Dược Hậu Giang cần thêm "dược lực"

Nếu cải thiện được chiến lược R&D và bài toán kênh phân phối, động lực phát triển của Dược Hậu Giang (DHG) sẽ được cải thiện.

*Phân tích của KIS chỉ có giá trị tham khảo

Theo nghiên cứu của IMS Health, tiêu thụ thuốc của Việt Nam qua kênh bán lẻ (OTC) ngày càng thu hẹp và nhường thị phần cho kênh điều trị (ETC). Dù nỗ lực tăng cường sự hiện diện trong kênh hiện đại, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) phần nào bị đánh giá là thiếu nhanh nhạy với sự chuyển dịch cơ cấu của thị trường. Doanh thu bán hàng quý III/2018 của DHG là 946,3 tỉ đồng, giảm 170 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

OTC giảm tốc, ETC tăng tốc

Theo báo cáo quý II/2018 của Công ty VIRAC, thị trường dược phẩm Việt Nam có khoảng 153 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược. Ngoài ra có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược (năm 2015). Theo đó, sản phẩm thuốc chủ yếu tập trung ở dạng bào chế đơn giản (generic) và thiếu hẳn các loại thuốc đặc trị, phức tạp.

Xét quy mô, DHG được xem là đơn vị sở hữu mạng lưới phân phối khá đa dạng trong ngành với 18 công ty con, 28 chi nhánh, 67 quầy thuốc, nhà thuốc trên cả nước. Thời điểm năm 2015, doanh thu qua kênh phân phối của DHG có cơ cấu gồm hệ điều trị (9%) và hệ thương mại (91%). Doanh thu năm 2017 của DHG là 4.569 tỉ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 642,4 tỉ đồng, giảm hơn 6,6%.

Theo nghiên cứu của IMS Health, tiêu thụ thuốc của Việt Nam ở kênh OTC chỉ tăng nhẹ 3,6% CAGR trong 5 năm tới, giảm tỉ trọng trong tổng tiêu thụ ngành dược xuống còn 35% vào năm 2021. Thay vào đó, doanh số kênh ETC được dự phóng tăng trưởng mạnh 10,6% CAGR và sẽ chiếm chủ đạo 65% thị trường dược phẩm đến năm 2021.

Do đó, yêu cầu thay đổi và tập trung thâm nhập thị phần ETC được xem là cần thiết để duy trì kết quả kinh doanh của DHG. Trong một diễn biến khác, xu hướng thực phẩm chức năng được đánh giá là triển vọng khá tích cực, song lại đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt. Theo số liệu của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, năm 2017 đã có gần 4.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bán buôn hơn 10.000 loại sản phẩm.

DHG dù đã có những động thái đầu tiên trong việc xây dựng kênh phân phối và thâm nhập phân khúc này, song kết quả nhận được lại chưa đạt kỳ vọng khi lợi nhuận gộp của mảng thực phẩm chức năng chỉ đạt 81 tỉ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.

Khuyến nghị về DHG

Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nửa đầu năm 2018, mảng dược phẩm đóng góp tỉ trọng lớn nhất cho DHG với 1.400 tỉ đồng doanh thu thuần, chỉ tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp DHG quý I/2018 đi ngang, dẫn đến việc lợi nhuận gộp mảng dược phẩm chỉ tăng nhẹ 3,8%, đạt 711 tỉ đồng.

Việc thị trường giảm tốc, đồng thời chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm mới và mở kênh phân phối của DHG chưa thực sự ấn tượng, đã khiến mức độ tăng trưởng mảng dược phẩm giảm tốc đáng kể trong nửa đầu năm 2018 so với mức tăng 10-15% của giai đoạn 2010-2015. Ngoài ra, 2 mảng thực phẩm chức năng và thương mại bán buôn có kết quả kinh doanh không mấy lạc quan khi lợi nhuận gộp của 2 mảng giảm lần lượt 19% và 25,8% so với cùng kỳ, đạt vỏn vẹn 81 tỉ đồng và 23 tỉ đồng trên tổng lợi nhuận gộp 814 tỉ đồng.

Trước bối cảnh thách thức trên, ban lãnh đạo DHG tiến hành 3 chiến lược tăng trưởng: (1) Nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện tại lên tiêu chuẩn PIC-S (Cục Quản lý Dược Malaysia chứng nhận) và PMDA (Bộ Y tế Nhật) để gia tăng doanh số đấu thầu vào kênh ETC; (2) R&D 11 sản phẩm mới mỗi năm, tăng đội ngũ bán hàng, mở rộng phân phối vào các kênh hiện đại; (3) Ra đời nhiều sản phẩm dược mỹ phẩm có nguồn gốc organic mới, hợp tác với Vinamilk. Song theo nhận định của KIS, những chiến lược này chưa đủ quy mô lớn để ảnh hưởng đáng kể đến doanh số, giúp DHG quay trở lại mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2 chữ số trong quá khứ.

Mức P/E 12 tháng hiện tại của DHG là 19,3 lần, khá cao so với trung bình VN-Index (16x), các hãng dược nội địa (17x) và tốc độ tăng trưởng bền vững 5-10% của Công ty. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu DHG có thể tăng mạnh do cổ đông chiến lược Taisho Pharmaceutical buộc phải mua trên sàn để gia tăng tỉ lệ sở hữu sau khi Công ty nới room ngoại lên mức 100%.

Tuy nhiên, đối diện cơ cấu dịch chuyển ngành, DHG cần phải có động thái quyết liệt hơn dựa trên cơ sở hiện tại, để phục vụ mục tiêu tăng cường chiếm lĩnh thị phần ETC. Tại thời điểm cuối tháng 12, giá cổ phiếu của DHG được giao dịch quanh 79.000 đồng/cổ phiếu, giảm khá nhiều so với mức giá trần hơn 105.000 đồng/cổ phiếu tại trung tuần tháng 8.2018.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư