Android Pie có ý nghĩa ra sao đối với tương lai của smartphone?

Android Pie, phiên bản hệ điều hành mới nhất của Google, được trang bị hàng loạt tính năng mới nhằm giải quyết nhiều vấn đề đang gây tranh cãi trong giới công nghệ, bao gồm vấn nạn nghiện smartphone và quyền riêng tư người dùng. Nó còn mang lại một số thay đổi nhỏ khác, như... loại bỏ hẳn nút Back trên thanh điều hướng.

Hôm thứ Hai vừa qua, Google đã chính thức công bố Pie - tên gọi dành cho hệ điều hành Android mới nhất của mình. Android Pie có nhiều tính năng được cải thiện đáng kể so với Android Oreo, và người dùng điện thoại Pixel đã có thể tải về để cài đặt trên máy của họ, trong khi người dùng các điện thoại khác sẽ phải chờ thêm từ vài tuần đến vài tháng.

Phiên bản thứ 9 của hệ điều hành đi động phổ biến nhất thế giới này mang đến cho chúng ta một cái nhìn về tương lai của điện thoại di động. Hãy cùng phân tích qua nhé, theo hãng tin CNN.

Bạn càng sử dụng smartphone ít lại, các hãng sản xuất càng lợi

Xu hướng hot nhất trong năm nay là... sử dụng smartphone ít lại. Cả Google và Apple đều hiểu rằng đam mê của người tiêu dùng đối với những chiếc điện thoại của họ là một vấn đề đang nổi lên, và cả hai đều giới thiệu một số tính năng hữu dụng để giải quyết tình trạng này.

Google công bố bộ công cụ "Digital Wellbeing" tại Hội nghị nhà phát triển I/O hồi tháng 5, và đang dần đưa chúng đến tay người dùng Pixel thông qua các bản beta của Android Pie. Bộ công cụ này gồm một bảng thông tin (dashboard) hiển thị chính xác vấn đề của bạn đang tệ đến mức nào bằng cách liệt kê lượng thời gian bạn đã dành cho từng ứng dụng trên máy. Nó còn có một bộ đếm giờ có khả năng tạm ngừng các ứng dụng sau một khung thời gian định sẵn nhằm giảm thiểu thời gian sử dụng quá liều của người dùng, và một tính năng khác có tên "Wind Down" để chuyển điện thoại sang chế độ "giờ ngủ".

Truyền thông xã hội và tin tức dồn dập không phải là những thứ duy nhất khiến chúng ta dán mắt vào smartphone. Công việc cũng là một nguyên nhân, và Android Pie sẽ giúp bạn phần nào. Các điện thoại Android hiện nay đã cho phép bạn tạo ra các profile riêng biệt cho công việc và giải trí cá nhân; Android Pie sẽ thêm vào một "nút gạt" để ngừng kích hoạt chế độ công việc, giống như bạn tắt đèn văn phòng khi về nhà lúc 6 giờ tối vậy.

Andrew Hewitt, một nhà phân tích tại Forrester, cho biết tính năng này có thể giúp Android mở rộng phạm vi vào mảng doanh nghiệp, nơi các công ty đang xem xét lại chính sách thôi thúc nhân viên sẵn sàng làm việc 24/7. Bạn hiểu tại sao bạn càng sử dụng smartphone ít lại, các hãng sản xuất càng có lợi rồi chứ? Bởi smartphone Android của họ sẽ có thể được tin dùng hơn trong thị trường doanh nghiệp.

Pin vẫn chưa "ngon" hơn là bao

Android P khắc phục một số vấn đề về mặt phần mềm để giúp thời lượng pin kéo dài hơn. Nó sẽ quyết định ứng dụng nào bạn dùng nhiều nhất và cung cấp cho chúng nhiều năng lượng hơn. Màn hình cũng sẽ tự động điều chỉnh độ sáng theo từng trường hợp.

Các hãng sản xuất phần cứng chủ yếu dựa vào phần mềm để khắc phục tình trạng pin kém và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một ví dụ điển hình về điều này là vụ việc Apple cố tình làm chậm hệ thống trên các iPhone đã chai pin nhằm ngăn chúng không bị tắt nguồn đột ngột. Dù công nghệ pin ngày một cải thiện, nhưng nhu cầu sử dụng vi xử lý để thực hiện các tác vụ nặng đòi hỏi nhiều năng lượng như thực tại tăng cường (AR) và dịch vụ định vị chạy ngầm dưới nền cũng tăng lên - theo nhà phân tích di động của IDC là William Stofega.

"Khi bạn nhìn lại cuộc đua giữa sức mạnh tính toán trên điện thoại với nguồn năng lượng được trữ trong nó, pin tụt lại đằng sau khá xa" - Stofega nói một cách hình tượng.

Các bản vá phần mềm lẫn AI không nhất thiết là những giải pháp duy nhất đối với vấn đề về pin này. Chúng chỉ là cầu nối giúp các hãng sản xuất thiết bị tạm thời giải quyết vấn đề cho đến khi những cải tiến thực sự xuất hiện, cho phép sản xuất ra những viên pin tốt hơn hiện nay, Hewitt nói.

Mọi người đều lo lắng về vấn đề quyền riêng tư

Sau những thay đổi về luật quyền riêng tư tại châu Âu và Facebook phải chật vật giải quyết vấn đề quyền riêng tư của khách hàng, 2018 đã trở thành năm mà người tiêu dùng dần nhận thức rõ hơn về quyền riêng tư của họ trên Internet.

Apple từ lâu đã rất nghiêm khắc trong những hành động liên quan đến quyền riêng tư của người tiêu dùng thông qua những tính năng như xử lý hình ảnh ngay trên thiết bị, và bây giờ, với Android Pie, Google cũng bắt đầu tăng cường các giải pháp bảo vệ. Nhiều tính năng mới mà Google đưa ra vẫn đang trong giai đoạn phát triển, ví dụ trên Android Pie, các nhà phát triển ứng dụng sẽ bị buộc phải được chấp thuận một quyền cụ thể trước khi có thể truy xuất nhật ký cuộc gọi của người dùng. Hệ điều hành mới còn giới hạn truy xuất đến các cảm biến nhạy cảm như microphone và camera trong khi một ứng dụng đang chạy dưới nền.

Hewitt nghĩ rằng những thay đổi về quyền riêng tư, như tính năng Digital Wellbeing chẳng hạn, có thể giúp Android trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các khách hàng doanh nghiệp và chính phủ.

Thời đại của điều khiển cử chỉ và giọng nói đã đến (hay nút bấm đang chết dần)

Điều khiển cử chỉ và giọng nói đang dần xâm nhập vào thiết kế của smartphone nhờ những cải tiến mạnh mẽ trong công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Android Pie đã loại bỏ một số nút bấm và thay thế chúng bằng hệ thống dựa trên cử chỉ - một sự kết hợp giữa các thao tác vuốt và cuộn để điều hướng trên giao diện điện thoại.

Một số người dùng chắc chắn sẽ than vãn về sự ra đi của nút Back. Đây là một thay đổi khó khăn, và những tiến bộ trong công nghệ đã dẫn đến một thực tế là các nút bấm không còn là cách duy nhất giúp chúng ta sử dụng điện thoại nữa. Giọng nói hiện cũng bắt đầu đóng vai trò trong thực hiện một số chức năng cơ bản, đồng thời giúp thiết bị di động của chúng ta thích ứng tốt hơn với nhiều điều kiện sử dụng khác nhau, như lái xe chẳng hạn.

Minh.T.T
Nguồn VnReview