Tín dụng tiêu dùng: “Trăm người cho vay, vạn người nợ”

Số liệu thống kê cho thấy người Việt ngày càng “ham” vay để chi tiêu hơn và nợ vay tiêu dùng đã lên đến hơn 5 tỉ USD vào cuối năm 2017.

Cuộc đua cho vay tín dụng tiêu dùng tiếp tục bùng nổ với thêm nhiều người chơi mới. Cơ hội mang lại không nhỏ nhưng thách thức cũng lớn khi đi kèm với nguy cơ về nợ xấu và cuộc đua hạ chuẩn cho vay.

Thêm nợ, tăng vay

Số liệu thống kê cho thấy người Việt ngày càng “ham” vay để chi tiêu hơn. Theo đó, “túi nợ” tiêu dùng của người Việt vào cuối năm ngoái đã lên đến hơn 5 tỉ USD. Trong bối cảnh này, các định chế tài chính tiếp tục nhắm đến thị trường tiềm năng này. Mới đây, hàng loạt các công ty tài chính bắt đầu chuyển mình để chính thức bước vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Chẳng hạn, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng đổi tên thành Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company). Hay Công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance) cũng bắt đầu tuyển nhân sự rầm rộ để chuẩn bị hoạt động.

Có thể nhận thấy đây đều là những công ty tài chính của giai đoạn trước, vốn thuộc các tập đoàn nhà nước, nhưng nay bắt đầu tái cấu trúc, chuyển hướng hoạt động để tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường cho vay tiêu dùng.

Mảng cho vay tiêu dùng năm 2017 tăng 65%. Ảnh: Quý Hòa.

Không chỉ có các công ty tài chính này chuyển đổi, mới đây, Ngân hàng SeABank công bố mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện. Ngân hàng SHB trong kỳ họp Đại hội cổ đông vừa qua cũng tuyên bố sẽ sớm triển khai kế hoạch xây dựng công ty tài chính tiêu dùng riêng. Hàng loạt những ngân hàng khác đều tỏ rõ mong muốn gia nhập thị trường, như Vietcombank, ACB hay OCB.

Không chỉ các ngân hàng nội sốt ruột, các nhà đầu tư ngoại cũng không thể chờ đợi lâu hơn được nữa.

Mới đây, nhiều khách hàng phản ánh bắt đầu nhận được cuộc gọi nhiều hơn từ Công ty Tài chính Prudential. Trước đó, Prudential Việt Nam đã được bán lại cho Shinhan Bank với mức giá 151 triệu USD vào đầu năm nay.

Một thương hiệu lớn khác của Hàn Quốc là Tập đoàn Lotte cũng không kém cạnh. Tập đoàn này cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại Techcom Finance từ Ngân hàng Techcombank với trị giá khoảng 1.700 tỉ đồng.

Với nguồn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ, đây là những “tay chơi” rất quyền lực và đầy kinh nghiệm, đang rất “thèm khát” thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.

Ở khối ngoại, Home Credit vẫn đang dẫn đầu vì gia nhập thị trường đã lâu. Nhưng cục diện này sẽ thay đổi nhanh chóng khi các đại gia trên tham gia ngày càng sâu hơn, được trợ lực bởi hệ thống các công ty con nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn mẹ đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, theo quan sát, các doanh nghiệp nội chiếm thị phần ưu thế. Trong đó lần lượt dẫn đầu có thể kể đến FE Credit (công ty con của Ngân hàng VPBank), HD Saison (HDBank sở hữu 51% cổ phần). Nhưng rõ ràng, thách thức từ những người mới là rất lớn và con số thị phần sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới.

Có khoảng 48% dân số thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.

Vẫn còn hấp dẫn

Nhiều thống kê cho thấy mức độ mở rộng thị trường của các công ty tài chính hiện hữu ngày càng nhanh hơn và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2017, FE Credit cho biết doanh thu năm 2017 tăng 45%, lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ. Còn doanh số của Home Credit tăng 50% so với năm 2016. Trong khi đó, HD Saison có dư nợ tín dụng gần 9.500 tỉ đồng, tăng hơn 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm nữa, người chơi mới trong năm ngoái là Mcredit thậm chí cũng đã báo lãi ngay trong năm đầu tiên hoạt động, với tổng dư nợ khoảng 1.549 tỉ đồng. Đây là liên doanh giữa Ngân hàng Quân Đội (nắm 51%) và Shinsei Bank (Nhật).

