Trẻ em đang tìm kiếm những gì trên internet?

Con em mình đang làm những gì, tìm kiếm những gì trên internet luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ khi cho chúng tiếp xúc với thế giới mạng.

Báo cáo mới nhất của Kaspersky Lab dựa trên thống kê từ các giải pháp sở hữu tính năng bảo vệ trẻ em của hãng đã ghi nhận lại các hoạt động trực tuyến của trẻ, thông qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ khi chúng tham gia mạng trực tuyến.

Hãng tiết lộ trong tổng số các cuộc tìm kiếm nửa năm vừa qua, đã có đến 17% tìm kiếm liên quan video. Song, điều đáng lo ngại thể hiện ở những video có chứa các nội dung không phù hợp hoặc ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ.

Theo kết quả báo cáo này, đứng đầu trong kết quả tìm kiếm của trẻ em trên 10 ngôn ngữ phổ biến nhất trong 6 tháng vừa qua là “Video và âm thanh”, bao gồm các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, bloggers, phim bộ và phim điện ảnh (chiếm 17%). Sau đó là “Dịch thuật” (14%) và những trang mạng “Truyền thông” (10%). Điều thú vị là các trang điện tử dành cho các trò chơi giải trí lại đứng ở vị trí thứ 4 của danh sách (chiếm 9%).

Kết quả khảo sát của Kaspersky Lab về những nội dung được trẻ em tìm kiếm trên internet. Ảnh: Kaspersky.

Bên cạnh đó, sự khác biệt trong sử dụng ngôn ngữ khi yêu cầu quyền truy cập cho từng chuyên mục cũng là điều dễ nhận thấy. Chẳng hạn, những trang mạng về video và âm nhạc thường được tìm kiếm bằng tiếng Anh. Điều này cũng có thể lý giải bằng sự thật rằng các phim điện ảnh, chuỗi phim trên tivi và các thể loại nhạc đều phần lớn có tựa đề Anh ngữ.

Các đứa trẻ có tiếng mẹ đẻ là Tây Ban Nha lại thường yêu cầu quyền truy cập cho các trang dịch thuật, trong khi Nga lại là ngôn ngữ chính khi được tìm kiếm bởi trẻ cho các dịch vụ truyền thông.

Hơn bất cứ các quốc gia nào khác, những đứa trẻ nói tiếng Trung Quốc lại tìm kiếm các dịch vụ giáo dục, trong khi các đứa trẻ nói tiếng Pháp lại cảm thấy thích thú hơn với các trang mạng thể thao và giải trí. Tiếng Đức lại là ngôn ngữ “thống lĩnh” khi tìm kiếm về chuyên mục mua sắm. Trong khi đó, tiếng Ả Rập lại dẫn đầu khi dùng tìm kiếm về phim khiêu dâm, và tiếng Nhật đối với các thể loại phim hoạt hình.

Bên cạnh việc phân tích những tìm kiếm, hãng cũng cung cấp thêm những trang mạng - có khả năng sẽ gây hại đến trẻ em - mà chúng “viếng thăm” hoặc cố gắng tìm cách truy cập.

Cụ thể dữ liệu cho thấy những trang mạng giao tiếp (mạng xã hội, tin nhắn messenger, hoặc email) đã từng là những trang được truy cập phổ biến nhất từ máy tính có cài đặt phần mềm Parental Control - chiếm đến 60%. Tuy nhiên, hiện nay con số này đang có xu hướng giảm đi mỗi năm do nền tảng công nghệ của thiết bị điện thoại di dộng vẫn đang tiếp tục đóng một vai trò lớn trong các hoạt động trực tuyến của trẻ.

Những đứa trẻ bắt đầu bày tỏ sự thích thú đối với các trò chơi trên điện thoại hơn là máy tính. Ảnh: Internet.

Chuyên mục xếp thứ hai trong số các chuyên mục được truy cập bởi đối tượng này là “phần mềm, âm thanh, và video” (22%). Những nội dung này đã trở nên phổ biến một cách đáng kể từ năm ngoái (vươn lên từ vị trí thứ 15, chiếm 6%). Trong số đó, các trang web có chứa nội dung về rượu, thuốc lá và ma túy (6%) đều bị loại bỏ.

Xu hướng điện thoại di động lại một lần nữa được ghi nhận trong số liệu về các trang trò chơi điện tử, khi chuyên mục này chỉ đứng thứ 4 trong danh sách và chiếm 5%. Khi những đứa trẻ bắt đầu bày tỏ sự thích thú đối với các trò chơi trên điện thoại hơn là máy tính, đây sẽ là chuyên mục duy nhất tiếp tục giảm tìm kiếm trong thời gian tới.

Anna Larkina, Chuyên gia phân tích nội dung web tại Kaspersky Lab cho biết: “Trẻ em ở những đất nước khác nhau có những sở thích và hành vi trực tuyến khác nhau, tuy nhiên giữa chúng có một điểm chung thiết yếu đó là cần được bảo vệ khỏi những nội dung có thể gây hại. Những đứa trẻ tìm kiếm phim hoạt hình nhưng có thể mở ra phim khiêu dâm. Hoặc chúng có thể bắt đầu tìm kiếm những video có chứa nội dung không trong sáng hoặc những trang mạng có chứa nội dung bạo lực, cả hai nội dung này có thể để lại những tác động lâu dài đến suy nghĩ dễ nhạy cảm và bị tổn thương của trẻ”.

Đức Thiện
Nguồn Tuổi Trẻ Online