Tan Hooi Ling - vị nữ tướng nơi hậu trường của Grab

Ở Đông Nam Á ngày nay, nhiều người sử dụng nền tảng đa dịch vụ Grab Platform đã biết đến Tan Long như một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất khu vực. Nhưng phía sau hậu trường của công ty công nghệ mới nổi từ 2012 này còn có một nhân vật khác: nữ tướng Tan Hooi Ling.

Tan Hooi Ling không chỉ là nhà đồng sáng lập cùng với Tan Long mà còn là người điều hành từ nơi hậu trường, tạo nên sự thành công cho Grab, nhưng hơn hết là người xây dựng sự nghiệp cho giới nữ trong một ngành mà tưởng như chỉ nam giới mới làm được. Tại nhiều nước, đội ngũ nữ tài xế của Grab đã đông hơn nam giới, và đang chiếm nhiều vị trí lãnh đạo trong công ty.

Thích làm việc ở hậu trường

Cùng xuất hiện với Tổng giám đốc Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tổ chức tại Hà Nội ngày 11-9, Hooi Ling cho biết hãng taxi công nghệ này muốn có càng nhiều đối thủ cạnh tranh càng tốt. Lòng tự tin này không chỉ xuất phát từ việc tiếp nhận khôn khéo Uber Đông Nam Á mà cô là người trực tiếp đàm phán, và hơn hết Grab đang chuyển từ một dịch vụ gọi xe sang một nền tảng đa dịch vụ hay “siêu ứng dụng” mà Hooi Ling, với tư cách là Giám đốc tác vụ là người đứng ra triển khai. Nền tảng đa dịch vụ này không chỉ nhắm đến việc khách hàng gọi xe và các tài xế lái xe, ở đây gọi là đối tác, mà còn đến các loại hình công ty dịch vụ khác nhau, từ nhà hàng, khách sạn đến cả các hộ gia đình, chẳng hạn khi họ cần người đi chợ. Cũng như Cheng Wei và Jean Liu ở Didi Chuxing, Tan Long (34 tuổi) và Tan Hooi Ling (32 tuổi) cũng là một cặp đôi hoàn hảo trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, và trong khi CEO Tan Long xuất hiện thường xuyên trước công chúng thì COO Tan Hooi Ling là vị nữ tướng điều khiển nơi hậu trường.

Tan Hooi Ling

Tan Hooi Ling.

Được hỏi về việc ít xuất hiện trước báo giới, Hooi Ling nói: “Bản tính tự nhiên của tôi là thích làm việc ở hậu trường”. Nhiều người tưởng rằng Tan Long và Tan Hooi Ling là bà con, nhưng thực ra họ, đều là người Malaysia, mới chỉ quen nhau khi cùng học Master of Business Administration (MBA) ở Harvard Business School, và cùng với Nadiem Makarim, người Indonesia thực hiện chung đề tài nghiên cứu về ứng dụng gọi xe trong năm 2011. Sau đó mỗi người đều trở về nước và lập nên doanh nghiệp cho mình. Makarim thành công với Go-Jek tại Indonesia và nay mở rộng ra các nước, trong đó có Go-Viet tại Việt Nam, trong khi Tan Long phát triển ứng dụng gọi xe MyTeksi tại Malaysia năm 2012, rồi chuyển sang Singapore năm 2015 và cùng với Tan Hooi Ling thành lập GrabTaxi, và nay là Grab với việc mở rộng từ những ứng dụng gọi xe thành một nền tảng siêu ứng dụng dưới sự quản lý của Hooi Ling. Ứng dụng GrabTaxi đã hoạt động ngay khi Tan Long còn làm việc tại công ty gia đình Tan Chong Motors ở Malaysia, trong khi Tan Hooi Ling vẫn còn lưu lại Mỹ cho tới 2015, tích lũy kinh nghiệm tư vấn tại McKinsey & Company (2012-2013) và kinh nghiệm quản trị tại Salesforce.com (2013-2015).

Grab đang chuyển nhanh từ ứng dụng gọi xe sang ứng dụng nền tảng, nơi các dịch vụ khác nhau và các đối tác, các ngành nghề khác nhau đều có đất để phát triển. Hàng triệu người bắt đầu chọn nơi đây làm làm chỗ sinh hoạt hằng ngày, nơi họ có thể đặt mua lương thực, thực phẩm, nơi họ có thể thanh toán, chi trả tiền bạc, nơi mà cho tới tháng 7 năm nay đã thực hiện 2 tỉ chuyến đưa khách và dự kiến mang về cho công ty 1 tỉ đô la Mỹ doanh thu vào cuối năm nay. Grab của Tan Long và Tan Hooi Ling và Go-Jek của Nadiem Makarim là hai công ty khởi nghiệp Đông Nam Á được nói tới nhiều nhất ngày nay. Nhưng cả hai đều không dừng lại ở những ứng dụng hiện hữu mà nhắm tới trở thành thứ ứng dụng hằng ngày cho mỗi người. Hooi Ling nói: “Với Grab Platform, chúng tôi đang chuyển từ công ty vận chuyển hành khách sang một thứ siêu ứng dụng hàng ngày”.