Về quy mô thị trường, số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy mảng cho vay tiêu dùng năm 2017 tăng 65%, cao hơn nhiều so với con số 50,2% trong năm trước đó. Tỉ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cũng đã chiếm 18%, tăng mạnh so với con số 12,3% trước đó.

Với ước tính từ quy mô này, thị trường tín dụng tiêu dùng được cho là có giá trị khoảng 1,1 triệu tỉ đồng, tương đương với khoảng hơn 48,5 tỉ USD. Tuy nhiên, loại trừ những khoản vay mua nhà có giá trị lớn cũng được liệt kê vào đây, thì thị trường cho vay tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu cá nhân chỉ khoảng 90.000 tỉ đồng, tức gần 5 tỉ USD.

Dù vậy, những con số này cho thấy bản thân thị trường tín dụng tiêu dùng rất hấp dẫn. Theo StoxPlus, có khoảng 48% dân số thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng nhiều người doanh nghiệp tham gia hơn sẽ giúp lãi suất cho vay trở nên cạnh tranh hơn, khi đó, sản phẩm là yếu tố được chú ý đến. “Các khoản cho vay thiết bị gia dụng và cho vay xe có tăng trưởng âm khi thị trường trở nên bão hòa hơn”, báo cáo của StoxPlus nhận định.

Trong 2 năm gần đây, một số công ty tài chính bắt đầu chuyển hướng cho vay tiền mặt nhiều hơn và cho vay qua thẻ tín dụng. Doanh số thẻ tín dụng hiện nay chiếm 2,8% so với quy mô vay tiêu dùng là yếu tố cho thấy phân khúc này có tiềm năng, StoxPlus cho hay.

Có một số công ty tài chính khẳng định sẽ đi riêng theo hệ sinh thái của mình, chẳng hạn như Mcredit. Chia sẻ trước đó, ông Hoàng Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Mcredit, cho biết Công ty sẽ tận dụng lợi thế với Viettel, là cổ đông lớn của Ngân hàng Quân Đội. Các sản phẩm đang được thử nghiệm là gói sản phẩm cho vay mua trả góp xe máy, điện máy phục vụ quân nhân đang tại ngũ. Mcredit cũng tập trung vào đối tượng cá nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp mà Ngân hàng Quân Đội có quan hệ giao dịch.

Trong khi đó, Home Credit đầu năm đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, theo như tuyên bố của công ty này là để thích ứng với diễn biến thị trường. “Năm 2018, Home Credit sẽ còn mở rộng ra thêm nhiều lĩnh vực khác”, ông Dmitry Mosolov, Tổng Giám đốc Home Credit, khi đó cho biết.

Thị trường cho vay tiêu dùng vẫn còn đất để phát triển. Như ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, cho biết dù phát triển rất nhanh trong thời gian qua, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Theo đại diện FE Credit, tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới. Tỉ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới chỉ đạt mức 11,4%, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian qua đã dẫn tới hệ lụy khác. Mới đây, cơ quan chức năng yêu cầu các công ty tài chính phải chấn chỉnh lại hoạt động đòi nợ của mình. Hiện nay, việc đòi nợ của các công ty tài chính được chia làm 2 bộ phận: đòi nợ nội bộ và đòi nợ thuê. Việc kiểm soát việc đòi nợ vì vậy đòi hỏi công sức và khó khăn hơn nhiều so với trước kia, khi số lượng các khoản vay tăng lên đáng kể.

Trong tương lai, khi nhiều người chơi gia nhập hơn cũng là lúc nguy cơ rủi ro lên mức cao khi các công ty bước vào cuộc đua giảm lãi suất, hạ chuẩn cho vay. Bài học ở Hàn Quốc hồi đầu thập niên 2000 là một ví dụ. Các định chế tài chính Hàn Quốc khi đó hạ chuẩn cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, các tổ chức cho vay cũng gặp điểm khó. Cho vay tiêu dùng là lĩnh vực nhiều rủi ro với đặc trưng là số lượng khoản vay rất nhiều và tỉ lệ nợ xấu lớn. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng hệ thống thông tin cá nhân ở Việt Nam để đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng và kiểm soát các khoản vay. Thách thức này không chỉ dành riêng cho các tổ chức tín dụng, mà cho cả cơ quan quản lý.

Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư