10 tỷ phú thời trang giàu nhất thế giới

Các ông chủ của những tập đoàn hàng hiệu xa xỉ như LVMH, Kering, Chanel hoặc các thương hiệu thời trang nhanh Zara, H&M, Uniqlo đều góp mặt trong danh sách này.

1. Bernard Arnault (69 tuổi, 72 tỷ USD, quốc tịch Pháp)

Bernard Arnault

Ảnh: CNBC.

Tỷ phú giàu nhất thế giới trong ngành thời trang hiện nay là chủ tịch của tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH. Tập đoàn này sở hữu 70 thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Sephora, Givenchy, Hublot... Năm 2017, LVMH mua lại hầu hết cổ phần của Christian Dior và giúp khối tài sản của Bernard Arnault tăng thêm 30,5 tỷ USD chỉ sau 1 năm. Ông cũng là tỷ phú giàu thứ 4 thế giới năm 2018.

2. Amancio Ortega (82 tuổi, 70 tỷ USD, quốc tịch Tây Ban Nha)

Amancio Ortega

Ảnh: El Espanol.

Xếp ngay sau chủ tịch LVMH là ông chủ Zara. Ortega đang giữ 60% cổ phần của công ty thời trang Inditex với 8 thương hiệu khác nhau trong đó có Zara, Pull&Bear, Massimo Dutti... Công ty của tỷ phú Tây Ban Nha đang vận hành khoảng 7.500 cửa hàng trên khắp thế giới.

3. Phil Knight (80 tuổi, 29,6 tỷ USD, quốc tịch Mỹ)

Phil Knight

Ảnh: Time Magazine.

Đứng ở vị trí thứ 3 là nhà sáng lập của hãng giày Nike. Knight cùng huấn luyện viên của mình đã bỏ ra 500.000 USD mỗi người để thành lập Blue Ribbon Sports năm 1964 và đổi tên thành Nike năm 1971. Năm ngoái, Nike đạt doanh thu 34 tỷ USD với hơn 70.000 nhân viên và đặt văn phòng tại 52 quốc gia. Knight đã nghỉ hưu vào năm 2016 sau 52 năm cống hiến miệt mài cho Nike.

4. Francois Pinault (82 tuổi, 27 tỷ USD, quốc tịch Pháp)

Francois Pinault

Ảnh: Sudouest.

Gia đình vị tỷ phú người Pháp đang quản lý tập đoàn hàng xa xỉ Kering. Pinault thành lập Kering năm 1963 nhưng phải đến năm 1999, ông mới quyết định đưa công ty phát triển theo hướng hàng xa xỉ khi mua lại cổ phần kiểm soát của Gucci. Hiện Kering đang sở hữu nhiều thương hiệu thời trang như Baleciaga, Alexander McQueen, Brioni và cả hãng đồ thể thao PUMA.

5. Leonardo Del Vecchio (83 tuổi, 21,2 tỷ USD, quốc tịch Ý)

Leonardo Del Vecchio

Ảnh: Formiche.

Vị tỷ phú xếp thứ 5 trong danh sách này là nhà sáng lập và chủ tịch của công ty bán lẻ kính mắt lớn nhất thế giới Luxottica. Del Vecchio bắt đầu gây dựng Luxottica vào năm 1961 khi chỉ mới 25 tuổi. Ngày nay, Luxottica sở hữu các thương hiệu Sunglass Hut, LensCrafters cũng như làm kính cho các hãng thời trang nổi tiếng như Chanel, Armani, Bubbery.

6. Tadashi Yanai (69 tuổi, 19,5 tỷ USD, quốc tịch Nhật Bản)

Tadashi Yanai

Ảnh: Getty Images.

Ông chủ của Uniqlo là người châu Á duy nhất góp mặt trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang. Tadashi Yanai và gia đình đang giữ 44% cổ phần của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo. Tỷ phú người Nhật không ngần ngại chia sẻ rằng ông muốn công ty của mình vượt qua cả H&M và Zara để đứng số một toàn cầu.

7. Stefan Persson (71 tuổi, 16,8 tỷ USD, quốc tịch Thụy Điển)

Stefan Persson

Ảnh: Business Insider.

Đứng ngay sau ông chủ Uniqlo là Stefan Persson, chủ tịch H&M. Cha ông, Erling Persson sáng lập hãng thời trang H&M năm 1947 và giao lại quyền điều hành công ty cho con trai từ năm 1982. Stefan Persson đang nắm 29% cổ phần của H&M và đồng thời cũng là người giàu nhất Thụy Điển.

8. Alain Wertheimer (70 tuổi, 13 tỷ USD, quốc tịch Pháp) và Gerard Wertheimer (67 tuổi, 13 tỷ USD, quốc tịch Pháp)

Alain Wertheimer & Gerard Wertheimer

Ảnh: EFA News.

Đồng hạng 8 trong danh sách là anh em tỷ phú nhà Wertheimer gắn liền với thương hiệu Chanel. Alain Wertheimer hiện là chủ tịch của Chanel trong khi người em Gerard đứng đầu mảng đồng hồ của công ty. Ông nội của Alain và Gerard, Pierre Wertheimer là đối tác kinh doanh của nhà sáng lập Coco Chanel.

10. Giorgio Armani (84 tuổi, 8,9 tỷ USD, quốc tịch Ý)

Giorgio Armani

Ảnh: WWD.

Xếp cuối cùng là huyền thoại sống của làng thời trang thế giới, Giorgio Armani. Ông ra mắt thương hiệu thời trang của riêng của mình lần đầu tiên vào những năm giữa thập niên 1970. Việc kinh doanh của Armani phát triển nhanh chóng khi ông thiết kế trang phục cho tài tử Richard Gere trong bộ phim bom tấn American Gigolo năm 1980. Từ đó đến nay, Armani mở rộng sang nhiều mảng khác như phụ kiện, nước hoa, đồ thể thao và đầu tư thêm vào bất động sản, nhà hàng, khách sạn.

Việt Đức / Forbes
Nguồn Zing News