Niềm tin hàng Việt: Sợi dây kết nối giấc mơ-hiện thực

Sự kiện VinFast ra mắt sản phẩm xe hơi tại Paris (Pháp) vừa qua và Bphone3 quay trở lại thị trường mới đây một lần nữa thắp sáng hy vọng xây dựng thương hiệu hàng Việt của các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2015, khi Bphone ra mắt lần đầu tiên sản phẩm điện thoại Made in Vietnam, công chúng đã hào hứng mong chờ Việt Nam sẽ có một đối thủ xứng tầm với iPhone và Samsung ngay trên sân nhà. Nhưng cho đến tận bây giờ, ước mơ phát triển một thương hiệu Việt trong lĩnh vực công nghệ dường như vẫn chưa trở thành hiện thực. Liệu VinFast và Bphone lần này có thành công trong việc chinh phục niềm tin của người tiêu dùng?

Niềm tin vào “Made in Vietnam”

Từ khi mở cửa nền kinh tế, thương hiệu Việt Nam luôn gắn với các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, hạt điều, chè... Tuy vậy, có một thực tế là từ năm 2009 cho đến nay, nhóm mặt hàng điện tử, điện thoại di động luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại không thu hút sự chú ý người dùng.

Một cuộc khảo sát tiến hành tại 50 quốc gia về chỉ số xuất xứ sản phẩm, bao gồm cả Việt Nam, của Statista năm 2017 với 43.034 người tiêu dùng toàn cầu cho thấy, hàng hóa “Made in Vietnam” được đánh giá cao tại nhiều quốc gia(*), có 7% số người được hỏi cho rằng hàng Việt Nam có chất lượng cao. Chẳng hạn như người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng hàng hóa của Việt Nam có chất lượng đứng thứ 27/50 quốc gia khảo sát, người Hà Lan đánh giá hàng Việt đứng thứ 23/50, người Ảrập đánh giá hàng Việt ở vị trí 20/50, người Ecuador thậm chí coi Việt Nam là hàng hóa tốt thứ 10 trong số 50 nước. Đáng buồn là chính người Việt lại chưa tin tưởng vào chất lượng hàng hóa của nước mình khi tự đánh giá hàng hóa nội địa ở vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng 50 quốc gia.

Những con số này cho thấy, để các thương hiệu Việt thành công thì điều kiện tiên quyết là phải chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng nội địa. Chỉ khi nào chính người Việt Nam cảm thấy tin tưởng, tự hào về hàng hóa của nước mình thì mới tạo ra sự lan tỏa niềm tin cho người tiêu dùng ở các khu vực khác. Hiện tại, hàng Việt Nam được người tiêu dùng toàn cầu đánh giá ở vị trí thứ 46/50 quốc gia tham gia khảo sát, một vị trí khá thấp và đồng nghĩa với nhận định: hàng Việt có chất lượng thấp và giá rẻ.

Hàng Việt có nhất thiết phải sản xuất tại Việt Nam?

Khi Bphone hay VinFast được giới thiệu đến công chúng, rất nhiều ý kiến đã cho rằng các sản phẩm của những thương hiệu này không thể coi là xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam) vì phần lớn nguyên vật liệu và công nghệ đều được cung cấp bởi các đối tác nước ngoài.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, dĩ nhiên một doanh nghiệp nếu tiến hành hầu hết các công đoạn sản xuất sản phẩm ở trong nước sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp nhiều giá trị gia tăng cho đất nước. Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ kinh doanh của doanh nghiệp, thì tối ưu hóa quá trình sản xuất là một yêu cầu tất yếu. Việc tìm kiếm các đối tác, nhà cung cấp trên toàn cầu là để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Vì thế, việc “nội địa hóa” dù chỉ một vài khâu trong quá trình sản xuất cũng luôn tốt hơn so với việc nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc. Thêm vào đó, ngày nay thương hiệu luôn chiếm tỷ trọng giá trị gia tăng cao nhất trong sản phẩm. Do đó, nếu có thể tạo ra những thương hiệu thuần Việt, thì đó chắc chắn là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế nước nhà. Cho dù không làm chủ toàn bộ công nghệ sản xuất sản phẩm, nhưng các thương hiệu Việt cũng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm ở các công đoạn thiết kế, lắp ráp, phân phối sản phẩm.

Thương hiệu Nike làm mưa làm gió trên thị trường quần áo và dụng cụ thể thao toàn cầu từ khi ra đời cho đến nay vẫn không sở hữu một nhà máy nào trên toàn thế giới. Toàn bộ các sản phẩm của Nike đều được đặt hàng gia công tại các nhà máy ở khắp các châu lục. Nhiệm vụ của thương hiệu này, là thiết kế và phân phối sản phẩm. Tương tự, chiếc điện thoại iPhone, ngoại trừ khâu thiết kế sản phẩm và phần mềm được thực hiện bởi Apple thì phần lớn quá trình sản xuất đều được tiến hành bên ngoài nước Mỹ. Danh sách các nhà sản xuất và cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng iPhone bao gồm các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ...

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta dễ dàng chấp nhận và coi iPhone hay Nike là thương hiệu của Mỹ dù phần lớn các khâu sản xuất diễn ra ở nước ngoài, trong khi đối với các sản phẩm thương hiệu Việt nếu áp dụng mô hình tương tự thì lại không được ủng hộ? Người tiêu dùng Việt Nam chưa thoát khỏi tâm lý sính ngoại hay chưa đủ niềm tin đối với sản phẩm nội?

Cho dù câu trả lời là vế nào thì khách hàng là “thượng đế”. Do đó, việc của các doanh nghiệp Việt Nam là luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho người dùng để củng cố niềm tin vào chất lượng hàng Việt. Khi đã tin tưởng hàng nội địa, dần dần tâm lý sính ngoại sẽ được thay thế bởi niềm tự hào hàng Việt.

Chỉ khi nào chính người Việt Nam cảm thấy tin tưởng, tự hào về hàng hóa của nước mình thì mới tạo ra sự lan tỏa niềm tin cho người tiêu dùng ở các khu vực khác.

Khi bỏ tiền ra mua sản phẩm, cái mà người mua luôn mong đợi, đó là giá trị sử dụng của hàng hóa. Các doanh nghiệp vì thế cần đặc biệt chú trọng khâu nghiên cứu nhu cầu thị trường để thiết kế sản phẩm hoàn hảo với mức giá hợp lý. Một điều quan trọng không kém, là minh bạch hóa các thông tin liên quan đến đầu vào cho sản phẩm. Sản phẩm của Bphone từng bị nghi ngờ khi mang quốc tịch Việt Nam bởi cái giấy khai sinh “Made in Vietnam” không đủ để thuyết phục khi mà doanh nghiệp đã mua hơn 800 linh kiện điện tử từ 82 nhà cung cấp khác nhau trên toàn cầu. Vì thế, các nhà sản xuất cần làm rõ các thông tin “Made in” (Sản xuất tại), “Assembled in” (Lắp ráp tại), “Designed by” (Thiết kế bởi), “Product of” (Sản phẩm của). Việc che giấu hay ghi sai lệch thông tin về xuất xứ sản phẩm sẽ khiến người dùng mất niềm tin vào sản phẩm và quay lưng lại với thương hiệu.

Ngoài ra, cần chú trọng hệ thống phân phối để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người dùng. Đây cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp nội địa trên sân nhà.

Giấc mơ xây dựng thương hiệu Việt xa hay gần, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách mà các doanh nghiệp xây dựng và củng cố niềm tin ở người tiêu dùng về hàng hóa Made in Vietnam.

Nguyễn Thị Phương Chi
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn