The Professionals #4: Như thế nào là chuyên nghiệp trong marketing?

Các marketer nên làm việc chuyên nghiệp nhất có thể.

Nhiều người ngoại quốc làm việc tại Việt Nam phàn nàn với tôi về nguồn nhân lực marketing nội địa.

Tôi biết bạn không muốn nghe những lời phàn nàn, hoặc bạn nghĩ đó là những nhận xét không công bằng. Nhưng không sao cả, những phản hồi đó sẽ giúp bạn phát triển nếu biết cách đón nhận. Và vì vậy tôi vẫn sẽ nói.

Một số phàn nàn đề cập đến mức độ thành thục kỹ năng và kiến thức xây dựng thương hiệu của nhân lực trong ngành. Theo tôi, không có ai biết tất cả mọi thứ. Bởi kiến thức là điều có thể tích lũy dần dần được nên đây không phải là vấn đề.

Một số khác phàn nàn về mindset và những hành vi thiếu chín chắn. Tôi chắc là cộng đồng những người làm marketing có thể cải thiện hai vấn đề này và tốt lên từng ngày.

Ảnh: Headway / UnSplash.

Bạn không nên chỉ nghe đánh giá từ sếp hoặc những người nước ngoài làm việc cùng.

Bạn cũng cần lắng nghe các nhà cung cấp đánh giá việc bạn làm từ những góc nhìn khác nhau. Bạn cần hợp tác với họ để hoàn thành dự án, vậy nên việc lắng nghe góp ý từ họ là một trong những hành động thể hiện sự tôn trọng.

Biết đâu bạn cũng sẽ bất ngờ khi biết rằng họ cũng đánh giá các marketer cần làm việc chuyên nghiệp hơn. Chúng ta sẽ bàn về điều này ở một bài khác của series The Professionals, về cách học hỏi từ nhiều phòng ban, đội nhóm khác nhau và làm sao để chúng ta có thể trở thành các chuyên gia marketing.

Tuy nhiên, đừng hiểu sai ý của tôi, bài viết này không hướng đến việc đánh giá các bạn làm việc có chuyên nghiệp hay không. Bởi vì, nghiêm túc mà nói, tôi là ai mà lại đưa ra đánh giá quan trọng như vậy, trong khi tôi cũng là một trong những marketer tại thị trường Việt Nam, đang cố gắng hằng ngày để mang lại kết quả tốt nhất trong marketing cũng như xây dựng thương hiệu. Tôi cũng là một “người mới” như tất cả các bạn mà thôi.

“Trong những năm đầu đi làm, tôi luôn tự hỏi: Làm sao tôi có thể giúp đỡ nhân viên của mình?

Bây giờ câu hỏi của tôi là: Làm thể nào tôi có thể xây dựng một mối quan hệ để nhân viên đó có thể tận dụng và phát triển bản thân?”

Carl Rogers

Trước khi đào sâu về việc marketer chuyên nghiệp là người như thế nào, bạn hãy xem qua các trường hợp dưới đây để thấy tầm ảnh hưởng rộng lớn của marketing trong các công việc hằng ngày và tại các doanh nghiệp lớn.

Trường hợp A:

Tại một trong các tập đoàn đa quốc gia tôi từng làm việc, tôi quản lý vài thương hiệu và các Brand Manager sẽ báo cáo trực tiếp với tôi. Một trong số các Brand Manager đó đặc biệt thích thực hiện những ý tưởng “bay bổng”. Công bằng mà nói, một vài trong số các ý tưởng đó khá ổn, chứ không hẳn lúc nào cũng thiếu phù hợp với tính cách thương hiệu. Tuy nhiên, Brand Manager đó có xu hướng làm những điều mình thích hơn là làm đúng.

Có một lần chúng tôi phải làm một clip quảng cáo trực tuyến cho thương hiệu. Bản brief tôi đưa ra đã nhấn mạnh độ dài của clip không quá 3 phút. Lý do là vì trong suốt giai đoạn chuẩn bị và hình thành ý tưởng, chúng tôi nhận ra các clip quảng cáo tương tự được lan truyền rộng rãi không có một clip nào dài hơn 3 phút cả.

