Vì sao Google đầu tư nửa tỉ USD vào nhà bán lẻ lớn thứ hai Trung Quốc

Google đã thông báo sẽ đầu tư 500 triệu USD vào JD.com, nhà bán lẻ lớn thứ hai Trung Quốc. JD.com gọi đây là mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai công ty.

Google và JD có kế hoạch cộng tác trên một loạt các sáng kiến chiến lược, bao gồm phát triển chung các giải pháp bán lẻ ở một số khu vực trên thế giới, bao gồm Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu. Bằng cách áp dụng lợi thế về chuỗi cung ứng và hậu cần của JD cùng thế mạnh công nghệ của Google, hai công ty này nhắm tới việc tạo ra các giải pháp cơ sở hạ tầng bán lẻ thế hệ tiếp theo, với mục tiêu cung cấp trải nghiệm mua sắm hữu ích, được cá nhân hóa và trải nghiệm "không ma sát"( frictionless) - xóa bỏ bất kỳ cản trở nào trong quá trình mua sắm của khách hàng, điều các nhà bán lẻ như Amazon đang hướng tới.

Vì sao Google đầu tư vào JD.com?

Google tiếp tục chơi một cuộc chơi lâu dài ở Đông Nam Á và muốn đảm bảo rằng họ có các đối tác có thể giúp họ tiếp cận ví tiền của người tiêu dùng từ các hoạt động hàng ngày như dịch vụ đi xe chung (Google có cổ phần ở Go-Jek) cho tới mua sắm. Đông Nam Á đã chứng kiến dòng vốn đầu tư từ nhiều tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc như Tencent, Alibaba, và JD.com cũng tham gia cuộc chơi này nhờ vốn đầu tư từ Amazon và Google cũng như hợp tác với các startup trong khu vực.

Trụ sở JD.com tại Bắc Kinh, Trung Quốc. JD.com là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: Qilai Shen / Bloomberg.

Google không phải là một nhà đầu tư thương mại điện tử mạnh mẽ và hợp tác với JD.com giúp họ cạnh tranh với đối thủ lớn nhất, Amazon. Google không phải là nơi khách hàng bắt đầu tìm kiếm khi mua hàng trên mạng hay một nơi có thể dễ dàng mua sản phẩm với trải nghiệm frictionless. Theo Survata, 49% khách hàng bắt đầu tìm kiếm sản phẩm trên Amazon, điều đó có nghĩa những người tìm kiếm này không nằm trong chỉ số tìm kiếm của Google và tập đoàn công nghệ không thể kiếm tiền từ họ.

JD.com cung cấp cho Google Shopping sản phẩm tại các thị trường mà Amazon đang dẫn đầu như Mỹ, châu Âu hoặc mới thâm nhập như Đông Nam Á. Google đang ở vị thế kiếm hàng tỉ USD từ quảng cáo, vì vậy hợp tác này sẽ không tác động nhiều tới doanh thu của Google. Mặt khác, hợp tác này trở nên quan trọng hơn với JD.com.

Lợi thế của JD.com so với Alibaba đang giảm dần ngay trước mắt

JD.com luôn đảm bảo sức mạnh về hậu cần và sự thật là hãng thương mại điện tử này chỉ bán các sản phẩm chính hãng là chính, giúp hãng đối đầu với Alibaba, đối thủ lớn hơn JD.com rất nhiều. Những cáo buộc giả mạo không hẳn là vấn đề của riêng Alibaba hay Trung Quốc mà còn là thách thức cho các nền tảng toàn cầu. Tháng 3.2018, JD.com bị một tác giả nổi tiếng Trung Quốc cáo buộc bán sản phẩm gối giả.

Tại hội nghị Global Smart Logistics Summit ở Hàng Châu, Jack Ma từng nói công ty chuyên về hậu cần của ông, Cainiao, cuối cùng cũng sẽ đảm bảo việc giao hàng trong nước trong vòng một ngày và ba ngày đối với các đơn hàng giao tới nước ngoài. Alibaba sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào hệ thống hậu cần nhằm tối thiểu hóa thời gian giao hàng ở Trung Quốc và trên toàn cầu xuống dưới ba ngày.

Các xe giao hàng không người lái của công ty thương mại điện tử JD.com trong một cuộc vận hành thử nghiệm trong thành phố sinh thái Thiên Tân. Các xe này khi được sạc đầy pin có thể chạy được 18 dặm, và có tải trọng lên tới 330 pound (gần 150 kg). Ảnh: AFP / Getty Images / Forbes Magazine.

