Cá nhân hóa bằng công nghệ: Tương lai của ngành mỹ phẩm

Các thương hiệu tên tuổi và những startup trong ngành mỹ phẩm đang khai thác công nghệ mới nhằm mang lại cho người tiêu dùng trẻ cảm giác “đắm chìm” vào thế giới trải nghiệm và khám phá.

Những công ty này đang thử nghiệm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thực tế và cá nhân hóa bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), sản phẩm tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân và các tiện ích công nghệ phục vụ cho nhu cầu làm đẹp. Nói chung, họ hứa hẹn tư vấn cho khách hàng những sản phẩm phù hợp hơn, mang lại một trải nghiệm có định hướng sát hơn với nhu cầu của người dùng.

Rất nhiều thương hiệu như Benefit, Estée Lauder, Nyx, Sephora,… đã ra mắt những ứng dụng để dùng thử và trải nghiệm sản phẩm trang điểm. Những cái tên như ModiFace và Meitu – các công ty đã tạo ra những ứng dụng hàng đầu trong lĩnh vực làm đẹp, hiện được định giá hàng tỉ USD. L’Oreal là tập đoàn đầu tư lớn vào công nghệ thực tế ảo trong lĩnh vực làm đẹp. Họ đã mua lại công ty “beauty tech” ModiFace (Canada), vốn được biết đến với ứng dụng AR giúp khách hàng có thể “dùng thử” các sản phẩm trang điểm lên mặt và tóc qua hình ảnh selfie được tải lên từ điện thoại di động.

Với quy mô thị trường, những thuận lợi để tiến hành nghiên cứu dữ liệu và hoạt động tiếp thị, thị trường Trung Quốc là một bằng chứng sinh động cho sự phát triển và vận dụng “beauty tech” vào lĩnh vực làm đẹp. Thượng Hải được chọn để tổ chức sự kiện ra mắt “cửa hàng concept” đầu tiên tại châu Á của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn và mức độ quan trọng của trải nghiệm đối với các công dân thế hệ kỹ thuật số ở Trung Quốc.

Thương hiệu bán lẻ thuộc sở hữu của Tập đoàn LVMH đã đưa chiến lược omnichannel (tích hợp các phương pháp mua sắm khác nhau) đến thị trường Trung Quốc bằng cách đưa các kênh mạng xã hội và thương mại điện tử được địa phương hóa vào cửa hàng. Với “kệ đám mây” có tính năng tương tác của Sephora, khách hàng có thể đặt hàng và tìm kiếm sản phẩm bằng màn hình chạm và kích hoạt bằng giọng nói. Khách hàng cũng có thể thử sản phẩm qua ứng dụng trang điểm Virtual Artist (hợp tác với Meitu). Sephora cũng khai thác kỷ nguyên thương mại xã hội của nước này bằng cách giới thiệu một chương trình trên ứng dụng di động WeChat để khách hàng có thể đặt lịch trang điểm và tìm hiểu về những xu hướng mới nhất. “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là giao dịch bán lẻ mà còn xây dựng một cộng đồng xã hội dành cho những người yêu thích việc làm đẹp ở Trung Quốc” – Chris de Lapuente, CEO của Sephora, nói.

Alibaba đang đưa khái niệm “New Retail” vào ngành mỹ phẩm bằng công nghệ của sàn giao dịch trực tuyến Tmall. Các thương hiệu sẽ được lợi nhờ những thông tin thấu hiểu sâu hơn về người tiêu dùng đồng thời cải thiện trải nghiệm thực cho người mua sắm. Innisfree, thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc, cũng đã hợp tác với Alibaba để triển khai một địa điểm bán hàng ở Hàng Châu, nơi khách hàng có thể trang điểm ảo bằng Magic Mirror – một công cụ sử dụng công nghệ AR. Khách hàng có thể mua ngay hoặc quét mã QR và mua sắm trực tuyến sau đó. L’Oréal cũng sử dụng Magic Mirror trong các cửa hàng của họ trên khắp Trung Quốc.

17Beauty là một công ty startup trong lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm có văn phòng ở Bắc Kinh và chỉ mới xuất hiện cách đây vài tháng. Ngoài các tên tuổi quốc tế, 17Beauty còn hợp tác với các nhãn hiệu Hàn Quốc vì những công ty này không có nhiều ngân sách để tổ chức sự kiện trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường. Người mua sắm có thể quét mã QR bằng ứng dụng di động để tiếp cận các quầy tự phục vụ và dịch vụ tư vấn trang điểm qua hệ thống nhận dạng gương mặt.

Tâm Mai / JWT Intelligence / The Verge
Nguồn Doanh Nhân+