Dự án đó, tôi giao cho bạn BM kể trên làm việc với Agency trong lúc tôi đi dự hội nghị khu vực. Tuy nhiên, sau khi đi về tôi nhận được kết quả là một clip dài 7 phút. Vô cùng thất vọng, tôi đã hỏi nguyên do và bạn BM đó chia sẻ: “Em thích thời lượng video dài hơn để có thể kể nhiều hơn”.

Tất nhiên chúng tôi không thể dùng được clip đó liền, và mặc dù rất tốn công nhưng Agency vẫn phải làm lại từ đầu. Hành động này của bạn BM đã lãng phí nhiều ngân sách hơn cho việc sửa video hơn là tập trung cho hoạt động truyền thông. Đội ngũ của chúng tôi chỉ có thể cắt ngắn video xuống còn 5 phút, dù còn dài hơn kỳ vọng ban đầu nhưng chúng tôi vẫn cho lên sóng vì không muốn bỏ lỡ mùa lễ hội.

Đúng như dự đoán, người tiêu dùng chỉ xem 3 phút đầu tiên của video mà thôi. Do đó, toàn bộ công sức của team marketing không mang lại kết quả gì đáng kể.

Ảnh: Kushagra Kevat / UnSplash.

Trường hợp B:

Câu chuyện này xảy ra ở Thái Lan.

Hơn 10 năm trước, thị trường Thái Lan bùng nổ một loại sản phẩm chăm sóc tóc đặc biệt. Đây là một sáng kiến đổi mới có tính đột phá và người tiêu dùng tiếp nhận sản phẩm khá nhanh. Hiện tượng này đã giúp ngành hàng dầu gội tăng trưởng mạnh, dù trước đó chỉ tăng vài phần trăm một năm.

Thương hiệu của chúng tôi lại đứng ngoài sự bùng nổ đó.

Vậy nên chúng tôi yêu cầu mọi người đề xuất ý tưởng tương tự cho thương hiệu của mình. Một vài tháng sau, mọi người trình bày những ý tưởng liên quan. Sản phẩm cuối cùng tương tự đối thủ, bao bì lại quá lớn và không phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu. Đúng ra, chúng tôi không nên tung sản phẩm đó vì điều đó sẽ phá vỡ mọi quy tắc trong việc xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định tung sản phẩm đó. Bạn thắc mắc vì sao đúng không? Chúng tôi đã tham lam và nghĩ rằng nếu mình có cùng dòng sản phẩm đang thu hút người tiêu dùng với những thương hiệu khác thì thương hiệu của chúng tôi cũng sẽ phát triển bùng nổ như vậy.

Nhưng, xu hướng đã lụi tàn dần chỉ trong vài tháng sau đó. Và số hàng tồn còn lại nhiều đến mức đủ để chúng tôi bán tới vài năm sau nữa. Đau lòng hơn là dây chuyền sản xuất công nghệ cao sẽ không được dùng đến trong nhiều năm tới.

Trường hợp C:

Tôi được nghe câu chuyện này từ một tiền bối của mình.

Những quyết định chúng ta đưa ra có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành, bại của thương hiệu. Thành hay bại đều có hệ quả lớn hơn những gì chúng ta nghĩ rất nhiều.

Chuyện xảy ra cách đây hơn 20 năm, khi chị đang làm Assistant Brand Manager (ABM - Trợ lý Giám đốc Thương hiệu) cho một tập toàn FMCG toàn cầu, trụ sở tại Việt Nam. Chị gia nhập công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Trong vài tuần sau đó, chị đã có cơ hội tham gia làm TVC đầu tiên của thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Thương hiệu đã ra mắt người tiêu dùng một thời gian nhưng chưa quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc gia. Vậy nên, đây là một dự án khá quan trọng, các bên tham gia đều vô cùng nghiêm túc trong việc đảm bảo sự thành công của TVC. Chị kể với tôi chị rất hào hứng. Bởi vì với vai trò là một ABM còn trẻ, làm nên “lịch sử” của thương hiệu là một việc vô cùng thú vị.