Theo mạng tin tức Alizila của Alibaba, Cainiao sẽ tập trung vào việc biến năm thành phố trở thành "các trung tâm toàn cầu" cho nền tảng của mình, bao gồm: Dubai, Kuala Lumpur, Liège của Bỉ, Moscow và Hàng Châu - nơi đặt trụ sở của Alibaba. Kế hoạch này giúp họ tăng cường cơ sở hạ tầng hậu cần xuyên biên giới để cải thiện trải nghiệm người dùng, với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tốc độ và chất lượng dịch vụ tại 100 thành phố trong vòng ba năm.

Bỗng nhiên, khách hàng khắp nơi trên toàn cầu sẽ có thể được mua hàng từ các nền tảng của Alibaba và được vận chuyển hàng tới khu vực đang sinh sống chỉ trong vòng ba ngày. Bỗng nhiên, Alibaba trở thành một thế lực thực sự, đem lại cho khách hàng Trung Quốc tiếp cận với các thương hiệu và sản phẩm không có mặt ở bất kỳ nền tảng nào khác và cho phép các khách hàng ở ngoài Trung Quốc được tiếp cận với hệ sinh thái rộng lớn của mình. Alibaba đi từ một người đi sau trong ngành dịch vụ hậu cần trở thành một nhà dẫn đầu thị trường ở nhiều nơi.

Lazada, viên ngọc trên vương miện của ngành thương mại điện Đông Nam Á

Khi Rocket Internet phát triển Lazada, tập đoàn này rõ ràng đã trở thành một kẻ gây khó chịu với các đối thủ địa phương và các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Về cơ bản, những gì Lazada tạo nên là một nền tảng hậu cần cho phép khách hàng của họ tiếp cận tới các sản phẩm nhanh chóng. Họ đã tạo nên một giải pháp hậu cần tại các nền kinh tế đang phát triển ngay từ đầu.

Alibaba đầu tư một tỉ USD để nắm quyền kiểm soát Lazada. Ảnh: Hendra A. Setyawan / Kompas / The Jakarta Post.

Sau đó, Alibaba đầu tư một tỉ USD để nắm quyền kiểm soát Lazada. Tech in Asia cho biết tại thời điểm đó, nền tảng của Lazada kinh doanh một loạt sản phẩm, từ quần áo tới hàng điện tử tiêu dùng, tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những gì Alibaba mua lại về cơ bản là một nhà dẫn đầu thị trường trước các đối thủ cạnh tranh của họ, cũng như một mạng lưới hậu cần có thể được dùng để thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường này và vận chuyển sản phẩm tới Trung Quốc. Tháng 6.2017, Alibaba chi một tỉ USD nữa để trở thành chủ sở hữu hoàn toàn của Lazada. Nói cách khác, Aibaba đã mua đứt một viên ngọc quý trên vương miện của Đông Nam Á với cái giá ít hơn những gì Wal-Mart đã chi ra để mua Jet.com.

Trong khi đó, JD.com cố gắng đặt chân vào thị trường Đông Nam Á và bị đánh bại bởi Alibaba trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như Tokopedia. Năm 2017, Alibaba đã tiến hành một bước đi dài hạn để đảm bảo họ sẽ trở thành một nhân tố trong ngành thương mại điện tử Đông Nam Á. Để hiểu tầm quan trọng của Lazada với Alibaba, chỉ cần đơn giản nhìn vào việc bổ nhiệm Lucy Peng Lui là người giữ chức giám đốc điều hành mới hồi tháng 3.2018. Bà là một trong 18 thành viên sáng lập Alibaba ban đầu và từng là giám đốc nhân sự của công ty.

Tóm lại, việc hợp tác với Google là một nỗ lực khác của JD.com để giành ngôi dẫn đầu thị trường ngoài Trung Quốc, nhưng công ty này có ít hoặc không có kinh nghiệm trong các thị trường mà họ đang nhắm tới với Google. Google lại có ít kinh nghiệm trong hoạt động thương mại điện tử (điều khiến việc chinh phục Amazon hay Alibaba trở nên khó khăn), và do đó hợp tác giữa JD.com và Google có vẻ là một kế hoạch kỳ lạ khác để chinh phục các thị trường đã có kẻ thống trị.

Handrik Laubscher
Nguồn Forbes Vietnam