Vinasun bi quan

Số lượng xe của Vinasun đã giảm hơn 700 chiếc trong năm 2017 sau khi công ty đã thanh lý gần 1.300 chiếc xe taxi các loại, nhưng chỉ mới mua thêm 567 chiếc mới. Số lượng xe cuối năm hiện chỉ còn 5.835 chiếc.

Mục tiêu đặt ra cho lợi nhuận (trước thuế) năm 2018 vừa được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) thông qua chỉ bằng một nửa năm 2017, còn 119 tỉ đồng, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Doanh thu taxi của Vinasun giảm quá nửa trong năm vừa qua, từ mức 4.352 tỉ đồng xuống 2.067 tỉ đồng, còn chưa đến một nửa. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 40% so với năm 2016, đạt 189 tỉ đồng.

Doanh thu dự kiến của công ty năm 2018 là 2.000 tỉ đồng, giảm 32%. Kế hoạch này sẽ được trình đại hội cổ đông thường niên thông qua trong thời gian tới.

Mô hình quản lý của Vinasun nhìn chung vẫn cồng kềnh so với các ứng dụng gọi xe công nghệ. Báo cáo của hội đồng quản trị Vinasun cho biết chỉ với chưa đến 6.000 đầu xe taxi, số lượng lao động gián tiếp và hỗ trợ của công ty đạt trên 2.600 người, là những người điều hành tiếp thị, điều hành xe, tổng đài, xưởng sửa chữa, nhân viên văn phòng… so với 500 nhân viên trên toàn khu vực của Uber, theo thông báo cuối cùng của Uber khi chính thức rút khỏi thị trường Đông Nam Á, còn lại là các đối tác lái xe.

Số lượng xe taxi của Vinasun chính thức giảm trong năm 2017. Nguồn: Báo cáo thường niên và báo cáo hội đồng quản trị Vinasun.

Năm 2017, lần đầu tiên Vinasun triển khai mô hình nhượng quyền song song với mô hình chính thống nhằm hạn chế lái xe nghỉ việc và thu hút lại lái xe. Mô hình mới này mang lại 566 tỉ đồng doanh thu cho công ty.

Với mô hình này, cá nhân sở hữu xe riêng sản xuất từ năm 2016 đến nay có thể tham gia lái xe dưới thương hiệu của Vinasun và sử dụng các nguồn lực của công ty như hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị, sân bay,… Nếu đạt doanh thu mỗi ngày từ 2 triệu đồng trở lên, mức chiết khấu dành cho lái xe (số tiền trả cho Vinasun) là 15,5%. Doanh thu thấp hơn, tỷ lệ chiết khấu sẽ cao hơn, bộ phận kinh doanh của Vinasun cho biết. Ngoài ra, tài xế còn phải đóng 4,5% thuế thu nhập cho nhà nước. Tổng cộng tỷ lệ chiết khấu và thuế tối thiểu cho mỗi xe là 20%, thấp hơn mức 28,36% hiện tại của ứng dụng gọi xe Grab dành cho tài xế mới. Tuy nhiên, ngoài hai khoản thuế/phí nói trên, Vinasun còn thu số tiền cố định 11 triệu đồng mỗi năm cho phí thương quyền và thiết bị.

Kinh doanh nhượng quyền cùng với việc đưa vào ứng dụng gọi xe trên điện thoại di động đang kéo Vinasun gần hơn với các ứng dụng gọi xe công nghệ như Uber, Grab. Trong năm 2017, có tổng cộng gần 5.000 lượt gọi xe Vinasun thông qua ứng dụng, tăng 61% so với năm 2016. Khách Vinasun chủ yếu vẫn gọi xe qua điện thoại và các điểm tiếp thị của công ty, đạt trên 72.800 lượt, nhưng giảm 17,5% so với năm trước.

Tuy vậy, ứng dụng gọi xe cùng với hình thức kinh doanh nhượng quyền chưa đủ sức giúp Vinasun thoát khỏi khủng hoảng. Lãnh đạo Vinasun tiếp tục dự báo 2018 sẽ là năm khó khăn của công ty khi phải tiếp tục cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe công nghệ.

Lãnh đạo Vinasun cho rằng hoạt động của các ứng dụng gọi xe công nghệ với số lượng xe lên tới 30.000 chiếc riêng tại thành phố Hồ Chí Minh cùng với các chính sách giá linh hoạt (“hạ giá và nâng giá một cách phi lý” - theo báo cáo của hội đồng quản trị Vinasun) đã tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh của công ty.

Minh Thư
Nguồn Forbes