Cuộc chiến ứng dụng gọi xe nay mang sắc thái mới, không còn đơn thuần là một sự đột phá công nghệ hay cạnh tranh thị trường, mà là cuộc tranh đua giữa những hệ sinh thái, mà hệ sinh thái lại được phát triển trên nền tảng văn hóa.

Hooi Ling nói rằng thông qua dịch vụ vận chuyển hành khách “ngày nay chúng tôi đã có một nền tảng khách hàng vững mạnh và một hệ thống phân phối rộng lớn để có thể thực hiện các dịch vụ khác như thực phẩm, thanh toán hay hậu cần”.

Phát triển hệ sinh thái trên nền tảng văn hóa

Cuộc chiến ứng dụng gọi xe nay mang sắc thái mới, không còn đơn thuần là một sự đột phá công nghệ hay cạnh tranh thị trường, mà là cuộc tranh đua giữa những hệ sinh thái, mà hệ sinh thái lại được phát triển trên nền tảng văn hóa. Go-Jek thành công nhờ nét đặc trưng văn hóa bình dân ở Indonesia trong khi Grab dựa trên nền tảng văn hóa tiên tiến của một trung tâm công nghệ và tài chính lớn nhất châu Á là Singapore. Grab đang tiến gần hơn đến nền tảng di động một nhịp (one-stop) và làm việc với các đối tác để tạo thành mạng lưới giao thông hiệu quả nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn tại các đô thị lớn ở Đông Nam Á, cung cấp nền tảng di động cho mọi lái xe nhằm làm tăng cơ hội thu nhập cho họ.

Trên căn bản dẫn đầu nền tảng O2O (online to offline) tại Đông Nam Á, Grab nhanh chóng mở ra các dịch vụ khác từ GrabFood đến GrabPay. Hiện tại Grab triển khai hoạt động tại 217 thành phố lớn nhỏ ở tám nước trong vùng và cung cấp cho khách hàng phương tiện vận chuyển vừa an toàn vừa tiện nghi, cùng với việc phân phối thực phẩm và các gói hàng, song song với việc cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán qua Grab mobile app. Grab là nền tảng công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á hướng tới doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ và 100 triệu người sử dụng.

Là Giám đốc tác vụ, Hooi Ling luôn chỉ huy ở đằng sau hậu trường của Grab, và ngày 13-6, văn phòng Grab Holdings Inc. tại Singapore cho biết đã đạt được thỏa thuận để một trong các công ty sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới là Toyota Motor Corporation đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào ứng dụng gọi xe Đông Nam Á này. Đây là nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn mới nhất đưa giá trị doanh nghiệp của Grab lên 10 tỉ đô la, gấp đôi ứng dụng gọi xe Go-Jek.

Phát biểu nhân sự kiện góp vốn mới, Ming Maa, Chủ tịch tại Grab nói: “Là một công ty hàng đầu trong ngành sản xuất xe hơi, việc Toyota đầu tư vào Grab dựa trên nhận thức của họ rằng ban lãnh đạo chúng tôi đang hướng đến những giải pháp di động mới và mở rộng dịch vụ di động O2O cụ thể như GrabFood và GrabPay”.

Grab trở thành nơi mà các dịch vụ khác nhau và các đối tác, các ngành nghề khác nhau đều có đất để phát triển.

Vị Chủ tịch nói tiếp: “Tốc độ gia tăng nhanh người dùng và tăng trưởng doanh thu là bằng chứng rằng chúng tôi có đủ năng lực và điều hành hiệu quả nền tảng công nghệ giữa một vùng đa dạng như Đông Nam Á. Chúng tôi hãnh diện có được sự hỗ trợ của Toyota, Uber, Didi và SoftBank”.

Con đường mà Grab đã chọn cả sáu năm nay, khởi đầu từ ứng dụng sang siêu ứng dụng đã được cặp đôi lãnh đạo trẻ Tan Long và Tan Hooi Ling nhịp nhàng thực hiện, và việc liên kết Toyota-Grab là một sự kiện lớn: Grab sẽ làm việc với Toyota trên nền tảng Toyota Mobility Service Platform (MSPF) để học biết về cách kết nối các dịch vụ xe như bảo hiểm khách hàng, chương trình tài trợ và quản trị dự phòng, nhờ đó làm giàu trải nghiệm cho các lái xe khi hoạt động trên chính nền tảng Grab. Trên thực tế Grab và Toyota sẽ cùng mở ra các dịch vụ kết nối bao gồm cả bảo hiểm cho khách và cho lái xe. Tốc độ tăng trưởng và số lượng đông đảo người tham gia vào ứng dụng buộc Grab phải đầu tư chiều sâu vào công nghệ, và Toyota là một đơn vị công nghệ đặc chủng trong ngành xe hơi.

