Sóng gió Nissan

Cảnh tượng tại trụ sở Nissan thật khó tin với người ngoài: Lúc CEO Nissan là Hiroto Saikawa công bố tin Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn đã bị bắt, nhân viên tập đoàn xe hơi Nhật Bản này lập tức vỗ tay hoan hô! Vì sao người từng được xem đã vực Nissan dậy khỏi bờ vực phá sản lại bị ghét bỏ đến thế?

Từ “ông 7/11” đến ông “cắt giảm chi phí”

Carlos Ghosn sinh ra ở Brazil, người gốc Liban. Năm 6 tuổi, gia đình gửi ông về sống ở Beirut với mẹ. Tốt nghiệp từ hai trường đại học danh tiếng của Pháp, ông vào làm cho hãng Michelin và đến năm 1996 bắt đầu làm cho hãng xe hơi Renault. Vào cuối thập niên 1990, Nissan rơi vào khủng hoảng, gần như phải tuyên bố phá sản thì hãng Renault, theo đề nghị của Ghosn đã bỏ ra 5,4 tỉ đô la nhảy vào giải cứu. Sau đó Renault sở hữu 37% cổ phần chi phối của Nissan rồi nâng dần lên 43,4%.

Dọn nhà đến Tokyo làm Tổng giám đốc điều hành Nissan vào năm 1999, Carlos Ghosn được mệnh danh là ông “7/11”, tức thường làm việc từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm! Ông đóng cửa 5 nhà máy, sa thải 21.000 nhân viên và cắt hợp đồng các nhà cung cấp yếu kém. Những biện pháp mạnh tay của ông tỏ ra hiệu quả, Ghosn được ca tụng như nhà quản trị lật ngược tình thế, giúp Nissan giảm nợ, tăng lợi nhuận. Ông được đặt thêm một biệt danh: ông “cắt giảm chi phí”. Sau đó ông thành lập liên minh giữa Renault và Nissan, năm 2016 thêm cả Mitsubishi nhằm chia sẻ công nghệ và nền tảng sản xuất. Ông nhận lương từ cả ba doanh nghiệp cộng lại lên đến 17 triệu đô la vào năm 2017.

Ông “7/11” Carlos Ghosn thường dùng máy bay riêng để đi khắp thế giới.

Vì còn kiêm cả chức CEO cho Renault, ít khi Ghosn có mặt ở Tokyo nhưng vẫn lãnh lương cao ngất ngưởng so với mức lương quản lý tại Nhật. Năm tài chính 2009, Nissan trả cho ông 15 triệu đô la tiền lương, gấp đôi tổng lương của chín nhân vật quản lý hàng đầu kế tiếp của Nissan. Ngoài ra, Nissan còn mua cho ông nhiều tài sản; chẳng hạn một căn nhà trị giá 4,1 triệu đô la ở Paris, một căn nhà ở Beirut trị giá 15 triệu đô la. Năm 2010, Nhật thay đổi quy định, buộc mọi lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nào lương mỗi năm trên 800.000 đô la thì phải công khai tiền lương. Lo ngại dư luận phản đối lương cao, Ghosn yêu cầu Nissan chỉ trả cho ông 7,8 triệu đô la; còn lại gần 2 triệu đô la sẽ trả sau.

Ngay cả với mức lương này, cổ đông Nissan phản ứng dữ dội tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Sau đó, theo điều tra của công tố Nhật Bản, Ghosn tiếp tục áp dụng cách thức khai lương thấp, nhiều món đưa vào dạng trả chậm, không công bố - đến mức tỷ lệ này chiếm đến một nửa lương của ông. Việc tính toán này Ghosn dựa vào sự giúp sức của Greg Kelly, lúc đó làm ở phòng nhân sự Nissan. Vào cuối năm 2010, Nissan lập nên một công ty ở Hà Lan, Zi-A Capital BV mà Ghosn báo cho hội đồng quản trị là để thực hiện các thương vụ đầu tư. Thực chất Zi-A, tiếp nhận 82,8 triệu đô la từ Nissan, được dùng làm bình phong để mua thêm tài sản cho Ghosn, kể cả căn nhà ở Beirut. Năm 2012, một công ty con của Zi-A bỏ ra 5,7 triệu đô la mua thêm một căn nhà ở Rio de Janeiro, làm nơi ở cho Ghosn mỗi lần đến Brazil nhưng chủ yếu để gia đình Ghosn sử dụng làm nơi nghỉ mát.

Bất mãn dâng cao...