Tuy nhiên, đến sáng hôm quay phim, chị bị sốc bởi thương hiệu xe đạp được lựa chọn xuất hiện trong clip. Ở Việt Nam, chiếc xe đạp bạn đi nói lên nhiều đều về bạn – tầng lớp xã hội, phong cách, sở thích, khả năng chi tiêu của bạn… Rõ ràng, Production Team (và vị sếp phương Tây thiếu kinh nghiệm) đã chọn một trong những chiếc xe đạp xấu và thiếu năng lượng nhất cho nữ chính – gương mặt thương hiệu.

Chị bị sốc và hoảng hốt.

Chị biết chị không thể để cho Production Team tiếp tục quay TVC bằng chiếc xe đạp xấu xí đó. Đồng thời, chị lại ngần ngại lên tiếng bởi vì chọn cách đối đầu với vị sếp mới và cả Ekip Production ngay trước lúc quay, khi mình đang có công việc trong mơ là một việc khá điên rồ.

Nhưng chị vẫn chọn cách lên tiếng. Lấy hết can đảm, chị gặp sếp và trình bày về vấn đề của chiếc xe đạp và đề xuất lựa chọn thay thế. Tất nhiên cả đoàn đều hốt hoảng và hỗn loạn trong việc tìm chiếc xe đạp thay thế và phải dời lịch quay. Nhưng kết quả cuối cùng cho thấy chị đã lựa chọn đúng, đó là một trong những TVC có performance tốt nhất thời điểm đó.

Nhiệm vụ của các marketer như chúng ta là “chiến thắng thị trường” (thuật ngữ Marketing).

Nhiệm vụ của các marketer là “chiến thắng thị trường”. Ảnh: rawpixel / UnSplash.

Vì vậy, chúng ta là người định hướng phát triển cho thương hiệu. Chúng ta là người chọn giá trị thương hiệu cần tập trung vào. Chúng ta là người quyết định cách thương hiệu cũng như doanh nghiệp “thắng thị trường”. Chúng ta tận dụng hầu hết các nguồn lực quý giá để xây dựng thương hiệu với kỳ vọng mang lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp. Chúng ta còn đưa ra những ý kiến với lý lẽ đáng tin cậy để thuyết phục các đồng nghiệp tại các phòng ban khác. Trên hết, chúng ta đưa ra quyết định dựa trên những gì chúng ta biết.

Tóm lại những quyết định chúng ta đưa ra có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành, bại của thương hiệu. Thành hay bại đều có hệ quả lớn hơn những gì chúng ta nghĩ rất nhiều.

Đó là lý do vì sao các marketer cần phải chuyên nghiệp trong tất cả các công việc.

(Lưu ý rằng nhân sự các phòng ban khác cũng cần phải làm việc chuyện nghiệp, không có lý do gì để viện cớ cho việc thiếu chuyên nghiệp cả. Tuy nhiên, tôi tin là nếu người làm marketing muốn dẫn đầu, thì họ cần phải chuyên nghiệp ở mức tối đa trước đã.)

Vậy hãy cùng xem sự chuyên nghiệp trong marketing là như thế nào nhé.

1. Có mục đích và đam mê rõ ràng

Trước hết, mỗi người cần có suy nghĩ rõ ràng về đích đến và lý do vì sao mình lựa chọn hướng đi ấy.

Đồng nghiệp cần lời hướng dẫn của chúng ta để có thể đi đúng định hướng và yêu cầu ban đầu. Vì thời gian và nỗ lực là hai thứ đã mất thì không thể lấy lại nên hãy tôn trọng thời gian và công sức của người khác.

Là một marketer, sự nghiệp của mỗi người luôn đi cùng với sự phát triển của doanh nghiệp.

2. Đa dạng góc nhìn

Gương chiếu hậu giúp tài xế có góc nhìn rộng hơn khi lái xe, cũng như giúp họ nhận thức được những gì diễn ra xung quanh, chứ không chỉ giới hạn ở không gian trước mắt, các chuyên gia marketer cũng áp dụng tâm lý tương tự. Khi chúng ta muốn phát triển kế hoạch cũng như thúc đẩy kết quả kinh doanh, nên tham khảo nhiều quan điểm từ các phòng ban khác nhau. Điều đó sẽ giúp quá trình xây dựng thương hiệu tốt hơn.

