The Economist: Ngành ôtô đối mặt với cú sốc nguồn cung năm 2019

Nhiều nhà sản xuất bắt đầu tổ chức lại chuỗi cung ứng và kế hoạch sản xuất của họ nhằm phù hợp với trật tự thế giới mới, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Kể từ suy thoái 2009, doanh số bán xe toàn cầu đã tăng 9 năm liên tiếp. Xu thế này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2019, nhưng dễ chịu rủi ro bởi biến động thương mại và môi trường. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như việc Anh rời khỏi EU sẽ tạo nên các rào cản thương mại ở châu Âu. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ ôtô chạy bằng động cơ diesel sang ôtô điện trở nên nhanh chóng hơn khi Trung Quốc khuyến khích bán các phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEVs).

Một số dự đoán về ngành ôtô trong năm 2019

  • Doanh số bán xe của 60 quốc gia sẽ tăng 2,7% trong năm 2019.
  • Ngành công nghiệp này vẫn chịu tổn thương trước những cú sốc thương mại hoặc việc tăng, giảm các hàng rào thuế quan.
  • Doanh số bán xe chạy bằng năng lượng mới sẽ đạt 2,2 triệu chiếc.

bieudo

Biểu đồ Đăng ký xe mới trong năm 2019. Nguồn: The Economist.

Ngành ôtô tiếp tục phát triển

Công nghiệp ôtô đã có gặp nhiều thuận lợi những năm gần đây. Trước và trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, luôn có ít nhất một nhà sản xuất xe nổi tiếng đứng trên bờ vực phá sản. Hiện tại, nền tảng tài chính của các nhà sản xuất xe vững mạnh hơn, trong khi nhu cầu tăng cao từ các thị trường mới nổi giúp các công ty này giữ được vị thế ổn định, kể cả khi thị trường xảy ra bất ổn.

Dự kiến doanh số bán xe toàn cầu tăng 2,7% trong năm 2019, từ mức tăng 1,7% trong năm 2018. Các nước phục hồi từ sau giai đoạn giảm giá hàng hóa toàn cầu là những nơi tăng trưởng nhanh nhất, bao gồm: Trung Đông, Đông Âu và Mỹ Latin.

Rào cản gia tăng

Hầu hết doanh số bán xe sẽ phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc, do hai quốc gia này chiếm tới ½ thị trường ôtô toàn cầu. Hai cường quốc này đều tập trung vào ngành công nghiệp ôtô trong 3 lần tăng thuế đầu năm 2018. Về phía Mỹ, các loại thuế này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc nhập khẩu phụ tùng ôtô, cũng như thép và nhôm từ Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, nước này đã tăng thuế đối với xe nhập khẩu từ Mỹ và hạn thuế nhập khẩu cho các nước khác.

Mặc dù linh kiện chỉ chiếm thị phần nhỏ trong xuất khẩu của Trung Quốc, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của họ trong lĩnh vực này. Các nhà sản xuất xe tại Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, đến từ các quốc gia như Thái Lan. Tuy nhiên, giá bán xe có thể cao hơn, khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn. Dự kiến, doanh số bán xe của Mỹ giảm 3,6% trong năm 2019 và của Trung Quốc sẽ tăng 2,9% trong năm 2019.

bieudotron

Biểu đồ Doanh số xe điện trong năm 2017. Nguồn: The Economist.

Gần đây, tại cuộc đàm phán của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mỹ, Canada và Mexico thống nhất rằng, các nhà sản xuất ôtô phải lấy linh kiện từ các nước Bắc Mỹ và tìm kiếm những nhà cung cấp trả lương cao hơn. Ngành ôtô trong năm 2019 của Mexico có khả năng thua lỗ khi tuân thủ các điều khoản này.

Tại châu Âu, việc Anh rời khỏi EU đã gây rủi ro cho cả hai bên. Các nhà sản xuất ôtô của Anh lo sợ phải cắt giảm sản xuất nếu hai bên không đạt được thỏa thuận dài hạn. Bên cạnh Trung Quốc, và các nước EU, Nhật Bản cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế đối với ôtô xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Iran bùng nổ về ôtô nhưng bị kìm hãm do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ở châu Á, xu hướng hướng tới là tự do hóa. Trung Quốc cho phép các nhà sản xuất ôtô thành lập và sở hữu các nhà máy tại Trung Quốc, thay vì phải thành lập liên doanh như trước đây.

Trong khi đó, 11 quốc gia còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vẫn phê chuẩn thỏa thuận mới, bất chấp việc Mỹ rời khỏi tổ chức này. Nhật Bản và một số quốc gia khác đang nghiên cứu ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hoặc một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện Châu Á – Thái Bình Dương. Được biết, thỏa thuận này sẽ chiếm 60% nền kinh tế toàn cầu.

Châu Anh / The Economist
Nguồn Người đồng hành