Nhân viên Nissan, chịu sức ép cắt giảm chi phí của Carlos Ghosn, ngày càng bất mãn vì lối chi tiền công ty một cách hoang phí của vị chủ tịch. Ông thường dùng những chiếc máy bay riêng của hãng để đi khắp thế giới, có năm tính ra có đến 100 ngày trên không. Đi đâu ông cũng kéo theo bầu đoàn thê tử, kể cả những vệ sĩ trang bị tận răng. Theo tường thuật của Wall Street Journal, nhân viên Nissan bất mãn nhất là cách Ghosn cân nhắc, thăng chức cho giới quản lý nước ngoài trong khi o ép dàn nhân sự người Nhật.

Chịu sức ép cắt giảm chi phí của Carlos Ghosn, nhân viên Nissan ngày càng bất mãn vì lối chi tiền công ty một cách hoang phí của vị chủ tịch.

Khi Ghosn tiếp tục cắt giảm chi phí bằng cách buộc Nissan và Renault dùng chung linh kiện, các kỹ sư hai bên lại tranh cãi nhau nên dùng linh kiện và công nghệ của hãng nào. Nhân viên Nissan cho rằng doanh thu của Nissan, giờ đã cao hơn Renault, đang được dùng để nâng đỡ Renault. Năm ngoái, tại cuộc họp cổ đông một nhân viên Nissan chất vấn Ghosn, cho rằng ai cũng có cảm tưởng Nissan là một công ty con của Renault mà thôi. Ghosn giận dữ đáp: “Trong 18 năm qua, anh tìm cho tôi chứng cứ nào minh họa cho nhận định của anh. Chả có chút xíu gì thực tế cho những điều anh nói”.

Trong khi đó công ty kiểm toán của Nissan là Ernst & Young tiếp tục chất vấn về Zi-A Capital, về những tài sản địa ốc mà công ty này mua cho Ghosn. Cảnh báo của phía kiểm toán rơi vào tầm chú ý của Hidetoshi Imazu, một nhân viên cựu trào của Nissan, được bầu vào vai trò kiểm soát viên của hội đồng quản trị. Imazu cố gắng tìm hiểu hoạt động của Zi-A nhưng gần như bó tay vì các lớp công ty ma được dựng lên quanh quỹ đầu tư này. Sau đó nhờ sự phối hợp của nhiều nhân vật khác, Imazu hiểu được đường đi của những khoản tiền Nissan rót cho Ghosn cũng như các khoản lương trả chậm, nay đã lên đến 80 triệu đô la. Đến đây nhóm Imazu đã hợp tác với cơ quan công tố Nhật Bản để xây dựng một vụ án chung quanh Carlos Ghosn với hai cáo buộc chính: một công ty con của Nissan bị sử dụng làm bình phong để mua tài sản nhà cửa cho Ghosn và thông tin công khai về mức lương của Ghosn là không chính xác, đã bị hạ thấp nhiều so với thực tế.

Cuộc đối đầu

Khi đã thu thập đầy đủ thông tin, nhóm Imazu bèn lật bài ngửa với Saikawa, người vừa được Ghosn chọn lên làm CEO thay ông vào năm 2017. Trước đó, Saikawa không biết có cuộc điều tra này.

Ông Hiroto Saikawa, CEO của Nissan.

Cơ quan công tố Nhật Bản dự tính sẽ bắt Ghosn ngay sau khi ông này đến Tokyo vào ngày 19-11 để dự họp hội đồng quản trị. Vấn đề là thu xếp dụ Kelly, đồng phạm của ông Ghosn đến Tokyo bắt luôn. Kelly xem như đã về hưu sớm từ năm 2015 và sống ở Florida. Thế là Nissan cử người gọi điện cho Kelly bảo hội đồng quản trị cần gặp ông, phải đích thân đến họp chứ không thể họp qua video như những lần trước. Chiều ngày 19-11 khi hai người đáp máy bay riêng đến Tokyo thì bị bắt.

Carlos Ghosn tuyên bố ông vô tội còn gia đình ông thì cho rằng đây chỉ là chuyện đấu đá tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ các doanh nghiệp, một bên là Renault và bên kia là Nissan và Mitsubishi. Theo họ, vụ bắt giữ Ghosn nhằm mục đích phá bỏ sự liên minh giữa Renault của Pháp và hai doanh nghiệp ô tô Nhật Bản.

Nhân viên cao cấp của Nissan, theo phỏng vấn của Wall Street Journal, cho rằng họ có cảm giác bị lừa, nhất là khi biết được lối sống của Carlos Ghosn là bằng tiền của chính Nissan. Một người không được tiết lộ danh tính nói: “Ở Nissan, truyền thống là minh bạch và cần kiệm. Tôi chỉ muốn hỏi (ông ta): Minh bạch biến đi đâu? Cần kiệm biến đi đâu?”.

Nguyễn Vũ
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn