Hai nhà sáng lập bỏ học của Burger King và Popeyes

Cả hai nhà sáng lập của 2 thương hiệu Burger King và Popeyes đều bỏ ngang việc học trước khi lập ra những chuỗi cửa hàng fast-food lừng danh khắp thế giới.

Hai trong số những thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất toàn cầu ngày nay là Burger King và Popeyes đều đang thuộc sở hữu của tập đoàn Restaurant Brands International.

Nhà sáng lập Burger King và quyết định bán đi đứa con của mình

David Edgerton - nhà sáng lập Burger King sinh năm 1927 trong một gia đình có mẹ là nghệ sĩ vĩ cầm còn cha làm trong lĩnh vực quản lý khách sạn. Sau khi tốt nghiệp phổ thông và phục vụ trong quân đội, Edgerton theo học chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn tại Đại học Cornell. Nhưng Edgerton bỏ học chỉ sau 2 năm và chuyển sang học về kinh doanh tại Đại học Northwestern.

Ở ngôi trường mới, Edgerton tiếp tục bỏ ngang việc học nhưng bắt đầu chứng tỏ khả năng kinh doanh của mình khi mở một tiệm làm bánh phục vụ sinh viên và duy trì nó rất hiệu quả.

David Edgerton

David Edgerton (bên phải), nhà sáng lập của Burger King. Ảnh: New York Times.

Sau đó, Edgerton làm kế toán cho một chuỗi khách sạn tại Chicago rồi quản lý một vài nhà hàng ở bang Florida. Sau khi tích lũy được 12.000 USD, Edgerton quyết định khởi nghiệp và chuẩn bị mở một cửa hàng Dairy Queen. Nhưng rồi ông đột ngột thay đổi và mua lại Insta Burger King, một công ty chuyên bán hamburger ở Miami vào tháng 03/1954.

Edgerton thuyết phục thành công McLamore, chủ một nhà hàng ở gần đó, tham gia vào mô hình kinh doanh ẩm thực hoàn toàn mới của mình: một cửa hàng chỉ có rất ít các món trong menu nhưng phục vụ nhanh và giá rẻ; khách hàng phải vào bên trong đặt món và thanh toán trước.

Nhưng mọi việc không suôn sẻ với Edgerton trong thời gian đầu. Vấn đề lớn nhất là việc dây chuyền nướng thịt hư hỏng quá thường xuyên. Sau đó, Edgerton cùng một người thợ máy đã chế tạo thành công một dây chuyền mới mà sau này trở thành tiêu chuẩn không chỉ cho các cửa hàng của Burger King mà còn trong cả ngành fast-food.

Nhưng bước ngoặt quan trọng đưa công ty của Edgerton và McLamore phát triển vượt bậc chỉ đến khi Whopper – loại burger biểu tượng của Burger King ra đời. Ngày nay, nó đã trở thành một trong những món ăn được yêu thích nhất ở Mỹ.

Cửa hàng Burger King đầu tiên tại Miami. Ảnh: The Business Journals.

Từ đó, công ty tăng trưởng nhanh chóng và đến năm 1967, Burger King đã có hơn 400 cửa hàng tại 20 bang ở Mỹ và một vài quốc gia khác. Thành công của Burger King đã khiến Pillsbury muốn mua lại với giá 20 triệu USD và cuối cùng Edgerton cùng cộng sự đã chấp nhận lời đề nghị đó.

Sau này, Edgerton tiếp tục tự tay xây dựng những công ty mới thành công và tiếp tục bán lại cho các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, Edgerton vẫn luôn cảm thấy hối tiếc khi đã bán Burger King quá sớm và tin rằng chỉ cần đợi thêm một vài năm nữa, ông đã có thể kiếm được thêm hàng trăm triệu USD. Ông qua đời năm 2018.