Grab app nay nằm trên hơn 100 triệu chiếc điện thoại của khách hàng, giúp cho họ tiếp cận với 6,6 triệu người lái xe và nhân viên điều hành với 6 triệu chuyến xe mỗi ngày. GrabFood phân phối cả thức ăn và gói hàng đang hoạt động ở Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Trong khi đó dịch vụ Grab Financial đang cung cấp dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt cho hàng triệu người khó tiếp cận hay không có tài khoản ngân hàng tại Đông Nam Á.

Người đấu tranh cho bình quyền phụ nữ

Được hỏi về cách mà hai nhà đồng sáng lập chia sẻ công việc một cách nhịp nhàng như vậy, Hooi Ling cho biết cô lo về vấn đề nhân sự và tác vụ, trong khi Tan Long hướng ra công việc bên ngoài, và cả hai định kỳ trao đổi các hồ sơ có liên quan với nhau. Hooi Ling nổi lên như một nhà lãnh đạo giỏi về nhân sự, không chỉ trong văn phòng, nơi hậu trường mà cả nơi hàng triệu đối tác truyền thống tức công nhân viên hay Grabber mà hầu hết là các tài xế xe hai hay bốn bánh, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao trong cả đội ngũ công nhân và dàn lãnh đạo các đơn vị. Một tỷ lệ đến không ngờ: 40% Grabber là nữ giới.

“Thực sự chúng tôi muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh. Bởi vì chỉ nhờ vậy mới có những bài học, để biết làm thế nào nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn.”

Ở đây người ta thấy sự đồng điệu của hai nữ tướng, Jean Liu tại Didi Chuxing và Tan Hooi Ling tại Grab. Cả hai đang tạo nên sự bình đẳng cho nữ giới không phải bằng các phong trào đấu tranh mà tìm việc cho họ làm, bảo đảm cho họ mức thu nhập không thua kém nam giới, và dành cho họ sự hỗ trợ đặc biệt trong mỗi nghiệp vụ. Hooi Ling đã và đang làm được việc đó, và đó cũng là điểm son lôi kéo vốn đầu tư từ Didi và Softbank vào Grab.

Hooi Ling cho biết công ty có cả chương trình hướng dẫn cho phụ nữ mang tên là Women at Grab, trong đó bản thân cô và người phụ trách nhân sự công ty là Chin Yin Ong cùng tham gia giảng dạy. Hooi Ling cho biết “chương trình này mỗi ngày một lớn hơn và nhiều người trước đây tham gia khóa học đã trở thành những cô thầy giáo để hướng dẫn người khác”.

Trên thực tế Grab không chỉ hỗ trợ cho công việc của các nữ Grabber mà còn nhắm đến gia đình của họ. Grab biết rằng người phụ nữ ở đây có trách nhiệm lớn với gia đình, họ có những bổn phận bắt buộc ở đó, và cần có thời biểu làm việc mềm dẻo để có thể chu toàn công việc ở cả hai nơi: công ty và gia đình. Năm 2017, số lượng nữ tài xế đã tăng thêm 230%, và chiều dài quãng đường họ lái tăng lên đến 570%. Đặc biệt ở Indonesia, nơi Grab cạnh tranh trực diện với Go-Jek, lực lượng tài xế nữ đã tăng lên đến 500% chỉ sau một năm. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi ở Grab có cả một Grab Academy for Wives nơi cung cấp cho những người vợ kỹ năng điều hành doanh nghiệp, và cả những lớp học tập cho các bé gái làm quen với những kỹ năng công nghệ trước khi chúng vào đời.

Viết về Tan Hooi Ling, Grab cho biết người đồng sáng lập công ty này coi sóc tất cả những cột trụ chủ yếu cho các hoạt động của công ty, tập trung vào việc phát triển công nghệ và sản phẩm mới, cũng như vào hoạt động nhân sự, trải nghiệm khách hàng và hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, đây là một nữ tướng mà nếu những ai chỉ lướt qua bề mặt công ty sẽ không nhận ra một vị trí rất quan trọng.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Asean diễn ra tại Hà Nội năm nay, Tan Hooi Ling nói: “Thực sự chúng tôi muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh. Bởi vì chỉ nhờ vậy mới có những bài học, để biết làm thế nào nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn”. Cô nhận định thị trường Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, và một điều thú vị là thị trường này rất năng động. “Điều quan trọng là chúng tôi quan tâm đến khách hàng đang nghĩ gì và sẽ tiếp tục đầu tư để đảm bảo những điều này”, và Hooi Ling tiết lộ: “Chúng tôi là công ty đầu tiên có bảo hiểm cho cả tài xế, khách hàng trên mỗi chuyến xe”.

Hoàng Xuân Phương
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn