Starbucks và bài toán tăng trưởng doanh thu

Trong lịch sử hoạt động suốt 47 năm của mình, Starbucks đã phát triển từ một quán cà phê khiêm tốn ở Seattle thành một thương hiệu khổng lồ sở hữu gần 30.000 cửa hàng trên khắp thế giới. Mặc dù vậy, việc phát triển quá nhanh cũng đem đến không ít hệ lụy cho hãng.

Doanh thu của từng cửa hàng so với cùng kỳ năm trước là một thước đo quan trọng trong ngành dịch vụ ăn uống. Con số này của Starbucks đã giảm dần trong 12 tháng qua khi cạnh tranh ngày càng tăng lên và khách hàng không còn mấy mặn mà với chương trình cung cấp đồ uống trong một khoảng thời gian nhất định của các dịp lễ quan trọng. Trong khi đó, doanh thu bán hàng có thể so sánh đã vượt qua mong đợi trong quý IV với việc tăng 4%, dù vậy phần lớn trong số đó là do Starbucks tính phí cao hơn đối với các sản phẩm latte.

Dưới sự giám sát cẩn thận của Howard Schultz, Starbucks đã theo đuổi chiến lược bành trướng mạnh mẽ vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Thời điểm năm 1992, công ty mới chỉ có 165 cửa hàng.

Bốn năm sau, họ mở cửa hàng thứ 1.000 bao gồm cả những chi nhánh ở nước ngoài như Nhật Bản và Singapore. Sự tăng trưởng này nhanh đến nỗi chỉ 2 năm sau, Starbucks đã mở quán cà phê thứ 2.000.

Số lượng cửa hàng Starbucks trong giai đoạn 1987 - 2017.

Việc tăng số lượng cửa hàng đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của hãng trong suốt hai thập kỷ qua. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng Starbucks đang dàn trải quá mức.

Hiện nay, với hơn 14.000 cửa hàng chỉ riêng tại Mỹ, Starbucks đang "ăn thịt" doanh thu của chính mình. Điều này khiến ban lãnh đạo công ty phải suy nghĩ lại về việc mở rộng kinh doanh. Dự kiến, họ sẽ đóng cửa 150 cửa hàng hoạt động kém trong năm 2019, con số cao gấp ba lần so với thông thường.

Ngoài ra, sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng cũng là một vấn đề khiến các nhà quản lý Starbucks đau đầu. Mọi người đang có xu hướng tránh xa những "quả bom đường", một trong những sản phẩm chủ lực của hãng. Trong năm 2015, doanh số bán Frappuccinos của họ chiếm 14% tổng doanh thu của Starbucks. Nhưng đến nửa đầu năm 2018, con số này chỉ còn 11%.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, doanh số của hãng cũng bị ảnh hưởng do thiếu sự đổi mới. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 50% tất cả các giao dịch đồ uống của Starbucks là đồ uống lạnh. Để khắc phục điều này, hãng đã thêm vào menu nhiều thức uống lạnh hơn như trà, nước tăng lực và cà phê ủ lạnh.

Bên trong một cửa hàng cao cấp của Starbucks.

Các giám đốc cấp cao của hãng cũng lên kế hoạch thúc đẩy sử dụng ứng dụng di động để đặt hàng và tăng số lượng thành viên trung thành. Mới đây, hãng cũng đãng công bố quan hệ hợp tác giao hàng với Uber Eats.

Một chiến lược khác đáng chú ý của Starbucks là Reserve Roasteries, chuỗi cửa hàng cao cấp nhất rộng hàng chục nghìn mét vuông theo mô hình một xưởng sản xuất đồ uống ngay trong thành phố.

Giám đốc tài chính mới của Starbucks, ông Pat Grismer cho biết quan hệ hợp tác với Nestle của công ty cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng lên ít nhất 13% trong tương lai gần. Hy vọng 2019 sẽ là một năm thuận lợi hơn với Starbucks!

Gia Vũ / CNBC
Nguồn Trí thức trẻ