Xây dựng quan hệ doanh nghiệp - khách hàng qua blockchain

Công nghệ blockchain (khối chuỗi) với những đặc điểm nổi trội về tính minh bạch, không thay đổi được, đảm bảo sự an toàn, đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như marketing, quản lý chuỗi cung ứng, các hợp đồng thông minh (smart contracts), báo cáo tài chính, Internet vạn vật (Internet of things), quản lý các thông tin riêng tư...

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm về vai trò của công nghệ này. Theo một kết quả nghiên cứu của The CMO survey vào đầu năm 2018, chỉ khoảng 8% các doanh nghiệp được khảo sát đánh giá việc sử dụng blockchain vào marketing ở mức trung bình hoặc rất quan trọng.

Theo người viết, đối với lĩnh vực marketing, doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ blockchain để có những cách tiếp cận mới, từ đó xây dựng mối quan hệ với khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Không cần bên trung gian

Hiện tại, các nhà marketing thường phải trả tiền cho bên thứ ba, ví dụ như Facebook, để truy cập vào dữ liệu người dùng nhằm chia sẻ thông tin, truyền thông điệp quảng cáo. Nhưng với công nghệ blockchain, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức chi trả một khoản tiền nhỏ để khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ thông tin cá nhân một cách trực tiếp mà không cần phải qua bên trung gian nào.

Chẳng hạn, một công ty bán giày có thể tạo ra một ứng dụng di động (mobile app) và đưa ra chính sách sẽ trả 10.000 đồng cho mỗi lần khách hàng cài ứng dụng, trả thêm 10.000 đồng nữa nếu khách hàng cho phép công ty biết về địa điểm truy cập. Mỗi khi khách hàng mở ứng dụng lên và xem lâu hơn 1 phút sẽ được trả thêm 1.000 đồng hoặc được điểm tích lũy để có thể chuyển đổi thành tiền mua sản phẩm. Trong suốt thời gian khách hàng mở ứng dụng, doanh nghiệp có thể đưa ra những chương trình quảng cáo sản phẩm hấp dẫn, hoặc những khuyến mãi đặc biệt cho khách hàng. Dựa vào những tương tác của khách hàng qua ứng dụng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh để đưa ra những quảng cáo, chương trình khuyến mãi phù hợp hơn. Thay vì trả tiền cho các bên thứ ba như Facebook, Google..., doanh nghiệp có thể chuyển một phần tiền này đến khách hàng để không những có được lượng thông tin “chất” hơn mà còn có thể xây dựng tốt hơn mối quan hệ với khách hàng.

Trước đây, với công nghệ “truyền thống”, việc chi trả một khoản tiền nhỏ khó có thể xảy ra vì phải qua rất nhiều kênh trung gian hỗ trợ thanh toán (như các ngân hàng, cổng thanh toán...) với một mức phí khá cao kèm theo nhiều thủ tục phức tạp. Nhưng hiện nay, công nghệ blockchain có thể giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thanh toán nhanh, minh bạch và an toàn hơn với một mức phí rất rẻ, thậm chí gần như bằng 0 cho những giao dịch giá trị nhỏ.

Đối với công cụ trang web, nhà marketing cũng có thể áp dụng hình thức này bằng cách sẽ trả tiền cho người tiêu dùng cho mỗi lần họ xem trang. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016 của HubSpot thì phần lớn người dùng Internet không thích những mẫu quảng cáo pop-up tự động nhảy ra mà họ không hề bấm chuột khi đang lướt web và cả những mẫu quảng cáo trên mobile. Họ xem các mẫu quảng cáo online là những thứ phiền toái và làm họ khó chịu. Chính vì vậy, để đối phó với những quảng cáo này, họ đã cài những phần mềm chặn quảng cáo và xu hướng này đang có tác động tiêu cực lên ngành quảng cáo hiện nay. Công nghệ blockchain có thể giúp cho nhà marketing xoá bỏ việc này, giúp tăng doanh số trở lại nếu áp dụng mô hình trả tiền trực tiếp cho người tiêu dùng khi họ quan tâm đến sản phẩm, và cắt giảm các khoản phí trả cho bên thứ ba (Google, Facebook...).

Chẳng hạn, một công ty bán giày có thể tạo ra một ứng dụng di động (mobile app) và đưa ra chính sách sẽ trả 10.000 đồng cho mỗi lần khách hàng cài ứng dụng, trả thêm 10.000 đồng nữa nếu khách hàng cho phép công ty biết về địa điểm truy cập. Mỗi khi khách hàng mở ứng dụng lên và xem lâu hơn 1 phút sẽ được trả thêm 1.000 đồng hoặc được điểm tích lũy để có thể chuyển đổi thành tiền mua sản phẩm.

Gia tăng sự gắn kết với khách hàng

Công nghệ blockchain cũng có thể cho phép doanh nghiệp kiểm tra lại các quảng cáo đã phát và đánh giá được mức độ quan tâm của khách hàng, giúp tránh được việc gửi những e-mail rác (spam) làm phiền khách hàng, giúp loại bỏ những quảng cáo theo đuôi (follow-me ads) và những quảng cáo gian lận. Hiện tại có khoảng 135 tỉ spam e-mail được gửi mỗi ngày, chiếm tỷ lệ 48% tổng số e-mail được gửi, nhưng những đơn vị spam e-mail chỉ nhận được trung bình 1 phản hồi trên tổng số 12,5 triệu e-mail được gửi, theo Christine Moorman trên HBR năm 2018. Nếu công nghệ blockchain được áp dụng và việc thanh toán một khoản phí nhỏ cho khách hàng được triển khai, nó sẽ góp phần làm giảm nạn spam e-mail.

Công nghệ này còn giúp doanh nghiệp nhận ra những người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm thông qua sự đồng ý tham gia của họ vào sự trao đổi này. Mỗi lần người dùng nhấp chuột vào đường link trong e-mail, họ sẽ nhận được một khoản thanh toán nhỏ, chẳng hạn như họ sẽ nhận được vài trăm đồng khi đọc một mẩu tin mới.

Ngoài ra, nhà marketing có thể sử dụng blockchain để tạo ra các hợp đồng thông minh, là những thỏa thuận ảo không cần phải phê chuẩn, xem xét hoặc chứng thực bởi bên thứ ba (chính quyền). Người sử dụng có thể kích hoạt hợp đồng này khi họ nhấn vào nút đăng ký (subscribe) trong e-mail thông tin về sản phẩm hoặc đăng ký tham gia vào một chương trình tặng thưởng. Một khoản tiền nhỏ được chi trả trực tiếp vào tài khoản người dùng bất cứ khi nào họ tương tác với doanh nghiệp qua e-mail, các mẫu quảng cáo. Qua cách thức này, blockchain sẽ giúp cho doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ tốt hơn với đúng nhóm khách hàng mục tiêu hơn.

Mặc dù công nghệ blockchain đang ở giai đoạn đầu trong việc áp dụng vào marketing, nhưng nó đã đem lại nhiều lời ích giúp doanh nghiệp trong việc nâng cao tính hiệu quả chương trình marketing và gia tăng sự gắn kết với khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp nào mạnh dạn nghiên cứu và áp dụng sớm công nghệ này sẽ có được lợi thế lớn trong cạnh tranh.

Huỳnh Kim Tôn, Giảng viên Quản trị chiến lược, đổi mới và sáng tạo
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn