Vinasoy và chiến lược Đại dương xanh

Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, nhà sản xuất có vẻ rất địa phương (vì đặt tại Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam) Vinasoy đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới về dây chuyền sản xuất và trang thiết bị, nguyên vật liệu đóng gói sữa đậu nành…

Duy nhất đậu nành…

Kết thúc năm 2012, Vinasoy đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng với 625 triệu sản phẩm tung ra thị trường, tăng thêm 800 tỷ đồng so với năm 2011. Những con số thực sự đáng mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp ở thời điểm quá khó khăn như hiện nay. Đây có thể coi là một doanh nghiệp đặc biệt đã thực hiện rất hiệu quả chiến lược Đại dương xanh khi mọi hoạt động của công ty dường như chỉ xoáy vào việc trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để tạo ra khoảng trống thị trường và vô hiệu hóa cuộc chiến cạnh tranh từ các đối thủ”?

Đồng thời, có thể đánh giá chiến lược Đại dương xanh từ Vinasoy là khá hiệu quả khi công ty này đã bám chắc ba đặc điểm của một chiến lược tốt. Theo W Chan kim, Chủ tịch Nhóm tư vấn Boston và là cha đẻ của lý thuyết về chiến lược Đại dương xanh, đó cũng chính là ba chân kiềng tạo thế vững chãi cho công việc làm ăn của những công ty như Vinasoy; cụ thể là sự tập trung, sự khác biệt và slogan có tính thuyết phục. “Duy nhất đậu nành, riêng dành cho bạn” – chỉ cần đọc slogan đầy thuyết phục này của Vinasoy cũng có thể thấy ý chí mãnh liệt của doanh nghiệp trong việc tập trung vào ngành sữa đậu nành. Trong một thị trường đã tồn tại các đối thủ khổng lồ như Vinamilk, Tân Hiệp Phát và trước đó là cả Tribeco thì Vinasoy lúc khởi nghiệp chẳng khác nào một chú lùn tí hon. Bài duy nhất mà “chú lùn” dùng để thi đấu, đơn giản chỉ là tập trung vào thị trường và các sản phẩm sữa đậu nành.

Trong gần 17 năm hoạt động, 6 năm đầu tiên Vinasoy với tên gọi là nhà máy sữa Trường Xuân cũng tồn tại như nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành khác và cung ứng nhiều sản phẩm sữa các loại. Việc tập trung vào ngành hàng sữa đậu nành chỉ bắt đầu với Vinasoy kể từ 2003. Kể từ đó, lợi thế cạnh tranh của Trường Xuân được xác nhận, vì công ty này đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chỉ chuyên về sữa đậu nành.

Hai năm sau, Trường Xuân quyết định đổi tên thành Vinasoy nhằm thể hiện cam kết luôn mang đến cho khách hàng sức khỏe tốt nhất cũng như hương vị thơm ngon nhất của sữa đậu nành thiên nhiên.


Điều đáng nói là các động thái của Vinasoy hoàn toàn diễn ra tại Quảng Ngãi, một vùng cách xa hai trung tâm đầu não về kinh doanh là Hà Nội và TP.HCM với hầu hết các doanh nghiệp quy mô bé nhỏ và sức cạnh tranh yếu. Và chính điều này đã tạo cho Vinasoy một lợi thế bất ngờ vì các đối thủ cạnh tranh trên thị trường hầu như không để ý đến. “Chú lùn” bé nhỏ mặc sức vẫy vùng, âm thầm chinh phục người tiêu dùng và thị trường. Vào khoảng những năm 2010-2011, khi các đối thủ cạnh tranh nhận ra sức mạnh của Vinasoy thì đã muộn. Vinasoy đã có đủ thời gian để phát triển vững chắc và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về sữa đậu nành bao bì giấy trên cả nước với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2003 đến 2011 lên đến 161%/năm; chiếm 50% thị phần tiêu thụ vào năm 2010, vọt lên tới 73% năm 2011 và 75% năm 2012.

…và là đậu nành thiên nhiên

Với chỉ hai dòng sản phẩm chính, có thể nói Vinasoy là công ty có ít nhãn sản phẩm bậc nhất so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường như Vinamilk hay Tân Hiệp Phát. Khác với các đối thủ cạnh tranh từng làm ra các sản phẩm sữa đậu nành pha hương vị, Vinasoy chỉ tập trung làm sữa đậu nành tự nhiên hoặc nếu có pha thêm hương vị thì vẫn dùng hương vị ngũ cốc truyền thống mà sữa đậu nành mè đen là một ví dụ. Tuy nhiên càng về sau thì chiến lược tập trung làm sữa đậu nành tự nhiên lại càng được Vinasoy thực hiện nghiêm ngặt. Thay vì tiếp tục phát triển sản phẩm dựa trên việc gia tăng thêm một vài hương vị khác biệt từ ngũ cốc, gần đây Vinasoy đã tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là Fami và Vinasoy. Fami được định hướng là sản phẩm dành cho gia đình, còn Vinasoy là sản phẩm dành cho phụ nữ với các tố chất giúp cho da đẹp mịn màng hơn, giữ vóc dáng và ngăn ngừa lão hóa.

Mặc dù có vẻ hơi đơn điệu so với “rừng” sản phẩm từ các đối thủ cạnh tranh khác, song với người tiêu dùng thì đó lại là yếu tố đảm bảo cho việc ghi dấu thương hiệu của Vinasoy nhanh chóng và hiệu quả nhất. Cũng chính vì vậy mà trong khi ngành hàng sữa đậu nành tại các công ty như Vinamilk hay Tân Hiệp Phát chỉ chiếm vị thế thứ yếu thì doanh số của Vinasoy gia tăng một cách đáng nể.

Tiếp tục chinh phục miền bắc

Tháng 8/2012,Vinasoy đã làm một cú ngoạn mục khi cho khởi công xây dựng nhà máy sữa đậu nành công suất lên đến 1 tỷ hộp/năm tại Bắc Ninh. Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích hơn 60.000m2, nằm trong khu công nghiệp Tiên Sơn, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động vào tháng 5/2013, tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động trực tiếp sản xuất. Nhà máy sẽ góp phần tiêu thụ 14 nghìn tấn đậu nành hạt/năm và tạo ra 20 nghìn tấn bã đậu nành, tạo đầu ra ổn định cho gần 7.000 ha đất trồng đậu nành, đồng thời tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao đời sống người nông dân tại địa phương và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Được đầu tư thiết bị đồng bộ, khép kín, hoàn toàn tự động của tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) và kiểm soát chất lượng theo hệ thống quản lý chất lượng ISO9001:2008, HACCP, đây sẽ trở thành 1 trong 5 nhà máy sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới.

Rõ ràng, sau 17 năm Vinasoy đã tạo dựng cho mình vị thế cạnh tranh đáng nể trên một thị trường không ai ngờ đến là sữa đậu nành. Giờ đây Vinamilk vẫn được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Vinasoy. Tuy nhiên, có thể dễ dàng thấy rằng, việc lật đổ ngôi vị của Vinasoy trong thị trường sữa đậu nành hay nhuộm màu từ xanh sang đỏ cho Đại dương mà Vinasoy tạo ra là không dễ. Bởi vì những anh chàng khổng lồ thường cồng kềnh và khó di chuyển trong thị trường ngách, còn các chú lùn thì thường mau mắn hơn để chạy nhảy, thậm chí bơi lội và khai thác bằng hết những gì mà thị trường tuyệt vời này đem lại cho mình./.

Nguồn Doanh Nhân Online