Pha trộn văn hóa doanh nghiệp hậu M&A nhìn từ thương vụ 67 tỷ USD

Thành công của thương vụ hợp nhất lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ giữa Dell và EMC không chỉ là sự hình thành của một tổ chức khổng lồ 140.000 nhân viên và định giá 74 tỷ USD mà còn là một đại gia đình doanh nghiệp độc đáo nơi không có khái niệm “tôi là Dell còn anh là EMC”.

Khoảng ba năm về trước, Dell là nhà sản xuất PC lớn thứ ba thế giới, đứng thứ hai về cung cấp máy chủ, đã hoàn tất chuyển đổi thành công ty tư nhân vào cuối năm 2013. Trong khi đó, EMC là nhà cung cấp thiết bị lưu trữ hàng đầu thế giới, đồng thời sở hữu hãng bảo mật danh tiếng RSA, và chiếm giữ 83% cổ phần công ty ảo hóa VMware.

Vào tháng 10/2015, Dell tuyên bố sẽ thâu tóm EMC với giá 67 tỷ USD. Tuy nhiên do trục trặc về vấn đề phát hành trái phiếu nên gần một năm sau, thương vụ này mới hoàn tất và hình thành nên công ty công nghệ tư nhân lớn nhất thế giới - Dell Technologies.

Thương vụ sát nhập này đã tạo nên một công ty hàng đầu trên thị trường có giá trị 74 tỷ USD, tổng doanh thu ở mức 83 tỷ USD. Báo cáo tài chính mới đây của công ty này cho thấy trong quý 2/2018, doanh thu đạt 22,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dell Technologies phục vụ 98% số công ty có tên trong danh sách Fortune 500. Hai công ty lớn nhất và được biết đến nhiều nhất là bộ phận kinh doanh giải pháp khách hàng của Dell và bộ phận kinh doanh giải pháp cơ sở hạ tầng Dell EMC; cả hai công ty này đều được hỗ trợ bởi bộ phận dịch vụ Dell EMC Services. Ngoài ra, Dell Technologies còn bao gồm 6 công ty khác như Boomi, Pivotal, RSA, SecureWorks, Virtustream và VMware.

Cái bắt tay giữa Dell và EMC là thương vụ M&A lớn nhất trong ngành công nghệ.

Nếu như sự thành công của thương vụ hợp nhất lịch sử ngành công nghệ này vẫn luôn được nhắc đến thông qua những con số biết nói trong suốt hai năm qua thì ông Martin Yates, Giám đốc công nghệ của Dell EMC cho rằng, một thành công rất lớn khác mà Dell và EMC đạt được là tạo nên một gia đình doanh nghiệp độc đáo với văn hoá hoà hợp từ người đứng đầu đến từng nhân viên.

“Tại sao trên thế giới nhiều thương vụ M&A đã thất bại mà chúng tôi lại thành công? Vì mặc dù họ sáp nhập vào nhau nhưng lại không sẵn sàng làm việc cùng nhau trong khi chúng tôi có được một văn hoá chung cho tất cả nhân viên sau khi sáp nhập, ở đó, tất cả đều mong muốn hợp tác và làm việc”, ông Martin chia sẻ.

Theo ông Martin, một trong những yếu tố tạo nên thành công của thương vụ M&A giữa Dell và EMC là do sự liên minh giữa lãnh đạo cấp cao của cả hai bên; họ đều có chung một tầm nhìn là làm thế nào để cả hai bên có thể làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Tầm nhìn của lãnh đạo cũng như những giá trị chung mà hai bên có được đều được truyền tải mạnh mẽ đến từng nhân viên và nhờ vậy “chúng tôi mới có thể trở nên tốt hơn, lớn mạnh hơn khi đi cùng nhau”.

Lãnh đạo Dell EMC cho rằng, tư duy văn hoá doanh nghiệp được hình thành từ tầm nhìn của lãnh đạo là một trong những điều quan trọng nhất khi mang hàng trăm ngàn con người từ hai doanh nghiệp, hai văn hoá khác nhau đến làm việc cùng nhau; để tất cả mọi người có thể luôn lạc quan trọng một thế giới không ngừng biến động.

Theo ông Martin, sau các thương vụ M&A, doanh nghiệp không thể chọn một trong hai nền văn hoá để áp dụng và cũng không nên tạo ra một văn hoá hoàn toàn mới; thay vào đó, cần tạo ra một sự hoà quyện giữa hai bên, đặc biệt là giữa những người đứng đầu.

Doanh thu của Dell Technologies ở vào khoảng 80,3 tỷ USD. Nguồn: Deloitte.

“Điều quan trọng là chúng tôi đã không bắt nhân viên của một trong hai bên phải làm theo văn hoá của bên còn lại. Điều chúng tôi làm là xem xét xem văn hoá nào thích hợp hơn; đâu là những giá trị có thể giữ lại của cả hai bên và làm thế nào để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho khách hàng”, lãnh đạo Dell EMC chia sẻ.

