Grab sẽ tung dịch vụ bảo hiểm vào giữa năm 2019

Grab công bố hợp tác với Zhong An (ZA), công ty cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng internet, có trụ sở tại Trung Quốc để thành lập công ty liên doanh (JV) thâm nhập vào thị trường bảo hiểm Đông Nam Á, theo thông cáo phát đi ngày 16.1.2019.

Grab ngày càng cho thấy dữ liệu mà công ty thu thập từ người dùng qua các dịch vụ sẽ là công cụ quan trọng để công ty bán những sản phẩm mới tại các thị trường mới nổi của khu vực Đông Nam Á.

JV, liên doanh của Grab với ZhongAn sẽ thiết lập một sàn thương mại bảo hiểm số, nơi cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hướng tới các phân khúc ngách, và trực tiếp tới người dùng thông qua ứng dụng Grab trên điện thoại. JV cũng sẽ hợp tác với những đối tác bảo hiểm trên toàn cầu để phát triển các sản phẩm thiết kế tương thích với đúng nhu cầu của riêng người tiêu dùng Đông Nam Á.

ZA đóng vai trò trong việc xây dựng nền tảng công nghệ vào hệ sinh thái internet của JV. Grab cho biết, lượng dữ liệu mà công ty thu thập từ hàng triệu người dùng sẽ giúp đưa ra các đề xuất đúng với nhu cầu khách hàng.

Ảnh: Takaki Kashiwabara / Nikkei.

Nền tảng dự kiến sẽ ra mắt đầu tiên tại Singapore trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2019, trước khi đến với các thị trường khác. Hiện chưa có thông tin thời gian cụ thể Grab sẽ đưa dịch vụ này đến Việt Nam.

Grab đặt mục tiêu đưa sản phẩm đến với hàng triệu người tiêu dùng chưa có nhu cầu hay chưa từng tiếp cận tới các dịch vụ bảo hiểm, thông qua trực tiếp trên thiết bị điện thoại di động của họ.

Hợp tác này cũng đưa ra các giải pháp cho những gói bảo hiểm có rủi ro cao với các phương thức thanh toán cho phép tính toán và tự động khấu trừ thông qua GrabPay hoặc các bên đối tác thanh toán khác. Cùng ngày, Grab cũng công bố hợp tác với công ty bảo hiểm Chubb ra mắt các sản phẩm bảo hiểm lái xe nhắm tới đối tác tài xế tại Singapore về thất nghiệp hay bệnh tật, tai nạn.

Grab hiện có hơn 130 triệu lượt tải về tại 336 thành phố trong khu vực Đông Nam Á, Ming Maa, CEO của Grab chia sẻ.

“Là một công ty duy nhất có giấy phép cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến tại sáu quốc gia chính tại khu vực Đông Nam Á, chúng tôi sẽ làm việc với các công ty bảo hiểm đối tác trên toàn cầu để mở rộng nhanh quy mô thị trường”, Reuben Lai, giám đốc tài chính của Grab nói.

Ảnh: TODAYonline / Reuters.

Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines hiện là sáu thị trường chính mà kì lân gọi xe Grab tập trung, ngoài ra còn có Myanmar và Campuchia.

Để có giấy phép hoạt động dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam, hồi tháng 9.2019, Grab công bố hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca và tích hợp ví này vào ứng dụng không lâu sau đó.

Mặc dù suôn sẻ trong các hoạt động gọi vốn và hợp tác chiến lược với các công ty trên toàn cầu như Toyota, Booking, Yamaha, Microsoft, Grab lại vướng phải những vấn đề liên quan đến pháp lý và cạnh tranh tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Vinasun, một doanh nghiệp taxi truyền thống đã khởi kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng. Vụ kiện kéo dài gần một năm, hồi cuối tháng 12.2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra phán quyết buộc Grab bồi thường cho hãng taxi Vinasun gần 5 tỉ đồng và Grab đã gửi kháng cáo.

Bích Dâng
Nguồn Forbes Vietnam