Những nữ thừa kế xinh đẹp, giỏi giang của các đại gia Việt

Từng du học rồi trở về doanh nghiệp của gia đình ở những vị trí thực tập, quản lý, hiện nhiều cô gái giỏi giang, xinh đẹp của các đại gia Việt đều được cất nhắc lên ghế điều hành.

Nguyễn Ngọc Mỹ - CEO Công ty Địa ốc Foodinco

Nguyễn Ngọc Mỹ

Ảnh: FBNV.

Ngọc Mỹ là con gái út của ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam, và bà Đỗ Thị Minh Anh - Phó tổng giám đốc Alphanam. Cô được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 nhiều triển vọng. Sau nhiều năm du học, Ngọc Mỹ về nước, tham gia Hội đồng quản trị của Alphanam rồi điều hành công ty địa ốc thuộc tập đoàn và triển khai một số dự án lớn tại Đà Nẵng. 3 năm trước, con gái ông Nguyễn Tuấn Hải có mặt trong danh sách 30 Under 30, khi mới 24 tuổi. Năm ngoái, cô là người trẻ nhất trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam.

Trần Thị Quỳnh Ngọc - Phó chủ tịch Tập đoàn Nam Cường

Trần Thị Quỳnh Ngọc

Ảnh: Hiếu Công.

Quỳnh Ngọc là ái nữ của cố doanh nhân Trần Văn Cường và chủ tịch đương nhiệm Tập đoàn Nam Cường - bà Lê Thị Thúy Ngà. Hiện cô gái sinh năm 1990 này giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT tập đoàn. Từng tu nghiệp 8 năm tại Anh chuyên ngành Địa lý kinh tế, nhưng khi về nước, nữ doanh nhân làm ở bộ phận truyền thông - marketing của tập đoàn. Ái nữ của Tập đoàn Nam Cường từng chia sẻ trước truyền thông về việc thích các hoạt động xã hội và nghệ thuật hơn là kinh doanh bất động sản, bởi đây là môi trường khốc liệt.

Lê Thị Hoàng Yến - CEO chuỗi khách sạn Mường Thanh

Lê Thị Hoàng Yến

Ảnh: Mường Thanh.

Tròn 30 tuổi, nữ doanh nhân Lê Thị Hoàng Yến, con gái ông Lê Thanh Thản, đã thay cha giữ vai trò Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Mường Thanh. Cô đang giám sát và quản lý chuỗi hệ thống gồm hơn 50 khách sạn Mường Thanh trên cả nước và tại Lào. Sau thời gian du học chuyên ngành tài chính tiền tệ tại Anh, Hoàng Yến bắt đầu tiếp cận công việc của gia đình ở vị trí thực tập quản lý cho một khách sạn 4 sao đầu tiên trong hệ thống. Nữ doanh nhân cho rằng việc tiếp quản công việc có nhiều khó khăn nhưng khi nghĩ về trách nhiệm của thế hệ kế cận với tương lai tập đoàn khiến cô có nhiều động lực hơn.

Nguyễn Thị Mỹ Phương - CEO Công ty bất động sản Tiến Phước

Nguyễn Thị Mỹ Phương

Ảnh: Forbes Việt Nam.

Mỹ Phương tiếp nhận vị trí CEO từ cha cô, ông Nguyễn Thành Lập vào năm 2014, sau 12 năm làm việc cho công ty của gia đình. Trên cương vị điều hành công ty với sự cố vấn của cha, Mỹ Phương đã tạo ra những thay đổi cho Tiến Phước như tập trung vào nhóm bất động sản có giá bán từ trung bình trở lên, hoạt động theo mô hình “holding” với các mảng kinh doanh chính bất động sản, khách sạn, dịch vụ y tế và thoát khỏi hình ảnh một công ty gia đình. Tiến Phước là một trong những công ty bất động sản tư nhân đầu tiên ở TP.HCM được thành lập năm 1992.

Lê Thu Thủy - CEO SeABank

Lê Thu Thủy

Ảnh: Tiến Tuấn.

Giữa năm nay, Lê Thu Thủy - con gái bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, chính thức giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sau 5 năm ở vị trí phó tổng. Cô có bằng cử nhân quản trị kinh doanh và cử nhân tài chính - ngân hàng tại ĐH Geogre Mason (Mỹ). Nữ tổng giám đốc SeABank có 2 năm làm việc cho các định chế tài chính nước ngoài trước khi về gắn bó với nhà băng này.

Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Trần Uyên Phương

Ảnh: Lê Quân.

Trần Uyên Phương - con gái ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, hiện giữ vai trò Phó tổng giám đốc tại công ty nước giải khát này. Uyên Phương được truyền thông ưu ái gọi là “cô gái tỷ USD” vì là người kế thừa tập đoàn của cha mình. Ngoài Trần Uyên Phương, hiện điều hành Tân Hiệp Phát còn có em gái Trần Bích Ngọc. Mới đây, Trần Uyên Phương vừa ra mắt quyển sách Competing With Giants - Vượt lên người khổng lồ, do ForbesBooks xuất bản.

Đặng Huỳnh Ức My - Phó chủ tịch Tập đoàn TTC

Đặng Huỳnh Ức My

Ảnh: TTC.

Con gái doanh nhân Đặng Văn Thành, nhà sáng lập Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) hiện giữ chức Phó chủ tịch tập đoàn, chuyên trách mảng kinh doanh mía đường. Trong 5 lĩnh vực kinh doanh với tổng tài sản 50.000 tỷ đồng của TTC, mía đường do cô quản lý đóng góp tới 60% doanh thu. Ở vai trò điều hành, Ức My đã đưa TTC thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành mía đường với nhiều thương vụ sáp nhập lớn. Trước khi làm việc cho công ty gia đình, cô có 6 năm du học tại New Zealand và 2 năm thực tập, làm việc tại ngân hàng ANZ.

Vưu Lệ Quyên - Phó tổng giám đốc Biti’s

Vưu Lệ Quyên

Nữ doanh nhân Vưu Lệ Quyên, thế hệ thứ hai của nhà sáng lập Biti’s - ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm, hiện là Phó Tổng giám đốc Biti’s phụ trách hoạt động kinh doanh và tiếp thị. Sau nhiều năm mất thị phần do rơi vào tay các đối thủ ngoại, Vưu Lệ Quyên đã đưa thương hiệu giày Việt do gia đình gây dựng trở lại với các chiến dịch marketing gần đây. Năm 2017, doanh thu của Biti’s đạt 2.680 tỷ đồng với hơn 1.500 đại lý trên cả nước. Ngoài Vưu Lệ Quyên, em gái cô - Vưu Lệ Minh cũng tham gia thiết kế cho các sản phẩm mang thương hiệu của gia đình. Vưu Lệ Quyên từng nằm trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận do Forbes Việt Nam bình chọn.

Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc Facebook Việt Nam

Diệp Lê Kiều Trang

Ảnh: NVCC.

Lê Diệp Kiều Trang, con gái ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Casumina (mã chứng khoán: CSM) vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam vào tháng 3 năm nay. Tốt nghiệp Đại học Oxford và từng học MIT, cô đầu quân cho Tập đoàn Tài chính McKinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính. Sau đó, Kiều Trang quyết định khởi nghiệp công nghệ cùng chồng là Sonny Vũ, sáng lập Misfit và năm 2015, bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD. Sau khi bán công ty, cô giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam - doanh nghiệp có sản phẩm phân phối tại 150 quốc gia, trước khi nhậm vị trí mới vào tháng 3 năm nay.

Lâm Hoàng
Nguồn Zing News