5 câu hỏi giết chết khả năng sáng tạo của bạn

Có những câu hỏi giúp bạn thắp sáng trí tưởng tượng và nuôi dưỡng sức sáng tạo. Tuy nhiên, có những câu hỏi mà chúng ta tự đặt ra về khả năng sáng tạo của bản thân có thể mang lại tác dụng ngược.

Chúng sẽ bào mòn lòng tự tin hoặc khiến bạn đi lệch hướng. Dưới đây là 5 câu hỏi có thể được xem là “sát thủ của sự sáng tạo”.

1. Tôi có sáng tạo không?

Đây là “câu hỏi sai” đầu tiên và thường gặp nhất. Theo David Burkus, tác giả cuốn The Myths of Creativity (Những ngộ nhận về sự sáng tạo), một trong những ngộ nhận lớn nhất chính là quan điểm cho rằng một số người có khả năng sáng tạo bẩm sinh và một số khác thì không.

“Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy sự tồn tại của cái gọi là gien sáng tạo”, Burkus nói.

Chúng ta nên nghĩ về sự sáng tạo “như một món quà dành tặng cho mọi người”. Khi là một đứa trẻ, ta tự do tưởng tượng, vẽ, xây dựng và thử nghiệm, nhưng lại ít làm những việc này khi lớn lên. Vì vậy, thay vì hỏi “Tôi có sáng tạo không?” thì câu hỏi tốt hơn có lẽ nên là “Sự sáng tạo của tôi đâu rồi?”.

“Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy sự tồn tại của cái gọi là gien sáng tạo”, David Burkus .

Ảnh: rawpixel / UnSplash.

Có lẽ là do những nguyên nhân bên ngoài (như việc học ở nhà trường và công việc với tính chất “không sáng tạo”) đã làm chúng ta trở nên chán nản, thêm vào đó là sự thiếu tự tin.

“Khi lớn lên, bạn nhận ra rằng không phải ai cũng thích những ý tưởng điên rồ của mình”, Burkus nói. Thế là những phản hồi tiêu cực trở thành một sự thật được chấp nhận và thậm chí là một lời bào chữa, thoái thác dễ dàng: “Tôi không thuộc tuýp người sáng tạo…!”.

Để xây dựng lòng tự tin, David Kelley – đồng sáng lập Công ty tư vấn và thiết kế Ideo – khuyến khích các sinh viên Đại học Stanford bắt đầu bằng những bài tập nhỏ như phác họa hay xây dựng điều gì đó rất đơn giản và tăng dần độ khó với những dự án yêu cầu cao hơn.

Kelley muốn “trấn an” các sinh viên rằng, dù họ có vẽ tốt hay không thì điều đó không phải là thước đo cho khả năng sáng tạo của họ mà đó là một kỹ năng đặc biệt có thể phát triển qua thời gian.

Ngược lại, sự sáng tạo không phải là một kỹ năng mà là “tư duy” hay một cách nhìn về thế giới. Tất cả chúng ta đều có khả năng nhìn vào một điều gì đó – một vấn đề, một tình huống, chủ đề – và đưa ra những ý tưởng, cách diễn dịch của riêng mình.

2. Tôi sẽ tìm thấy ý tưởng ban đầu ở đâu?

Câu hỏi này thường được theo sau bởi câu: Không phải là mọi thứ đã được nghĩ ra hết rồi hay sao? Giả định sai lầm đằng sau câu hỏi này là mọi ý tưởng mới đều phải “mới toanh từ đầu đến cuối” hay chưa từng tồn tại trước đó.

Nhưng thật ra ý tưởng ban đầu thường được tạo ra và gợi cảm hứng từ những thứ đã từng tồn tại trong thế giới này – từ những mảnh nhỏ chung quanh chúng ta – đang chờ được chú ý đến và hình dung lại trong một dạng thức mới. Burkus chỉ ra đây là một trong những ngộ nhận lớn nhất về sự sáng tạo.

Ông cũng đưa ra trường hợp của iPhone như là một bằng chứng cho khả năng sáng tạo bằng cách kết hợp – Apple đã hòa quyện các yếu tố của điện thoại di động, Blackberry, máy chụp ảnh và iPod vào một nguyên bản độc đáo. Hình thức sáng tạo này đến một cách tự nhiên.

Ý tưởng ban đầu thường được tạo ra và gợi cảm hứng từ những thứ đã từng tồn tại trong thế giới này. Ảnh: Kelly Sikkema / UnSplash.

“Não của chúng ta có khả năng kết nối và kết hợp. Và bạn có thể vay mượn từ những sáng tạo khác miễn sao có thể hòa trộn chúng bằng những trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình và thể hiện nó theo một cách riêng, mới mẻ” – nhà thần kinh học Oliver Sacks viết trong bài The Creative Self.

Không có gì làm ta cảm thấy bất lực hơn là cố nghĩ ra một “ý tưởng lớn” và tìm cách phù phép ra thứ gì đó từ con số 0. Nhưng nếu nhận thức rằng cảm hứng luôn tồn tại quanh ta với nguồn nguyên liệu sáng tạo dồi dào thì lời đáp cho câu hỏi “Tôi có thể tìm thấy ý tưởng ở đâu?” là rất đơn giản: từ mọi nơi.

