Go-Jek có gì để cạnh tranh tại Việt Nam và Đông Nam Á?

Là một trong những startup trị giá tỷ USD của khu vực, Go-Jek đã chính thức tiến đánh các thị trường lân cận ngoài sân nhà Indonesia.

Ra mắt tại TP.HCM với cái tên Go-Viet, Go-Jek đã hiện diện tại thị trường Việt Nam đúng như tuyên bố trước đó và sẵn sàng tuyên chiến với ông lớn Grab, đơn vị đang gần như độc quyền trên thị trường ứng dụng gọi xe.

Dù mới chỉ ra mắt dịch vụ gọi xe ôm công nghệ và chuyển hàng nội thành TP.HCM bằng xe máy, Go-Viet được dự đoán sẽ mở rộng tại chính những dịch vụ mà Grab đang mạnh nhất và đối đầu trực tiếp với startup đến từ Singapore.

Tiềm năng trở thành Uber mới tại Việt Nam

Sau cú tháo chạy của Uber, rất nhiều đơn vị trong nước được kỳ vọng sẽ trở thành "Uber mới" để phá thế độc quyền của Grab. Hàng loạt cái tên được quảng bá rầm rộ như Mai Linh Bike, Vato, Tnet với mục tiêu thay thế vị trí mà Uber bỏ lạ. Tuy nhiên thời gian qua chưa có đơn vị nào thực sự thành công.

"Sau khi Grab mua lại Uber, đi đâu cũng thấy tài xế xe ôm công nghệ áo xanh của hãng này, phải mãi đến khi có Go-Viet tôi mới thấy có màu áo khác đáng kể, dù vẫn đang bị đội áo xanh áp đảo", anh N. Linh (Lý Thường Kiệt, TP.HCM) cho hay.

Đang có ngày càng nhiều hơn những tài xế xe ôm công nghệ áo đỏ. Ảnh: Phúc Minh.

Có thể thấy trước khi Go-Viet ra mắt, sức ép đến từ các ứng dụng gọi xe khác không đủ để gây ảnh hưởng tới vị thế số một của Grab. Ông lớn gọi xe này chỉ cần duy trì các chương trình khuyến mại cũ cũng đã đủ để khiến các ứng dụng đi sau hụt hơi.

"Các ứng dụng mới còn nhiều lỗi vặt, tài xế ít dẫn tới chờ chuyến lâu trong khi khuyến mại không hơn Grab là bao nên không có lý do gì để mình chuyển thói quen", anh Linh nhận định.

Tuy nhiên Grab đã buộc phải có phương án phản ứng sau khi Go-Viet công bố giá "cứng" 5.000 đồng cho mỗi cuốc xe dưới 8 km. Nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM cho hay chương trình dạng này có lợi cho cả tài xế và hành khách.

Go-Viet cũng mạnh tay cam kết không thu chiết khấu 6 tháng đầu với những tài xế đầu tiên gia nhập làm đối tác nên đã thu hút được lượng tài xế và khách hàng không nhỏ ngay tại thời điểm ra mắt.

“Hiện nay, số lượng tài xế đăng ký Go-Viet khá đông nên địa điểm đăng ký trở nên quá tải", anh Ngọc Ánh, một tài xế đối tác của ứng dụng gọi xe tới từ Indonesia này chia sẻ. Theo anh Ánh, mỗi ngày làm việc thuận lợi, tài xế đối tác như anh có thể kiếm về 500.000 đồng chưa trừ các chi phí.

Để đáp trả, Grab ngay lập tức có chương trình khuyến mại tương tự với dịch vụ GrabBike khi giảm giá các cuốc xe dưới 8 km xuống còn 2.000 đồng và miễn phí các cuốc dưới 5 km ở các quận trung tâm TP.HCM.

Nếu như Grab đánh bại Uber nhờ am hiểu thị trường Đông Nam Á, có thể nói Go-Jek đang thắng thế Grab tại Indonesia nhờ am hiểu thị trường Indonesia.

