Lợi nhuận 9 tháng của VNG giảm 52%

Phần lỗ từ công ty liên kết tăng gấp đôi là một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận của VNG giảm mạnh so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần VNG vừa công bố báo cáo tài chính cho quý gần nhất, với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III, VNG ghi nhận gần 1.100 tỷ đồng doanh thu với biên lợi nhuận gộp hơn 55%, tương đồng với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do tất cả khoản chi phí đều tăng mạnh, cùng với phần lỗ từ công ty liên kết gần gấp đôi khiến lợi nhuận trước thuế của VNG giảm gần 40%, còn 180 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, hiện trạng kinh doanh của VNG cũng không có nhiều khác biệt, với doanh thu đi ngang nhưng các khoản chi phí đều tăng đột biến. Doanh thu đạt hơn 3.100 tỷ đồng với lợi nhuận gộp gần 1.800 tỷ nhưng chi phí bán hàng và quản lý ghi nhận lần lượt 853 tỷ và 382 tỷ đồng, tăng 72% và 27% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với khoản lỗ từ công ty liên kết tăng hơn gấp đôi lên 152 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của VNG giảm 52% cùng kỳ, còn gần 500 tỷ đồng.

Kết quả này đang bám sát với mục tiêu của ban lãnh đạo VNG. Tại phiên họp thường niên năm 2018, ban lãnh đạo công ty này cũng trình kế hoạch kinh doanh giảm mạnh so với năm 2017. Theo đó, VNG đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 549 tỷ đồng so với mức 938 tỷ đã thực hiện.

Lý do được đưa ra là tập trung nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm chiến lược và đa dạng hóa hoạt động. Trong đó, công ty này tập trung vào 4 nhóm chính là ví điện tử, phát triển sản phẩm di động, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm trong công ty và thương mại điện tử.

Tiki - khoản đầu tư lớn nhất của VNG vào thương mại điện tử - vẫn đang tiếp tục lỗ với mức độ ngày càng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, khoản lỗ của Tiki ghi nhận vào kết quả kinh doanh của VNG là 102 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối quý II, khoản đầu tư của VNG vào Tiki có giá trị ghi sổ hơn 500 tỷ, đứng đầu trong danh sách những khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết nhưng giá trị còn lại chỉ hơn 185 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính Tiki, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế gần 308 tỷ đồng đến cuối năm 2016. Nếu tính thêm khoản lỗ 282 tỷ trong báo cáo thường niên năm 2017, lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đã lên tới gần 600 tỷ đồng sau 7 năm đi vào hoạt động.

Minh Sơn
Nguồn VnExpress