3. Tìm đâu ra thời gian để sáng tạo?

Vấn đề không phải là tìm thêm mà là phân bổ lại thời gian mà ta có. Bạn cần có những khoảng thời gian đủ lâu để có thể đào sâu sáng tạo.

Bao lâu là tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Chẳng hạn, bạn cần liên tục 3 giờ không bị ngắt quãng.

Theo doanh nhân và tác giả Paul Graham, có 2 loại thời gian biểu: loại dành cho sếp (nhà quản lý) và loại dành cho người sáng tác.

Thời gian biểu của sếp thường đầy lịch họp và cuộc hẹn với khung thời gian được chia nhỏ thành từng giờ hoặc ngắn hơn nữa. Nhưng cách sử dụng thời gian của những người sáng tác như nhà lập trình hoặc người viết lại khác.

Thực ra mối đe dọa lớn đối với sự sáng tạo không phải là thiếu thời gian mà là thiếu tập trung.

Nói chung, một khung thời gian của họ ít nhất cần nửa ngày. Bạn không thể viết hoặc lập trình tốt trong những đơn vị thời gian tính bằng giờ, bằng phút.

Phần lớn chúng ta đều tự động lấp đầy lịch làm việc của mình theo kiểu “thời gian biểu của sếp” và chỗ nào không được xếp lịch thì xem như là “còn trống”. Để tìm được thời gian đủ lâu cho công việc sáng tạo, bạn cần xem lại lịch làm việc của mình.

Thực ra mối đe dọa lớn đối với sự sáng tạo không phải là thiếu thời gian mà là thiếu tập trung. Chúng ta cần tập trung đủ lâu để làm những việc sáng tạo. Nhưng sự tập trung đó thường bị bủa vây tứ phía bởi đủ thứ có thể làm ta sao nhãng hay bị ngắt quãng, trong đó có mạng xã hội.

4. Làm thế nào để có được một “ý tưởng bom tấn”?

Mọi người thường mường tượng rất to tát: Ý tưởng này sẽ “làm nên sự nghiệp”, “thay đổi thế giới” hoặc có được sự ngưỡng mộ của hàng triệu người. Tham vọng thì tốt nhưng khi bắt đầu một nỗ lực sáng tạo, nên bớt tập trung vào kết quả mà cần tập trung làm việc đó và làm thật tốt.

Theo một nghiên cứu của nhà tâm lý học Dean Simonton, thậm chí những nhà sáng tạo giàu kinh nghiệm nhất cũng khó đoán trước được là liệu những dự án của họ sẽ thành công hay không, đơn giản là họ rất kém về mặt này. Tuy nhiên, những người thành công vượt qua được điều này bằng cách cứ tiến lên phía trước và liên tục sáng tạo.

Nếu bạn đang cố quyết định xem có nên theo đuổi một dự án và muốn chắc rằng bạn đang làm điều đó vì những lý do đúng đắn thì hãy tự hỏi: “Nếu như ngay từ đầu mình biết là không có khả năng thu được danh hay lợi từ việc này thì mình vẫn còn muốn làm?”.

Tham vọng thì tốt nhưng khi bắt đầu một nỗ lực sáng tạo, nên bớt tập trung vào kết quả mà cần tập trung làm việc đó và làm thật tốt. Ảnh: Rachael Gorjestani / UnSplash.

5. Tôi phải bắt đầu từ đâu?

“Tôi không biết bắt đầu từ đâu” – đó là một lời than mà chúng ta thường nghe từ những người trẻ đang muốn khởi sự một dự án sáng tạo nào đó.

Xin mượn một câu nói nổi tiếng của nhà soạn nhạc John Cage để trả lời: “Hãy bắt đầu từ bất cứ đâu”. Lời khuyên của Cage có thể áp dụng cho bất cứ ai, dù họ đang sáng tạo bất cứ điều gì.

Đừng bị mắc kẹt vào chuyện tìm cho được điểm xuất phát hoàn hảo, một câu văn hay đoạn nhạc mở đầu xuất sắc. Hãy bắt đầu với bất cứ thứ gì mà bạn hiện có dù cho đó là một ý tưởng chưa hoàn thiện, một đoạn mở đầu còn khiếm khuyết hoặc là một câu chuyện còn dang dở.

Việc khảo sát, chuẩn bị là quan trọng nhưng mấu chốt là phải tự huấn luyện bản thân biết nhận ra khi nào bạn đang cố làm quá nhiều bước chuẩn bị như một cách nhằm trì hoãn nỗi sợ phải đối mặt với một trang giấy trống, một bản vẽ chưa có gì hay màn hình còn trắng tinh.

Tốt hơn là hãy bắt đầu tạo hình tạo dáng cho điều gì đó trong thời gian sớm nhất có thể: viết ra, phác thảo, tạo nguyên mẫu đầu tiên. Và đừng lo lắng quá nhiều về chất lượng vì bất cứ thứ gì mà bạn thể hiện bây giờ sẽ được chỉnh sửa hoặc không còn được sử dụng khi bạn tiếp tục công việc này.

Mai Quỳnh / FastCompany
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn