Cơ hội lớn trong nền kinh tế số

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển một nền kinh tế số nổi bật trong khu vực.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển một nền kinh tế số nổi bật trong khu vực. Nhưng làm thế nào để nắm bắt cơ hội và dẫn đầu cuộc đua vẫn là một bài toán loay hoay về nguồn lực đáp ứng, đào tạo tiêu chuẩn để hiện thực hóa định hướng công nghiệp 4.0.

Doanh nhân kỹ thuật số

98% các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) và khối doanh nghiệp này mang đến 51% tổng số việc làm và đóng góp 45% GDP. Internet đang mở ra cơ hội lớn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đến năm 2017, 84% dân số Việt Nam đã sử dụng điện thoại thông minh (Nielsen Vietnam Smartphone Insight Report 2017), thiết bị cho phép họ tiếp cận internet một cách vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, cứ 5 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ 1 doanh nghiệp có sự hiện diện trực tuyến.

Nghiên cứu Business Digital Index 2017 công bố bởi Ngân hàng Anh Quốc Lloyds Banking Group cho thấy các doanh nghiệp nhỏ nắm vững các kỹ năng kỹ thuật số sẽ tiết kiệm được gấp 3 lần thời gian, 5 lần chi phí và 11 lần các giao dịch quốc tế so với các doanh nghiệp nhỏ không biết tới kỹ thuật số. Cũng theo nghiên cứu này, các doanh nghiệp dần đầu tư ngân sách nhiều hơn cho kỹ thuật số, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ với quy mô dưới 10 nhân viên.

Vợ chồng bà Quyên và ông Bình hiện đang kinh doanh một tiệm trà và đồ thủ công đặc biệt tại Hội An, Việt Nam. Cả hai hiểu được những khó khăn mà những người khuyết tật phải đối mặt, vì bản thân ông Bình cũng phải gắn liền với chiếc xe lăn.

Vì thế, họ mở tiệm trà Reaching Out Teahouse như là một hộ kinh doanh xã hội, nơi được lập ra nhằm tạo kế sinh nhai cho những người khuyết tật. Và những doanh nghiệp nhỏ phi thường như vợ chồng bà Quyên, ông Bình luôn được Google đề cao và ủng hộ bằng những phương thức thiết thực nhất, bởi vì họ tạo ra việc làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra một sự khác biệt cho cộng đồng.

Tại ASEAN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyển dụng hơn 80% lực lượng lao động và đóng góp hơn 50% vào GDP khu vực. Do đó, với mong muốn trở thành một đối tác chính thức của người dân và doanh nghiệp trong khu vực, Google ngày càng khẳng định cam kết của mình qua việc đào tạo kỹ năng số cho 3 triệu người là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 10 quốc gia Đông Nam Á đến năm 2020.

Tại Việt Nam, chương trình Digital 4.0 do Google phát động mang mục tiêu tạo ra thế hệ 500.000 doanh nhân kỹ thuật số từ những công dân số. Trong bối cảnh thị trường kinh doanh trực tuyến ngày càng phát triển, những kỹ năng này thực sự rất cần thiết để doanh nghiệp dễ dàng quảng bá sản phẩm, bán hàng kể cả trong và ngoài nước. Một nền kinh tế số cho tất cả mọi người Việt Nam. Google hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho những nhà kinh doanh như câu chuyện của vợ chồng bà Quyên, ông Bình. Qua việc đầu tư vào thành công của họ, Google tiếp tục giúp họ nâng đỡ những người khác.

Vươn ra khỏi khu vực

Sau khi bỏ việc ở Pháp để thành lập DivMob tại TP.HCM, nhà phát triển game Ngô Văn Luyện muốn tiếp cận khách hàng không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở cả châu Âu và Mỹ. Ngày nay, ứng dụng trò chơi của anh đã sở hữu hàng triệu lượt tải trên toàn thế giới. Những gì anh Luyện làm được cũng chính là những gì các thương gia và doanh nhân Đông Nam Á đã làm qua nhiều thế hệ. Những nhà kinh doanh của khu vực hiểu rằng để cạnh tranh với các doanh nghiệp từ những quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, họ sẽ phải nhìn xa ra khỏi thị trường địa phương. Sự thành công của các doanh nhân Đông Nam Á phụ thuộc vào sự hội nhập liên tục của khu vực.

Theo một nghiên cứu của Bain & Company, sự hội nhập số của ASEAN có thể kích tăng trưởng GDP lên thêm 1.000 tỉ USD đến năm 2025. Hiện tại, nền kinh tế số của ASEAN chiếm 7% GDP, so với Trung Quốc là 16%, EU-5 là 27% và Mỹ là 35%. Đây rõ ràng là một cơ hội số vĩ đại dành cho ASEAN. Một cộng đồng số ASEAN có thể mở đường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho 330 triệu người dùng internet của ASEAN hơn là chỉ 50 triệu người Việt Nam.

Có 3 hướng chính để mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á. Đầu tiên là luồng dữ liệu tự do. Luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới là cần thiết để hỗ trợ thương mại số, thúc đẩy gia tăng cải tiến và giảm chi phí vận hành khu vực cho các doanh nghiệp. Thứ 2, một hệ thống thanh toán số mở và tương thích. Một mạng lưới liên kết các hệ thống thanh toán quốc gia có thể giúp người tiêu dùng và Tập đoàn Đông Nam Á thực hiện các giao dịch tài chính xuyên biên giới một cách liền mạch, tăng cường hoạt động kinh doanh và thương mại.

Cuối cùng, các quy định quốc gia về thương mại xuyên biên giới hài hòa và mạch lạc sẽ cho phép các công ty Đông Nam Á tốn ít chi phí hơn cho việc điều chỉnh phù hợp với các khu vực pháp lý khác nhau và dành ngân sách cho việc để đưa hàng hóa và dịch vụ của họ đến các quốc gia khác.

Tháng trước tại Singapore, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ban hành một khung quy định để tăng cường hội nhập số ASEAN. Đây là bước đầu quan trọng hướng đến thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tạo ra mức tăng trưởng 1.000 tỉ USD vào năm 2025. Những việc phải làm vẫn còn rất nhiều. Đã đến lúc chúng ta hợp tác cùng nhau vì một tương lai tươi sáng hơn, kỹ thuật số hơn cho mọi công dân ASEAN.

Caesar Sengupta
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư