HTC của ngày ấy đã không còn nữa

Với việc công ty cho sa thải 1.500 nhân viên, và thị phần smartphone cũng như lợi nhuận ngày càng giảm mạnh, ngày HTC biến mất khỏi thị trường có lẽ không còn xa nữa.

Đã từng có lúc, HTC được đắm chìm trong vinh quang và sự yêu quý của thị trường. Hãng điện thoại đến từ Đài Loan đã làm ra rất nhiều những sản phẩm tuyệt vời và phần nào đó định hình nên smartphone Android ngày nay. HTC Dream, Evo 4G, Google Nexus One hay siêu phẩm One M7, tất cả chúng đều là những di sản của HTC. Thế nhưng, HTC của 2018 không phải là HTC đã từng làm ra những thiết bị đi đầu ngành công nghiệp nữa. HTC của ngày ấy đã không còn nữa.

Theo TechCrunch, vào hôm 3/7, HTC đã tuyên bố sẽ cho nghỉ việc gần một phần tư số nhân viên của mình, tương đương 1.500 người để "cắt giảm chi phí". Do đó, hiện công ty chỉ còn chưa đầy 5.000 nhân viên trên toàn thế giới. Cách đây 5 năm, con số này là 19.000.

HTC khởi đầu như một hãng sản xuất thiết bị "nhãn trắng" (white label) cho phép các nhà mạng bán sản phẩm với thương hiệu của họ. Công ty cũng có một dòng Thiết bị Kỹ thuật số Hỗ trợ cá nhân (PDA) để cạnh tranh với thị trường smartphone mới ra đời khi chiếc iPhone đời đầu được cho ra mắt. BlackBerry - khi đó vẫn có tên là Research in Motion cho đến tận 2013 – là kẻ thống trị, nhưng từ khoảng năm 2007, HTC đã bắt đầu "đánh chiếm" thị trường bằng những thiết bị cảm ứng đột phá chạy Windows Mobile 6.0.

Trong năm 2008, HTC giới thiệu dòng Touch với Touch Diamond, Touch Pro, Touch 3G và Touch HD. Chúng có thể coi là những siêu phẩm của thời điểm đó: nhanh, pin lớn có thể tháo rời và khe cắm thẻ nhớ microSD. Chiếc Touch Pro thậm chí còn có camera trước để gọi video.

HTC đã tạo một giao diện tùy chỉnh cho Windows Mobile để khiến nó hấp dẫn hơn đối với người dùng. Thời điểm đó, Windows Mobile vẫn đang cạnh tranh với hệ điều hành của BlackBerry và Symbian của Nokia. Cả ba đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng Windows Mobile vẫn bị coi là yếu thế nhất. HTC đã làm hết sức có thể và phát triển được một giao diện thông minh, mang lại rất nhiều tính năng hiện đại mà smartphone ngày nay vẫn dùng.

Trong năm 2009, HTC tung ra chiếc điện thoại Android đầu tiên của mình với Google. Có tên gọi HTC Dream hay G1, thiết bị này khó có thể nói là hoàn hảo. Nhưng chiếc iPhone đời đầu cũng vậy. Chiếc điện thoại Android đầu tiên này đã trở thành tiền đề cho những chiến thắng sau này của HTC. Công ty nhanh chóng phát triển những thiết bị mới như Hero, Droid Incredible, Evo 4G và năm 2010 là Google Nexus One.

Sau chiếc G1, HTC bắt đầu tùy biến giao diện Android giống như họ đã làm với Windows Mobile. Đây chính là một trong những yếu tố khiến Android trở nên phổ biến như ngày nay: khả năng tùy biến. Giao diện người dùng của HTC khiến Android trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, và không quá khi nói rằng HTC đã giúp Android trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với iOS của Apple.

Trong năm 2010 và 2011, Google chuyển sang hợp tác với Samsung để sản xuất điện thoại Nexus. Đây cũng là khoảng thời gian Samsung bắt đầu "tổng tấn công" thị trường Android, và HTC đã không thể theo kịp. Đúng, công ty vẫn cho ra mắt những thiết bị tuyệt vời: One X trong năm 2012, One M7 trong năm 2013 và One M8 trong năm 2014, nhưng chừng đó là chưa đủ. Samsung đã liên tục đặt ra những chuẩn mực mới cho điện thoại Android, và những công ty như HTC, Sony và LG bắt đầu cảm thấy sự khắc nghiệt của quy luật đào thải.

Cuối năm 2010, HTC là nhà sản xuất smartphone số một tại Mỹ. Năm 2014, hãng đứng sau Apple, Samsung và LG với khoảng 6% thị phần tại đây. Đến 2017, HTC chỉ còn 2,3% thị phần, và giờ, 2018, một vài báo cáo cho biết thị phần của công ty hiện không nổi 0,5%.

Google đã mua một phần lớn mảng thiết kế smartphone của HTC với giá 1,1 tỷ USD trong năm 2017. Thương vụ này cũng đồng nghĩa với việc hơn 2.000 nhân viên của HTC giờ thuộc quyền sở hữu của Google. Dưới góc nhìn nào đó, đây là một bước đi thông minh của HTC. Nhóm thiết kế này là những người chịu trách nhiệm cho các smartphone tuy tốt nhưng chẳng ai mua của hãng. Nhưng thực lòng mà nói, đó chẳng phải là lỗi của họ.

HTC của ngày hôm nay chủ yếu tập trung vào dòng kính thực tế ảo Vive. Lĩnh vực này được coi là tương lai của smartphone, tương lai của công nghệ, và việc HTC có lợi thế dẫn trước các đối thủ chắc chắn là một điều tốt. Nhưng bài học của mảng kinh doanh smartphone vẫn còn đó, và liệu công ty có thể vực dậy và trở thành HTC của ngày ấy hay không hoàn toàn phụ thuộc vào họ và cách họ học hỏi từ lỗi lầm của mình.

MQ
Nguồn VnReview