CGV mong được đón nhận như doanh nghiệp Việt

Với ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc của CGV, ngày nào đó, có người Việt sớm lên thay thế ông quản lý CGV Việt Nam và đây là một phần của kế hoạch tạo dựng bản sắc công ty công nghiệp điện ảnh quốc tế này.

* Với 400 triệu USD đầu tư vào thị trường Việt Nam, vốn có được xem là lợi thế lớn nhất của CGV?

Để có kế hoạch đầu tư 2 giai đoạn với tổng kinh phí khoảng 400 triệu USD từ năm 2008 đến 2020, trước tiên, chúng tôi phải dựa trên mục tiêu, tầm nhìn hoạt động của tập đoàn và CGV Việt Nam. Thực tế trong suốt những năm qua, CGV luôn đầu tư nhiều hơn so với lợi nhuận mà chúng tôi thu được tại Việt Nam. Do đó, hầu hết kinh phí đầu tư mà chúng tôi có được là từ nguồn vốn đi vay.

Dựa trên những lợi thế và tiềm năng của thị trường, mục tiêu lớn nhất của CGV là đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển toàn cầu.

* Sau hơn 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, hiện công ty đã gây dựng được những gì?

Chúng tôi đã đầu tư cơ sở hạ tầng - các rạp chiếu không chỉ ở các đô thị lớn, mà còn ở các tỉnh thành cấp 2, cấp 3. Số lượng rạp chiếu mà CGV đang vận hành ở Việt Nam tính đến tháng 2/2018 là 55 cụm rạp. Mục tiêu đa dạng hóa các thể loại phim vẫn được CGV thực hiện như một phần của kế hoạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả Việt Nam, không dừng lại ở một số thể loại.

Sim Joon Beom

Ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc của CGV.

* Và theo kế hoạch giải ngân,“size” của CGV sẽ tăng lên gấp đôi?

Theo kế hoạch tới năm 2020, chúng tôi sẽ mở thêm khoảng 10-15 rạp/ năm tùy theo từng khu vực và nhiều yếu tố khác. Sau năm 2020, số rạp mới sẽ ít hơn, dự kiến khoảng 4-5 rạp/ năm. Rạp mở tới đâu, nhu cầu nhân sự vận hành theo tới đó và sẽ được CGV chuẩn bị sẵn sàng.

* Có khảo sát nào cho nhu cầu rạp chiếu tại đô thị lớn và các tỉnh cấp 2, 3? Bởi nếu chỉ tính số lượng rạp của CGV trên thị trường, con số có lẽ không nhỏ...?

Khoảng từ năm 2011 trở về trước, tốc độ phát triển rạp chiếu phim trên thị trường Việt Nam rất chậm. Sau khi CGV đầu tư mở khoảng 10 rạp/năm, thì các đơn vị khác cũng đã chuyển động đầu tư mạnh mẽ hơn với khoảng 1-2 rạp/năm. Có thể nói CGV đã tiên phong thúc đẩy đầu tư hạ tầng tốt hơn, qua đó quy mô thị trường cũng ngày càng lớn mạnh. Tính đến hiện tại, thị trường điện ảnh Việt Nam đang tăng trưởng khá lớn, với khoảng 20-25 cụm rạp được mở mỗi năm. Đây là bước tiến rất lớn nhưng sẽ cần tiến xa hơn, đầu tư nhiều hơn.

* Nghĩa là CGV có dữ liệu tính toán sự phù hợp nhu cầu và đảm bảo tiềm năng kinh doanh về tỷ lệ rạp chiếu trên lượng cư dân ở đô thị hoặc tỉnh thành tại Việt Nam?

Theo dữ liệu của chúng tôi: Ở Việt Nam, cứ tỷ lệ 1 triệu dân thì có khoảng 7 rạp chiếu phim. Ở Mỹ con số này là 126 rạp chiếu, ở Trung Quốc 23 và Nhật Bản là 26. Như vậy, có thể thấy, con số rạp chiếu/đầu dân số của Việt Nam còn thấp, trong khi nhu cầu và dư địa còn rất lớn.

* Thách thức lớn nhất khi CGV khi mở rộng rạp chiếu đến mọi tỉnh thành của Việt Nam là gì, thưa ông?

Về tiềm năng, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng khá tích cực với nhu cầu giải trí lớn, số lượng dân số trẻ đông, nền kinh tế vĩ mô, chính trị và xã hội rất ổn định, mức độ đầu tư trên thị trường chưa bão hòa… Dù vậy, khi đầu tư ở thị trường này, chúng tôi cũng như các nhà đầu tư khác gặp phải các thách thức như: Nhu cầu chưa thực sự quá lớn để đại đa số người dân sẵn sàng chi tiêu cho giải trí.

Tiêu chí top 5 thị trường có nền công nghiệp điện ảnh phát triển toàn cầu: Thị phần của phim Việt phải đạt từ 60%. Số lượng vé bán ra phải đạt trên 200 triệu vé ( trong khi dự kiến 2018 là 54 triệu vé).

Ngoài ra, CGV cũng vẫn gặp phải nhiều vấn đề khác trong quá trình đầu tư như: Một số đơn vị cùng ngành hiện vẫn đang dựa vào các tổ chức, ví dụ như Hiệp hội, để đưa ra các thông tin không chính xác về CGV, gây ảnh hưởng đến chúng tôi và thị trường nói chung.

* So với vốn đầu tư và hiệu quả mà tập đoàn CGV đang đạt được ở các quốc gia, Việt Nam có vị trí ra sao?

CGV đang đầu tư ở 7 nước. Những quốc gia mà CGV đang dẫn đầu là Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Myanmar. CGV đứng vị trí thứ 2 ở Indonesia. Ở những thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc, CGV xếp vị thứ thấp hơn. Theo mục tiêu chung của tập đoàn, CGV sẽ vận hành 10.000 màn chiếu và thu hút 100 triệu khán giả đến rạp mỗi năm (tính đến năm 2020). Sứ mệnh riêng của CGV Việt Nam là đưa nền công nghiệp điện ảnh của nước nhà phát triển toàn cầu. Sự phát triển của CGV tại Việt Nam dĩ nhiên cũng đóng góp vào mục tiêu chung của tập đoàn.

* Vậy còn giá vé xem phim ở Việt Nam so với các nước khác thì sao, thưa ông?

Giá vé xem phim của Việt Nam so với các thị trường phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc thì thấp hơn, nhưng so với một số nước cùng khu vực như Indonesia thì cao hơn. Giá vé bình quân của CGV tại Việt Nam ở khoảng 3.66 USD/ vé tức khoảng 80.000 VNĐ/ vé, thậm chí thấp hơn so với giá của một ly trà sữa tại các khu vực trung tâm.

* Vậy ông mong muốn xây dựng dấu ấn gì đặc biệt cho CGV tại Việt Nam?

Tôi mong muốn phát triển CGV như một đơn vị điển hình, tiên phong trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt và được xem như một doanh nghiệp Việt, được thị trường ủng hộ.

Một ngày nào đó, tôi mong người kế nhiệm CEO của CGV Việt Nam sẽ là người Việt.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lê Mỹ
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp