắp nối, không hiểu đầu cua tai nheo gì hết, và hỏi lại thì bị quạu.

Đã là Copywriter, không ai không mê chữ, dù ít hay nhiều.

Bạn có bao giờ nghĩ bạo lực học đường sẽ giảm bớt nếu những người trẻ tuổi có khả năng ngôn ngữ tốt hơn? Người ta có thể hiểu nhau (hay làm đau nhau) bằng lời nói, lúc đó chắc nhu cầu động tay động chân cũng dịu đi rồi. Người trẻ bây giờ viết nhiều, qua tin nhắn, qua mạng xã hội, nhưng hình như không ‘chất’. Chẳng mấy khi bạn đọc được môt dòng status trơn mượt êm tai, không sai chính tả, dùng nhiều từ lạ, ngữ pháp ‘chuẩn men’. Chà, một người sống chưa tròn một phần tư thế kỷ mà quan niệm kiểu này, chắc đồng loại xúm lại nhao nhao “Cái gì vậy cố! Con cho cố vô viện hoài cổ nha cố!” Ừ thì vậy, từ chấn song phòng chăm sóc đặc biệt có ánh mắt nhìn ra đau đáu “Thấy chưa, tao nói tụi bây rồi mà, tụi bây không có giỏi tiếng Việt như tụi bây nghĩ đâu”

Copywriter, bị bệnh cuồng chữ cũng chưa chắc mình thật sự giỏi. Chỉ là rất thích lặn hụp giữa biển dân gian tiếng Việt, kiếm ít ve chai lông vịt, vậy thôi.

Ngôn ngữ là chìa khoá mở mọi cánh cửa” Bạn càng hiểu ngôn ngữ, bạn ‘trà trộn’ càng dễ.

Người ta nói rằng, “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” Đi bão có vẻ khó nhằn quá, dễ té bể đầu hay bị công an bắt, nên chuyển qua sưu tầm lượm lặt làm giàu vốn từ vựng của mình.

Từ vựng tiếng Việt, rất chi là thú vị. Có những từ cổ xưa lâu không dùng bị quên lãng, khi được nhắc đến tự nhiên nhớ cả một thế hệ. Có những từ chỉ dành riêng cho một tầng lớp, một giới, một ngành nghề, mà nói ra là nhận biết nhau như ám hiệu ngầm. Có những từ mới sinh ngộ nghĩnh, có những từ một cá nhân tự ghép lại mà thành. Biết được nhiều, thích lắm!

Đi ăn vặt Hồ Con Rùa, nghe ngóng hóng hớt hai cô bán cá viên chiên nói chuyện với nhau “Cái iPhone Hồ Cẩm Đào mua bảy trăm ngàn xài được đúng ba bữa” À…! Một cách nói khác của “Made in China” Tương tự ta có lẩu bác Đào hay trà sữa Kim Biên.

Lê la kề bệt với những đầu bếp lâu năm, biết được từ “Ăn chay đụng”: “Hôm nay mấy đứa ăn chay đụng một bữa nghen. Cái đũa này nãy giờ cô nấu đồ mặn mà giờ chọt qua chảo đồ chay luôn rồi”
(À, từ “lê la kề bệt” cũng vừa mới được khai sinh đây thôi)

Bạn thân quê Đồng Tháp hay dùng những từ như “xám hồn, xéo xắc…” Lần nọ dừng đèn đỏ nghe hai cô nhỏ nói chuyện cũng dùng mấy từ này, lòng nghĩ bâng khuâng chắc họ cùng quê bạn

“A! Con nhỏ này té láo nha!” “Ủa té láo là gì vậy dì?” “Là chỉ mấy đứa nổ mà bị hớ đó. Hồi xưa người ta hay nói vậy”

Rồi thì “trẻ trâu”, rồi thì “chém gió”, nghe vừa tếu vừa đầy hình tượng.

“Biết cái gì thì khổ cái nấy” Để coi biết…chữ thì khổ cái gì.

