Kiểu bán hàng 'không bao giờ giảm giá' của thương hiệu Chanel

Không bao giờ giảm giá, không tương tác với khách hàng trên mạng xã hội, chẳng quan tâm đối thủ là cách tiếp thị khác thường của thương hiệu Chanel.

Là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, Chanel bán thời trang cao cấp, quần áo may sẵn, phụ kiện, nữ trang và nước hoa.

Phái đẹp khắp thế giới cùng các tín đồ thời trang luôn phát cuồng với phong cách thiết kế đơn giản mà tinh tế, cổ điển mà hiện đại, sang trọng mà tiện dụng của Chanel.

Để duy trì giá trị thương hiệu trong hơn 100 năm qua, Chanel vừa chú trọng vào các sản phẩm do hãng thiết kế, vừa dựa vào chiến lược tiếp thị theo từng giai đoạn của thời trang. Tuy vậy, dù với bất cứ giai đoạn nào, Chanel luôn theo đuổi những phương pháp khác biệt so với những thương hiệu khác, từ chiến lược về sản phẩm, giá cả đến cách ứng dụng các phương thức để quảng bá.

Chanel không tạo ra sản phẩm theo các xu hướng mới nhất. Họ luôn trung thành với di ngôn của người sáng lập. Di ngôn ấy là “Thời trang có thể tàn phai, nhưng phong cách là mãi mãi”.

Trong giới thời trang cao cấp, các nhà mốt thường áp đặt xu hướng. Họ thường phối hợp cùng nhau, nhằm thúc đẩy doanh số của tất cả các thương hiệu. Ví dụ, khi các nhà thiết kế muốn lăng xê chất liệu denim trong mùa thu đông thì ngay lập tức các hãng thời trang sẽ nhanh chóng bắt kịp xu hướng và cho ra mắt các bộ sưu tập hợp thời. Chanel không thuộc nhóm các thương hiệu đó.

Mọi sản phẩm theo xu hướng không bao giờ có thể làm "lung lay" kế hoạch bán hàng của Chanel. Hãng thiết kế những sản phẩm riêng và không bao giờ "hùa" theo xu hướng. Chiến lược sản phẩm mang tính bảo thủ giúp Chanel tạo ra sự khác biệt trong ngành hàng hóa cao cấp.

Sản phẩm của của Chanel có sự thống nhất về phong cách, tinh thần và chất lượng, giúp khách hàng nhận ra chúng dù không thấy logo. Hiện tại giới tiêu dùng vẫn cảm thấy hài lòng với sự cố chấp của Chanel.

Karl Lagerfeld, giám đốc sáng tạo và là nhà thiết kế chính của Chanel, không chú ý đến mọi đối thủ. Theo ông, việc để ý các đối thủ không thể giúp thương hiệu thay đổi các sản phẩm cạnh tranh.

Louis Vuitton hay Gucci là các hãng thời trang thu được nhiều lợi nhuận nhất hiện nay. Song Chanel vẫn không muốn bắt chước cách kinh doanh của đối thủ vì nghĩ rằng nó không phù hợp với hãng.

Nhiều hãng thời trang cao cấp như Prada, Versace, Valentino hay Burberry, phát động những chiến dịch giảm giá mang tính thời vụ để thúc đẩy tăng trưởng doanh số, đồng thời lấy lòng khách hàng. Nhưng Chanel không bao giờ giảm giá. Hãng chỉ điều chỉnh giá ở từng thị trường, nhưng không thay đổi mức giá cơ bản.

Để tăng trưởng doanh thu, Chanel lựa chọn một chiến lược khác. Hãng phát triển những dòng sản phẩm bình dân hơn để thỏa mãn nhu cầu sở hữu một đồ dùng của hãng của khách hàng. Các dòng sản phẩm làm đẹp như son, dưỡng da, make-up hay các loại phụ kiện như kính mắt, đồng hồ với giá cả phải chăng hướng tới phân khúc khách hàng trung lưu và các thị trường mới nổi tại châu Á.

Doanh số của Chanel vẫn tăng trưởng đều đặn dù hãng không bao giờ giảm giá. Chiến lược giữ nguyên giá giúp hãng duy trì vị thế thương hiệu trên thị trường.

Dù có tài khoản Facebook, Instagram, Twitter nhưng Chanel chưa bao giờ phản hồi bình luận của khách hàng. Nếu khách muốn mua hàng, họ phải tới các cửa hàng của Chanel. Hãng cho rằng thương hiệu cao cấp phải có cách ứng xử khác những thương hiệu phổ thông.

Chanel sử dụng mạng xã hội để cung cấp các thông tin mới nhất, các sự kiện diễn thời trang hay bộ sưu tập mới ra mắt. Mạng xã hội là công cụ để tăng độ hiện diện thương hiệu chứ không phải vì mục tiêu bán hàng. Hãng này chú trọng việc chăm sóc và tư vấn khách hàng một cách tỉ mỉ, mang lại những trải nghiệm tốt nhất một cách trực tiếp, chứ không chỉ một vài câu trả lời đơn giản trên Facebook hay Instagram.

Kim Cương / Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn Người đồng hành