McDonald's bị EU tước quyền sử dụng tên Big Mac tại châu Âu

Trong vụ kiện mới đây, hãng thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald's đã mất quyền sử dụng tên "Big Mac" cho sản phẩm của mình tại châu Âu.

Theo thông tin mới nhất ngày 15-1, Văn phòng sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) đã ra phán quyết chuỗi thức ăn nhanh Supermac thắng cuộc tranh chấp với McDonald's, theo đó doanh nghiệp Ireland này sẽ có quyền mở rộng chuỗi nhượng quyền của họ trên khắp nước Anh.

Phần thua thuộc về McDonald's, sau khi hãng này mất quyền sở hữu cái tên "Big Mac" cho sản phẩm của họ tại Liên minh châu Âu - EU.

Theo Fox News, vụ kiện trên xuất phát từ các tranh chấp ngày càng căng thẳng giữa hai hãng.

Ông lớn ngành thức ăn nhanh của Mỹ là McDonald muốn ngăn chặn Supermac mở rộng chuỗi cửa hàng của họ ra khắp EU.

McDonald's lí luận rằng cái tên mà Supermac đang sử dụng cho một loại bánh kẹp, có thể khiến khách hàng nhầm lẫn với chiếc bánh Big Mac nổi tiếng của McDonald's.

Supermac gọi chiến thuật pháp lí này của McDonald là "sự bắt nạt bằng thương hiệu, việc đăng ký tên thương hiệu đơn giản được sử dụng để chống lại các đối thủ trong tương lai".

Chiếc Big Mac huyền thoại của McDonald's. Ảnh: Reuters.

"Chỉ vì McDonald's có nhiều tiền hơn và chúng tôi có vẻ nhỏ bé so với họ, không có nghĩa là cũng tôi không chiến đấu vì bản thân", ông chủ Pat McDonagh của Supermac cho biết.

Phán quyết của EUIPO cho rằng cái tên "Big Mac" không được McDonald's "sử dụng chính hãng".

Để một tên thương hiệu được coi là sử dụng chính hãng, một doanh nghiệp buộc phải "đảm bảo đích danh nguồn gốc xuất sứ nó" khi dùng.

EUIPO không cảm thấy việc đặt tên một chiếc bánh của McDonald's là Big Mac đủ làm bằng chứng cho quyền sử dụng này của họ.

Trong một tình tiết bất ngờ, quyết định pháp lý trên cũng cấp quyền cho Supermac sử dụng tên "Big Mac" cho sản phẩm của họ.

Cái tên này vốn được EU cấp quyền sử dụng cho McDonald's năm 1996, nhưng nay đã bị tước bỏ.

Big Mac vốn là sản phẩm nổi tiếng nhất của McDonald's từ trước tới nay. Thậm chí, sản phẩm này còn trở thành tên gọi cho một chỉ số kinh tế là Big Mac Index, do tạp chí kinh tế The Economist tạo từ năm 1986.

Chỉ số này được xây dựng trên học thuyết ngang giá sức mua (PPP), cho rằng trong dài hạn thì tỷ giá hối đoái sẽ dịch chuyển đến điểm mà giá của một rổ hàng hóa và dịch vụ ở hai quốc gia sẽ ngang bằng nhau.

Nguyên Hạnh
Nguồn Tuổi Trẻ Online