Càng biết nhiều từ vựng, bạn càng có nhiều lựa chọn. Bạn càng tỏ hơn dùng từ này nhưng không phải từ kia và tại sao. Bạn có thể giải thích lại cho những người kém nhạy ngôn ngữ khác bằng khả năng diễn đạt lụa là của mình.

Thứ nhất, bị hội chứng ‘Lậm chữ cực đoan” Đang đọc sách báo thấy viết xai trính tã là dừng phắt không đọc nữa, đồng thời nhìn cả bộ sậu ban biên tập đầy nghi ngờ. Xem Facebook thấy trự nào Việt Anh tán loạn là nhăn nhó, cau có, mau già chứ chẳng ích chi.

Mang tham vọng ngôn ngữ hàn lâm vào công việc. Nghĩ ra những từ đắt độc địa để rồi khách hàng (cũng là những người bản xứ với vốn tiếng Việt ‘xài được’) bôi xanh bôi đỏ quẹt quẹt thêm mũi tên “Đổi từ khác đi” “Em ơi, chị không hiểu từ này, biết người mua có hiểu hay không” Hiểu chứ sao không! Tui ghi lên Facebook bà con like ẩm ẩm mà! Nghĩ vậy, trong lúc cào bằng lại mớ mình vừa mới viết.

Mặc dù vậy, vẫn không hối tiếc. Đã đọc ở đâu đó rằng, “ngôn ngữ là chìa khoá mở mọi cánh cửa” Bạn càng hiểu ngôn ngữ, bạn ‘trà trộn’ càng dễ.

Còn nhớ phim hoạt hình “Up”? Cậu bé Russell chỉ thật sự làm ông cụ cũ kỹ Fredricksen chú ý khi lẩm nhẩm trước khi ngủ “…cross your heart” Ông già giật mình, bởi đó là câu người bạn đời ông yêu thương thường hay nói ngày còn nhỏ.

Có nàng bạn nọ được ba của người yêu rất cưng, vì nàng vô tình học cùng ngành mà ngày xưa ông học. Trước khi nàng xuất hiện trong cuộc đời con trai ông, ông không biết đàm đạo vấn đề này cùng ai khi về nhà. Bây giờ, khi nàng và ông trò chuyện, các thành viên còn lại dạt ra vì…không hiểu gì hết!

Bạn không thể viết cho teen với giọng văn bà cố hay thuyết phục “phụ nữ hiện đại, năng động, cá tính, tự tin” bằng cách truyền thông của mẹ chồng. Họ sẽ ‘đánh hơi’ được rằng bạn không cùng phe với họ, họ sẽ đóng sầm đầu óc lại, và không thèm nghe bạn nữa.

Càng biết nhiều từ vựng, bạn càng có nhiều lựa chọn. Bạn càng tỏ hơn dùng từ này nhưng không phải từ kia và tại sao. Bạn có thể giải thích lại cho những người kém nhạy ngôn ngữ khác bằng khả năng diễn đạt lụa là của mình.

Bạn thích cảm giác chữ ‘nghe lời’ bạn. Giống như ‘Siêu nhân chữ’ vậy. “Ới, em ơi, chị rị mọ cái đoạn này sáng giờ mà đọc lại nó cứ kỳ kỳ sao sao á!” Bạn xuất hiện, nhìn qua một lượt những câu chữ lòn hòn lục cục, ngắt bên này, nhéo bên kia, đệm vào chỗ nọ. Đoạn đưa mắt ra hiệu “Xong rồi đó!” và lướt đi trong lời khen ngợi (phần này tưởng tượng cũng được) “Ôi! Em giỏi quá!”

Và cuối cùng, tạm gọi là niềm kiêu hãnh nghề nghiệp. Những bạn Art Director hoặc Designer, để được gọi là biết việc phải vững vàng về bố cục, phối màu, ánh sáng…Copywriter chỉ có chữ lận lưng, nay lại còn bỏ bê lơ là, thì cạp đất mà ăn à?

Nguồn Tôi Yêu Marketing