EU sẽ tăng mức thuế kỹ thuật số để "trừng phạt" Google, Amazon và Facebook?

Liên minh EU đã công bố kế hoạch tăng mức thuế đối với các doanh nghiệp số như Google, Amazon và Facebook nhằm mục đích đóng thuế công bằng. Đồng thời, sẽ đánh thuế vào các doanh nghiệp hoạt động tại Châu Âu nhưng có trụ sở ở nước khác.

Những "gã khổng lồ về công nghệ" bao gồm Google, Amazon và Facebook có thể sẽ phải đối mặt với mức thuế cao ở thị trường Châu Âu.

Ủy ban Châu Âu - chịu trách nhiệm điều hành của Liên Minh Châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch đánh thuế vào các cơ sở kinh doanh của các công ty, hơn là nơi đặt trụ sở chính. Những đề xuất thay đổi cũng bao gồm việc các doanh nghiệp số sẽ phải trả mức thuế cao hơn thông thường.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, trung bình các công ty kỹ thuật số phải trả 9,5% thuế thu nhập, trong khi các doanh nghiệp truyền thống trả đến 23,2%.

Pierre Moscovici - Ủy viên EU chuyên phụ trách mảng thuế đã nói rằng: "Cuộc cách mạng công nghệ số không những đảo lộn nền kinh tế của chúng ta mà còn làm thay đổi mạnh mẽ cách các doanh nghiệp tạo ra giá trị hiện nay". Chính vì thế Pierre cho rằng phải đối xử công bằng hơn trong việc đóng thuế giữa các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, đồng thời thay đổi các quy định đã lỗi thời như hiện nay.

CEO Jeff Bezos của Amazon, CEO Larry Page của công ty mẹ Alphabet của Google và COO Sheryl Sandberg của Facebook trong cuộc họp với lãnh đạo ngành công nghệ tại New York, NY vào năm 2016.

Các đề xuất bao gồm một "giải pháp chung của EU" cho phép các quốc gia trong khu vực EU đánh thuế lợi nhuận đến các doanh nghiệp hoạt động ngay trong khu vực của mình, ngay cả khi những công ty này không có trụ sở tại đây.

Tuy nhiên, một công ty bị đánh thuế sẽ phải đáp ứng được một trong các tiêu chí: doanh thu hàng năm (tại một quốc gia EU bất kỳ) vượt quá 8,6 triệu USD; có hơn 100 nghìn người sử dụng dịch vụ trong một năm chịu thuế; hoặc hơn 3.000 hợp đồng kinh doanh đối với các dịch vụ kỹ thuật số được tạo ra giữa công ty và người sử dụng trong 1 năm này.

Những nỗ lực hiện nay từ Châu Âu buộc các công ty lớn phải trả đúng số tiền thuế không phải là mới. Ví dụ như Amazon có trụ sở tại Luxembourg nhưng các hoạt động kinh doanh chủ yếu lại tại các nước Châu Âu khác nhau, cũng phải sắp xếp lại việc chia tiền thuế hợp lý. Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu yêu cầu Luxembourg trả lại gần 307 triệu USD số tiền thuế "bất hợp pháp" Amazon đã đóng.

Trước đó Amazon cũng ghi lại tất cả doanh thu từ các nước Châu Âu tại trụ sở ở Luxembourg và chia thuế ra từng mức nhỏ để đóng cho các nước này. Mặc dù vào năm 2015 cơ cấu thuế thay đổi, các mức thuế phải nộp tại các quốc gia EU cũng khác nhau. Nhưng theo quy tắc mới được đưa ra, các công ty như Amazon sẽ một lần nữa phải ghi lại doanh thu tại các quốc gia EU mà doanh nghiệp này đang hoạt động.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, trung bình các công ty kỹ thuật số phải trả 9,5% thuế thu nhập, trong khi các doanh nghiệp truyền thống trả đến 23,2%.

Đây không phải là hành động "anti" các doanh nghiêp của Mỹ

Sau những thông báo về chính sách thuế, Moscovici đã phát biểu với CNBC rằng các quy tắc mới "không phải là một quyết định nhắm vào một mục tiêu cụ thể nào đến các công ty của Mỹ. Chỉ là đánh thuế đúng cách những công ty tạo ra giá trị thông qua các hoạt động số ở Châu Âu mà thôi".

Gần đây mối quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu đang trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Trump thông báo luật thuế mới về thép và nhôm nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Châu Âu - một trong những đồng minh lâu nay của nước Mỹ đã không đồng ý với những quyết định này và đang tìm cách để được "miễn luật" của Trump.

Quỳnh Như / CNBC
Nguồn ICT News