3. Chân thành trong giao tiếp với kỳ vọng rõ ràng

Phần khó nhất khi làm việc là phối hợp nỗ lực của từng người trong đội ngũ nhân sự.

Chia sẻ kỳ vọng rõ ràng thì các thành viên không phải đoán ý mình để làm việc, giảm đi nguy cơ họ đoán sai và dẫn đến làm sai. Đồng thời chúng ta cũng cần khiến cho mọi người tôn trọng và tin tưởng bởi không có cách giao tiếp nào hiệu quả hơn sự chân thành cả.

4. Cẩn thận trong lời nói và kiềm chế cảm xúc

Nhiều khi, bạn lớn tiếng và nổi giận người khác với cái cớ “đam mê”. Đó luôn là một lời biện hộ không thể chấp nhận được. Là một marketer, sự nghiệp của mỗi người luôn đi cùng với sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhà thơ Maya Angelou đã từng nói rằng: “Vào cuối ngày, mọi người sẽ không nhớ tới những điều bạn đã nói và làm, họ sẽ chỉ nhớ tới cảm giác mà bạn mang lại cho họ”.

Vậy nên đừng làm công việc gián đoạn bởi những hành động, cảm xúc tiêu cực.

5. Chịu trách nhiệm tập thể

Marketer nào nghĩ rằng “mình là lãnh đạo và không thuộc về tập thể” thì thật sai lầm.

Lấy ví dụ từ một đội bóng đá nhé, vấn đề thắng hay thua của đội bóng không phụ thuộc vào một cầu thủ cụ thể nào. Đội bóng nào để chuyện thắng thua phụ thuộc vào một cầu thủ duy nhất thì chắc hẳn không được lòng người hâm mộ và cũng không được công chúng tôn trọng.

Marketer nào nghĩ rằng “mình là lãnh đạo và không thuộc về tập thể” thì thật sai lầm. Ảnh: Peoplecreations / Freepik.

Nói “tôi là một phần của team” là muốn đề cập đến việc cùng nhau chịu trách nhiệm cho những kết quả tốt cũng như không tốt, dù sai lầm đó gây ra bởi một trong các thành viên. Tâm lý như vậy sẽ giúp bạn nhìn xa hơn và giúp đỡ các thành viên khác nhiều hơn, tránh các sai lầm không đáng có. Đồng thời, bạn cũng như đội ngũ của mình sẽ đóng góp nhiều hơn và sâu hơn cho kết quả kinh doanh của thương hiệu.

6. Chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những sai lầm

Chuyên nghiệp không chỉ là chủ động tránh sai lầm mà còn là chủ động làm việc để đem lại kết quả tốt nhất cho thương hiệu và doanh nghiệp. Việc không chấp nhận rủi ro cho thấy chúng ta không quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ chấp nhận rủi ro đã được lường trước với các mục tiêu rõ ràng. Chúng ta cũng cần thông báo với các thành viên trong team, cũng như đoàn kết hơn khi đối mặt rủi ro.

Một khi tình huống xấu xảy ra, chúng ta cũng phải học hỏi từ nó (quyết định đưa ra và hậu quả đi kèm) để cải thiện hiệu suất làm việc của đội ngũ và thương hiệu trong tương lai. Sợ mất mặt và chối bỏ thất bại như “Đó là một sai lầm” hay “không có gì để học từ thất bại này” không phải là cách làm việc của một marketer chuyên nghiệp.

7. Tính chính trực của mỗi người

Nói dối, gian lận, ăn cắp và tham nhũng là những điều không nên. Đừng đánh đổi sự nghiệp và danh tiếng của bạn chỉ vì lợi ích vật chất hoặc tiền bạc, bởi vết nhơ về những vấn đề liêm chính trong cuộc sống và sự nghiệp là điều không thể tha thứ. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về nó trong những bài viết sắp tới.

Tự hào vì những gì bạn làm thì cũng ổn thôi nhưng sẽ tốt hơn khi tự hào về cách bạn làm nó.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
Brands Vietnam