Ông Martin lý giải, không quan trọng nhân viên thuộc vị trí nào và lĩnh vực kinh doanh là gì, khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu vì nếu không có họ, doanh nghiệp cũng như từng người trong công ty sẽ chẳng thể có được sự nghiệp của mình.

“Đó cũng là một trong những thành công trong câu chuyện sát nhập giữa Dell và EMC. Chúng tôi luôn đặt khách hàng lên trên hết, trao đổi rất rõ ràng với khách hàng chuyện gì đang diễn ra để khách hàng không phải giật mình thốt lên ‘Trời ơi, sản phẩm của tôi sẽ ngừng hoạt động ư’ - Không, nó sẽ tiếp tục hoạt động và thậm chí là tốt hơn thế nữa”, ông Martin cho biết.

Để làm được điều đó, một yếu tố cũng quan trọng không kém được ông Martin chỉ ra là việc nhanh chóng tích hợp kỹ thuật để tích hợp hai hệ thống riêng rẽ vào làm một nhằm hướng đến phục vụ khách hàng tốt hơn. “Sau M&A giữa Dell và EMC, hai cái tên này cần là một, các luồng thông tin cần là một và cách thức thể hiện cũng không thể khác nhau”.

Lúc này, các hệ thống trong công ty như hệ thống bán hàng, quản lý khách hàng, quy trình sản xuất…cũng cần được tích hợp. Tuy nhiên, việc này cần được thông báo rộng rãi, cụ thể và rõ ràng đến từng nhân viên để họ có thể chia sẻ, cùng làm việc và từ đó khiến khách hàng cũng hoà vào sự thay đổi đó của công ty.

Ông Martin cũng nhấn mạnh, đừng chờ đợi từng ngày để ký kết hợp đồng rồi mới bắt đầu. Để có thể tạo nên một thương vụ M&A thành công, hai bên phải làm việc cùng nhau từ rất sớm, có thể là vài tháng hay một năm về tất cả mọi vấn đề như email làm việc của mỗi cá nhân và công ty sẽ hoạt động như thế nào; làm sao để tìm ra một hệ thống quản trị quan hệ khách hàng chung, hệ thống quản trị nhân sự đồng bộ...

Ông Martin Yates, Giám đốc công nghệ của Dell EMC.

“Bạn không thể làm mọi thứ chỉ trong một đêm. Việc kết nối một số hệ thống có thể nhanh những cũng có những hệ thống mất nhiều thời gian hơn, và chúng tôi đã phải có lộ trình thật rõ ràng ngày hôm nay sẽ làm gì, ngày mai làm gì.

Nếu Dell và EMC đã có thể thành công với quy mô lớn như vậy thì chắc chắn các thương vụ với quy mô nhỏ hơn cũng sẽ làm được”, ông Martin khuyến nghị.

Lãnh đạo Dell EMC cho biết, nhiều đối thủ của hai ông lớn đã có thể lợi dụng những mối lo ngại của khách hàng tại thời điểm M&A để tấn công và chiếm lấy thị trường, nhưng cuối cùng, Dell Technologies cũng đã lớn mạnh một cách nhanh chóng chỉ sau hai năm sáp nhập.

“Chúng tôi sẽ không thể có được điều nó nếu không có sự liên minh giữa lãnh đạo hai bên, giữa nhân viên. Chúng tôi đã rất nỗ lực để có thể tạo nên một văn hoá chung cho doanh nghiệp sau khi sát nhập.

Trước đây, nếu bạn gặp một trong số nhân viên của chúng tôi, bạn có thể dễ dàng nhận ra người đấy làm việc cho EMC hay Dell nhưng bây giờ điều đó gần như là không thể. Không có Dell, không có EMC mà chỉ còn Dell Technologies; chúng tôi gọi đây là là sự nghiệp của gia đình chứ không chỉ là một tập đoàn, một hệ thống. Chẳng có ranh giới, khoảng cách nào giữa chúng tôi nữa cả, chúng tôi đã hoàn toàn là một công ty hoà hợp từ trên xuống dưới, từ cấp chủ tịch đến nhân viên. Nếu bạn không làm được điều này thì bạn sẽ thất bại”, ông Martin chia sẻ.

Có một thực tế là sau các thương vụ M&A lớn nhỏ trên thế giới, không ít nhân viên của nhiều doanh nghiệp đã khăn gói ra đi chỉ vì không hoà hợp được với văn hoá của doanh nghiệp mới. Theo ông Martins, người lao động vẫn thường di chuyển từ công ty này qua công ty kia để làm việc và trong trường hợp không chắc chắn, họ có thể quyết định ra đi.

Nhưng trong thương vụ Dell - EMC, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc rất thấp, bởi vì nhân viên được biết rõ điều gì sẽ xảy ra; họ sẽ không phải làm việc cho một công ty mới kém cỏi hơn mà ngược lại sẽ được phục vụ cho một tổ chức lớn mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Và nếu doanh nghiệp không làm được điều này thì vấn đề nhân sự có thể là một vấn đề đau đầu.

Đặng Hoa
Nguồn TheLeader