Cái name cái nick là góc… doanh nghiệp

Đặt tên cho sản phẩm, dịch vụ hay cho một doanh nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng.

Người đặt tên sẽ luôn trăn trở sao cho cái tên phải mang một ý nghĩa đó, gợi nhớ đến sản phẩm và tính năng sản phẩm. Và đôi khi… đó chính là con dao hai lưỡi.

Cứ khoảng 5-10 năm, các doanh nghiệp lắm tiền nhiều của thường thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu để làm mới mình trong mắt khách hàng. Nhưng ít khi nào họ “thay tên đổi họ” trừ khi gặp một biến cố hay vấn đề nào đó trong kinh doanh.

Tên gắn liền dịch vụ

Kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, đã phải đổi tên từ Vinagame thành VNG. Mặc dù ai ai cũng thừa biết VNG đi lên là nhờ phần lớn doanh thu từ mảng game. Nhưng với nỗ lực thoát khỏi định vị là “công ty game online” thì đây là sự thay đổi cần thiết.

Ra đời tại quê nhà Malaysia vào năm 2011, Grab có tên gọi “khai sinh” là MyTeksi. Khi “xuất ngoại” đã lấy tên là GrabTaxi và khi ấy chỉ là ứng dụng để đặt xe taxi nhưng khi mở rộng sang các lĩnh vực khác như GrabBike, GrabCar đã phải đổi tên thành Grab. Lần đổi tên này được cho là đã tiêu tốn của Grab hàng triệu USD, bao gồm việc mua lại tên miền Grab.com.

Đi ngược xu hướng ấy, ngay từ đầu “nhà sách trên mạng” đã lấy một cái tên trung lập là Tiki. Tiki mang hàm ý là viết tắt của Tìm Kiếm và khi cần mua gì cứ lên Tiki tìm kiếm. Cách đi đó vẻ đúng khi mà hiện nay trên Tiki có bán từ sách đến đồ điện tử đến hàng tiêu dùng nhanh.

Địa phương hoá tên gọi

Khi mà đa số doanh nghiệp có khuynh hướng tập trung hóa tên gọi thì cũng còn đó những cái tên đi ngược chiều xu thế. Đơn cử như Go-Jek – đối thủ đáng gờm nhất của Grab hiện nay tại Đông Nam Á – lại sinh ra từng tên gọi cho từng quốc gia khác nhau. Tại Việt Nam, Go-Jek có tên gọi là Go-Viet trong khi đó ứng dụng này lại mang tên GET khi đến Thái Lan.

Khi sinh ra nhiều tên gọi này sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ không tốt: Phải xây dựng nhiều thương hiệu. Việc gầy dựng Facebook fanpage chưa bao giờ là dễ dàng. Trong khi Grab đã phải đấu tranh rất nhiều để không tách ra fanpage riêng cho các dịch vụ như GrabBike, GrabCar thì Go-Jek lại làm ngược lại. Đáng nói hơn cả, việc duy trì nhiều ứng dụng cũng rất tốn kém về chi phí và nhân lực kỹ sư.

Jack Ma, ông chủ của trang thương mại điện tử đình đám Alibaba, có một triết lý đặt tên khá thú vị mà ông đã áp dụng cho chính Alibaba, đó là: hãy đặt cái tên sao cho tất cả mọi người từ già đến trẻ ở khắp mọi nơi đều biết. Và hiển nhiên ai cũng lớn lên và đã nghe qua câu chuyện về chàng Alibaba. Với triết lý thú vị này, còn khá nhiều cái tên thoả mãn được điều này như Samurai, Vitamin, Virus…

Trong thời buổi hội nhập ngày nay, ngoài việc chọn một cái tên dễ nghe, dễ đọc, dễ viết thì cũng nên lưu tâm một vấn đề là tên gọi ấy không mang những ý nghĩa phản cảm khi nghe hay dịch sang các ngôn ngữ phổ thông trên thế giới.

Điển hình như hãng xe hơi Chevrolet đã “nếm trái đắng’” khi đặt tên cho một dòng xe coupe (loại xe thể thao hai cửa) rất điệu đà của mình với cái tên là Nova nhưng trong tiếng Tây Ban Nha thì có nghĩa là “không chạy được”. Cũng với ngôn ngữ xứ bò tót thì dòng xe Laputa của Mazda có nghĩa là “gái điếm”, còn Pajero của Mitsubishi lại có nghĩa là “ngu đần”.

Thiện Khôi
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư