Điểm danh các công ty công nghệ Việt trong những ngành hot nhất hiện nay

Với sự phát triển không ngờ của công nghệ, bên cạnh các ông lớn sừng sỏ chúng ta chứng kiến sự vươn lên của những doanh nghiệp Việt trẻ nhưng không hề non. Cùng điểm qua những cái tên doanh nghiệp Việt đáng chú ý nhất với các mảng khác nhau của lĩnh vực công nghệ trong thời gian qua.

1. Mảng gọi xe: FastGo

Ngay sau khi Uber bán lại toàn bộ mảng kinh doanh Đông Nam Á cho Grab, thời gian gần đây mảng này đã có những cái tên thuần Việt xuất hiện trên thị trường, nhưng cái tên đáng chú ý nhất, có lẽ là FastGo.

Sau vài tháng ra mắt, FastGo đã nhận được đầu tư từ VinaCapital. Mỗi khi chúng ta thấy bài đăng của khách hàng nói về FastGo, thì đó thường là những lời khen về chất lượng và giá của FastGo rẻ hơn. Tuy chỉ xuất hiện vài tháng gần đây, nhưng FastGo đã nhanh chóng chứng tỏ được mình không phải là một tay chơi ngây thơ ở mảng gọi xe công nghệ này. Tăng số lượng tài xế, liên tục công kích và bám đuổi đối thủ.

Liệu trong thời gian tới, FastGo sẽ làm thế nào để chiếm lĩnh thị phần và giành được sự chấp nhận rộng rãi của cộng đồng, đây có lẽ là một câu chuyện hay mà chúng ta có thể chờ đón. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng một trong những câu chuyện đã giúp Grab chiến thắng Uber trong thời gian đầu, đó là tính bình dân đến từ việc Grab ra mắt dịch vụ Grabbike - dịch vụ đặt xe ôm và chấp nhận phương thức thanh toán tiền mặt, những hành vi rất đặc trưng của châu Á.

2. Mảng vận chuyển đồ ăn: Loship

Loship là cái tên ít được nói đến nhất trong danh sách những công ty Việt. Nhưng trong số các dịch vụ vận chuyển đồ ăn thì Loship lại được nhiều người dùng biết đến mặc dù không có nhiều hoạt động PR rầm rộ, hay những chiến dịch giảm giá lớn.

Loship lựa chọn cho mình phân khúc hợp tác cùng các người bán đồ ăn vừa và nhỏ. Trong một cuộc trò chuyện gần đây với đội ngũ sáng lập, thì Lozi tập trung vào việc đưa tất cả người bán vừa và nhỏ lên platform, nhằm giúp tăng trải nghiệm mua và bán online. Có lẽ sự bắt tay này sẽ tạo nên những câu chuyện thú vị khi một doanh nghiệp Việt đang đồng hành để phát triển cùng những người bán địa phương. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập Lozi, thị trường vận chuyển đồ ăn, còn rất nhiều tiềm năng để mọi công ty có được miếng bánh hấp dẫn trong đó, chỉ cần xác định đúng nguồn lực và thế mạnh của mình để có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với nhiều khách hàng mới nhất có thể.

Loship là dịch vụ được phát triển bởi Công ty Lozi - một dịch vụ nổi tiếng với mảng đồ ăn trong quá khứ và dần đã di chuyển sang các dịch vụ mua và bán nội đô. Khi thử tải ứng dụng Loship, ngoài dịch vụ vận chuyển đồ ăn, Loship còn cung cấp dịch vụ đi chợ và giặt ủi. Tích hợp nhiều dịch vụ trong cùng một ứng dụng, tạo sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian tìm kiếm cho người dùng.

Loship có thế mạnh là kết nối nội đô giữa người mua với các cửa hàng địa phương, chính vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy không chỉ cửa hàng ăn uống trên ứng dụng Loship, mà còn có siêu thị Big C, Th True Mart, Lotte Mart với dịch vụ đi chợ dùm Lomart. Chúng ta sẽ nhanh chóng biết được kết quả, liệu chiến lược kết nối các dịch vụ địa phương, có thể giúp Loship cạnh tranh cùng GrabFood hay Now không.

3. Thương mại điện tử: Tiki

Tiki là cái tên Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử, gần gũi với người dùng. Việc Tiki có thể nằm trong Top 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất về số lượng giao dịch không, có lẽ không ai có thể có con số chính xác. Tuy nhiên, Tiki luôn là một trong những thương hiệu uy tín đối với người mua hàng.

Khi làm khảo sát sơ bộ, đa phần người dùng có mua sách trên Tiki, nhưng vẫn chưa quen với việc mua những sản phẩm khác như đồ gia dụng hay đồ điện tử trên trang này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sau khi thu hút được đầu tư từ VNG và JD, Tiki đã nhanh chóng lột xác trong các chiến dịch Marketing và truyền thông online. Mời Chi Pu, chạy OOH (truyền thông ngoài trời), Tiki cũng không ngần ngại cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn có nguồn lực tài chính dồi dào hơn như Lazada hay Shopee.

Ngoài ra Tiki còn phát triển mảng giao vận. Không chỉ là một sàn thương mại điện tử thuần tuý, Tiki đã phát triển Tiki Now, trong đó tập trung vào việc giao hàng trong 2 giờ. Tuy còn nhiều giới hạn trong việc dùng thử Tiki Now, nhưng chúng ta đã nhận thấy được hình ảnh của Tiki trên đường ngày một nhiều hơn.

Ba cái tên Việt Nam này sẽ làm thế nào để cạnh tranh cùng những ông lớn khác trong ngành. Nhưng từ câu chuyện về tòa nhà Landmark81 với hai tập đoàn Việt là VinGroup và Coteccons, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sự vươn mình mạnh mẽ của các thương hiệu Việt.

Nam Trân
Nguồn ICT News