"Đã rất lâu người dùng như tôi mới thấy Grab khuyến mại mạnh tay như thế này từ sau khi Uber rút khỏi Việt Nam. Tôi cũng kỳ vọng sẽ có hãng thay được Uber để người dùng hưởng lợi", anh Linh chia sẻ.

Có gì để đấu với Grab?

Kinh nghiệm đấu với Grab ở Đông Nam Á của Go-Jek đã "được khẳng định tại quê nhà" Indonesia, tờ Channel News Asia nhận định. Nếu phải chỉ ra một thị trường mà Grab chưa thể đứng số một, có thể nghĩ ngay tới Indonesia với "kẻ ngáng đường" Go-Jek.

Nếu như Grab đánh bại Uber nhờ am hiểu thị trường Đông Nam Á, có thể nói Go-Jek đang thắng thế Grab tại Indonesia nhờ am hiểu thị trường Indonesia.

Go-Jek muốn dịch vụ gần gũi nhất với khách hàng có thể và hãng thậm chí còn sẵn sàng hi sinh hiện diện thương hiệu.

Chia sẻ với Bloomberg về kế hoạch tiến đánh thị trường Đông Nam Á, CEO của Go-Jek ông Nadiem Makarim từng chia sẻ sẵn sàng để các công ty con tại thị trường địa phương tự quyết định tên gọi, không nhất thiết sử dụng cái tên Go-Jek, vốn xuất phát từ chữ "xe ôm" (ojek) trong tiếng Indonesia.

Tuyên bố này đã được hiện thực hóa tại thị trường Việt Nam khi hãng lấy tên cho pháp nhân là Go-Viet cùng việc thay đổi đồng phục sang màu đỏ, màu rất gần gũi với người Việt, thay vì màu xanh truyền thống tại thị trường Indonesia.

Một điểm mạnh khác mà Go-Jek vượt trội so với các ứng dụng gọi xe Việt Nam chính là nguồn lực. Go-Jek không hề thua kém nhiều so với Grab về vốn hóa và hiện vẫn gọi được nhiều khoản đầu tư lớn.

Cuộc chiến ứng dụng gọi xe Việt Nam đang hấp dẫn hơn rất nhiều bởi cả hai ông lớn đều có định giá thị trường nhiều tỷ USD. Theo Deal Street Asia, định giá gần nhất của Go-Jek vào tháng 7/2018 là khoảng hơn 5 tỷ USD, trong khi Grab được Financial Times định giá hơn 11 tỷ USD.

Định giá gần nhất của Go-Jek vào tháng 7/2018 là khoảng hơn 5 tỷ USD.

Đứng sau Go-Jek còn là Google và Tencent, hai gã khổng lồ công nghệ đến từ Mỹ và Trung Quốc. Hãng có nhiều lợi thế hơn so với những ứng dụng Việt vốn chỉ được chống lưng bởi các doanh nghiệp nội, thua kém cả về nguồn lực và nền tảng công nghệ.

Bên cạnh đó, theo Channel News Asia, Go-Jek còn có trong tay bài học nhãn tiền từ Uber và có thể tính toán để không đi vào vết xe đổ này. Tờ báo này cũng nhận định nhiều khả năng Go-Jek sẽ không đi theo chiến lược đốt vốn để đổi lấy thị phần như Uber và Grab từng làm.

Tờ này cũng cho rằng dù không lao vào cuộc chiến giảm giá với Grab, người dùng tại các thị trường mới của Go-Jek vẫn có thể kỳ vọng giá cước sẽ có sự cạnh tranh hơn sau sự xuất hiện của hãng, tránh tình trạng độc quyền từ Grab.

Chưa rõ chiến lược mà Go-Jek sẽ theo đuổi tại Việt Nam sẽ ra sao, nhưng người dùng và tài xế đối tác sẽ luôn là những người được lợi khi môi trường có thêm sự cạnh tranh.

Ngô Minh
Nguồn Zing News