Ông chủ đầu tiên của Popeyes phải trả giá đắt cho tham vọng của mình

Alvin Copeland sinh năm 1944 tại New Orleans và lớn lên trong một tuổi thơ nghèo khó. Cha của Alvin Copeland bỏ đi ngay sau khi ông được sinh ra. Mẹ ông phải vật lộn để có thể chu cấp đầy đủ cho 3 đứa trẻ mà nhà Alvin Copeland là em út. Nhưng rốt cục, cả gia đình Copeland vẫn phải chuyển đến một khu nhà ở xã hội công cộng và sống dựa vào trợ cấp của chính phủ.

Đến năm 16 tuổi, Copeland bỏ học ở trường cấp 3 và làm công việc pha chế soda. Hai năm sau, Copeland mở được một cửa hàng bán bánh Donut nhờ sự giúp đỡ của các anh trai. Cửa hàng dưới sự vận hành của Copeland hoạt động tốt trong gần 10 năm sau đó.

Alvin Copeland

Alvin Copeland, ông chủ đầu tiên của Popeyes. Ảnh: NOLA.com.

Tuy nhiên, khi tiệm KFC đầu tiên tại New Orleans được khai trương vào năm 1966, Copeland nhanh chóng bị thu hút bởi mô hình kinh doanh thành công này. Đến năm 1971, Copeland dùng toàn bộ lợi nhuận từ cửa hàng bánh Donut của mình để thành lập “Chicken on the Run” – một nhà hàng bán gà rán tương tự KFC.

Nhưng sau sáu tháng hoạt động, tiệm ăn mới của Copeland vẫn trong tình trạng lỗ vốn. Trong nỗ lực cuối cùng của mình, Copeland chọn một công thức chế biến mới sử dụng hỗn hợp gia vị Cajun của bang Lousiana và đổi tên nhà hàng của mình thành Popeyes Mighty Good Fried Chicken, dựa theo tên nhân vật thám tử trong một bộ phim trinh thám của Pháp. Và chuỗi cửa hàng gà rán Popeyes nổi tiếng bắt đầu từ đó.

Năm 1976, Copeland bắt đầu cho phép nhượng quyền thương hiệu Popeyes và đến năm 1989, Popeyes đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ và nhiều nước khác. Đến tháng 03/1989, Popeyes, lúc này đang là chuỗi gà rán lớn thứ 3 tại Mỹ, đưa ra một quyết định táo bạo: Mua lại Church’s Chicken (được biết đến ở Việt Nam qua thương hiệu Texas Chicken) – chuỗi gà rán xếp thứ hai nước Mỹ chỉ sau KFC. Thương vụ này giúp Copeland sở hữu hơn 2.000 cửa hàng trên thế giới.

Popeyes bắt đầu cho phép nhượng quyền thương hiệu từ năm 1976. Ảnh: Upper Cumberland Business Journal.

Tuy nhiên, Copeland đã nhanh chóng thất bại với lựa chọn này. Church’s Chicken trở thành một gánh nặng tài chính khổng lồ khi Copeland phải vay một số tiền rất lớn để thực hiện thương vụ thâu tóm. Và chỉ sau 2 năm, đến năm 1991, ông phải nộp đơn xin phá sản khi không thể xoay xở để trả khoản nợ từ vụ mua lại Church’s Chicken được nữa.

Mặc dù mất quyền sở hữu đối với hai chuỗi gà rán hàng đầu thế giới, Copeland vẫn nắm trong tay những công thức chế biến bí mật của Popeyes cũng như hợp đồng cung cấp gia vị độc quyền cho chính chuỗi này cho đến năm 2025. Năm 2014, Popeyes đã phải chấp nhận bỏ ra 43 triệu USD để mua lại công thức nấu ăn từ công ty của gia đình Copeland thay vì trả khoản phí 3,1 triệu USD mỗi năm cho công thức này.

Sau khi phá sản Popeyes, Copeland vẫn tiếp tục mở những nhà hàng, quán ăn mới mang tên mình nhưng không bao giờ có thể chạm tới thành công như ông từng đạt được trước đó. Ông qua đời vào năm 2008.

Nguyên Thắng
Nguồn Zing News