5 bí quyết tăng hiệu quả bán hàng trên Zalo

Những bí quyết nhỏ nhưng góp phần quan trọng trong việc cải thiện doanh thu của doanh nghiệp từ hệ sinh thái trên Zalo, không ai khác, được chính đại diện Zalo chia sẻ tại Zalo Business Conference ngày 12/09 vừa qua.

Với chủ đề “Tăng trưởng doanh thu cùng Zalo”, sự kiện đã cung cấp cho hơn 400 khách tham dự rất nhiều thông tin về hệ sinh thái kinh doanh trên Zalo để ứng dụng vào ngành nghề của mình. Bên cạnh những kiến thức về Zalo Ads, Zalo Shop, những nền tảng công nghệ mới,… đại diện đến từ team Zalo Business cũng đã chia sẻ thêm một số “tips” để tối ưu hiệu quả quảng cáo và bán hàng dựa trên kinh nghiệm làm việc thực tế với hàng ngàn doanh nghiệp.

Hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh trên Zalo không chỉ có… Zalo

Nhắc đến Zalo, đa số người dùng đều nghĩ đến ứng dụng nhắn tin Zalo với hơn 100 triệu người dùng. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, Zalo Business là một nền tảng hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp mà trong đó, không chỉ có ứng dụng Zalo mà còn có cả hệ thống ứng dụng và nội dung đa dạng như: nhạc (Zing MP3), phim (Zing TV), tin tức (Zing News, Báo mới).

Do đó, người làm kinh doanh nên tận dụng tất cả các kênh này khi lên kế hoạch quảng cáo.

Đại diện Zalo Business chia sẻ tại sự kiện.

Ngoài ra, đơn vị này cũng đã tích hợp các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong quy trình quản lý bán hàng, thống kê, chạy quảng cáo… Sử dụng các công cụ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, từ đó tác động tích cực đến doanh thu.

Giá không phải là tất cả trong khi chạy quảng cáo trên Zalo

Được biết, tất cả hệ thống tương tác đều dựa trên cơ chế đấu giá và Zalo cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, giá không phải là yếu tố tiên quyết để đấu giá thành công.

Ưu tiên hàng đầu của Zalo là đánh giá mức độ phù hợp của quảng cáo đối với người dùng. Quảng cáo sẽ được hiển thị khi phù hợp nhất, thân thiện nhất với người dùng trên nền tảng mà họ sử dụng. Một yếu tố quan trọng nữa là chất lượng quảng cáo phải tốt, thể hiện qua hình ảnh và nội dung quảng cáo.

Ngoài ra, đại diện Zalo còn cho biết thêm, nền tảng này có nhiều thuật toán, cơ chế và cả trí tuệ nhân tạo để đánh giá mức độ liên quan của quảng cáo với người dùng. Những nội dung không liên quan đến hành vi, sở thích người dùng sẽ mặc định không được hiển thị.

Cá nhân hóa tin nhắn

Tin nhắn Broadcast trên Zalo là cơ chế tương tác hoàn toàn miễn phí, có khả năng tiếp cận đến 100% người “quan tâm”. Tuy nhiên, một Zalo OA (Official Account) có thể có nhiều sản phẩm khác nhau hoặc chương trình khuyến mãi khác nhau đối với từng địa điểm, nhóm khách hàng (Vip, cũ, mới…), nên cần chia rõ nhóm đối tượng nhận được tin nhắn và có lộ trình riêng cho từng nhóm khách hàng.

Ví dụ, nếu sản phẩm đang khuyến mãi là đồ lót nữ, thì không thể gửi cho tất cả những ai quan tâm tài khoản này, bởi vì một số khách hàng là nam giới sẽ không có thiện cảm với thương hiệu của bạn, thậm chí họ sẽ ngừng theo dõi tài khoản đó. Việc tối ưu thông tin này sẽ khiến người nhận không bị spam và thiện cảm hơn với đơn vị bán hàng.

Bên cạnh đó, tận dụng tốt công cụ đo lường của Zalo Business giúp doanh nghiệp theo dõi được số người Quan tâm/ Bỏ quan tâm sau mỗi lần gửi tin nhắn. Như vậy, nếu lượng Quan tâm giảm đi, cần xem lại và điều chỉnh nội dung cho phù hợp.

Phản hồi khách hàng càng nhanh càng tăng khả năng bán được hàng

Chị Nguyễn Thị Trà My, một chuyên viên tại Zalo Business chia sẻ: “Dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm hỗ trợ đối tác bán hàng của mình, khi một khách hàng hỏi tư vấn, chỉ sau 15 phút, nếu không có phản hồi, khách hàng sẽ không mua hàng nữa hoặc tìm sản phẩm thay thế. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị lãng phí traffic và lãng phí chi phí marketing.”

Chị Nguyễn Thị Trà My chia sẻ quy trình bán hàng trên Zalo.

Do đó, không nên gom tin nhắn từ khách hàng và trả lời vào một thời điểm trong ngày, trả lời những thắc mắc khi họ phát sinh nhu cầu càng nhanh càng tốt sẽ tăng khả năng bán được hàng.

Đã có thể quản lý bán hàng đa kênh bằng một kênh

Nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm đến việc, làm sao để quản lý tất cả kênh kinh doanh trên một nền tảng duy nhất (Automate). Giải đáp vấn đề này, anh Nguyễn Công Chính cho biết, nếu dùng chính công cụ của Zalo thì tất nhiên là khó kết hợp với các kênh bán hàng khác để quản lý, ngay cả Google hay Facebook cũng vậy.

Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh doanh, Zalo đã tích hợp với những công cụ quản lý đa kênh như Haravan, Sapo. Đó là những công cụ có thể kết nối, quản lý đơn hàng từ Zalo và các kênh bán hàng khác. Zalo cũng đã mở API để các đối tác tích hợp giải pháp khác nếu muốn tự quản lý trên phần mềm của mình.

Nhiều khách tham dự đặt câu hỏi tại Zalo Business Conference.

Tóm lại, về phần Zalo, đơn vị này tự tin giúp doanh nghiệp tiếp cận đến đúng đối tượng người dùng bằng công nghệ và hệ thống hỗ trợ tương tác, công cụ quản lý bán hàng. Tuy nhiên, tính riêng tư của người dùng vẫn là tiêu chí hàng đầu.

Do đó, việc của doanh nghiệp là xác định đúng đối tượng khách hàng, chú trọng nội dung tương tác sao cho khách hàng đồng ý tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tận dụng các công cụ hỗ trợ bán hàng và hệ sinh thái kinh doanh trên Zalo một cách hợp lý để tiết kiệm chi phí, tối ưu doanh thu.

Nguồn Zalo Business