Masayoshi Son và triết lý kinh doanh liều lĩnh

Ông Masayoshi Son là người Nhật gốc Hàn, hiện là tổng giám đốc điều hành của SoftBank. Theo ước tính của Forbes tính đến ngày 14/3/2018, tổng tài sản của vị tỷ phú này đạt gần 23 tỷ USD.

Nếu nói về tiền bạc, Masayoshi Son có thể không so sánh được với những tỷ phú hàng đầu thế giới hiện nay nhưng chính con đường thành công cùng nghị lực mới là thứ khiến cả thế giới phải nể phục.

Ước mơ của cậu bé chăn heo

Lớn lên tại khu phố Hàn ở Nhật Bản, gia đình của ông Son vốn nghèo khó do là người nhập cư. Khi còn bé ông Son đã phải đi lượng thức ăn thừa trong thùng rác cùng bà nội để nuôi heo. Tuy nhiên chính những ký ức cực khổ này đã giúp ông có niềm tin trở thành một người giàu có. Chính bản thân tỷ phú Son cũng thừa nhận khoảng thời gian này đã giúp ông có động lực chăm chỉ hơn để chứng tỏ bản thân.

Đến tuổi thành niên, Son tiếp tục gây ấn tượng với mọi người bởi câu chuyện truyền cảm hứng khi ông muốn gặp nhà khởi nghiệp Den Fujita, người đem McDonald về Nhật Bản. Nguyên nhân chính là ông rất thích cuốn sách do Fujita viết và muốn được gặp thần tượng của mình.

Tuy nhiên, sau gần trăm cuộc điện thoại với trợ lý của Fujita, ông Son đã đặt vé máy bay lên thủ đô Tokyo để gặp thần tượng bất chấp những lời từ chối từ người trợ lý. Tính ra, số tiền ông mua vé máy bay còn rẻ hơn số tiền ông gọi điện cho văn phòng của Fujita.

Đến khi du học tại Mỹ, Masayoshi chứng tỏ được tài năng đáng kinh ngạc của mình khi phát minh ra chiếc máy phiên dịch ngôn ngữ đầu tiên, để rồi bán chúng cho tập đoàn Sharp của Nhật với giá 1,7 triệu USD. Điều đáng nói ở đây là Son chưa bao giờ phát minh thứ gì, không có tiền vốn cũng như chẳng có kiến thức nào về công nghệ.

Ban đầu, Son đặt mục tiêu kiếm 10.000 USD/tháng nhưng chỉ làm việc 5 phút mỗi ngày và hỏi bạn bè về những ý tưởng kinh doanh. Hầu hết mọi người đều cho rằng ông bị điên, nhưng không, ông Son quyết tâm tìm kiếm cách làm giàu và mảng phát minh được ông chú ý tới như một kiểu kinh doanh có thể thu lợi nhuận nhanh chóng.

Dù không có gì trong tay nhưng Son đã bền bỉ thuyết phục được những người sở hữu kỹ năng, kiến thức tham gia phát minh cùng ông. Thậm chí cả những chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ mà ông chưa gặp bao giờ cũng bị thuyết phục.

Ông Masayoshi Son và Bill Gates.

Chỉ trong vòng 18 tháng, dự án máy phiên dịch ngôn ngữ và 1 dự án khác đem về cho ông 3,2 tỷ USD và Son chỉ làm việc 5 phút mỗi ngày, một thành quả khiến bạn bè trong trường kinh ngạc.

Doanh nhân, con bạc và một người con hiếu thảo

Khi tốt nghiệp, ông Son đã có cả một sự nghiệp ở Mỹ nhưng ông lại quyết định quay về Nhật Bản. Nguyên nhân chính của quyết định này là lời hứa quay lại quê hương với người mẹ trước khi lên đường du học. Bất chấp những lời mời gọi hấp dẫn, Son vẫn dứt áo ra đi để trở về Nhật Bản lập nghiệp.

Như người ta thường nói, có tài năng thì đi đến đâu cũng không thể lu mờ, sự nghiệp của Son bắt đầu khởi sắc khi ông đầu tư vào dịch vụ công nghệ, một mảng khá mới vào thời kỳ đó. Một trong những yếu tố khiến mọi người bất ngờ ở Son là tính "liều ăn nhiều".

Tỷ phú Son thường nhắm đến những startup non trẻ tiềm năng và một trong những thương vụ thành công nhất khi đó là Alibaba. Với 20 triệu USD đầu tư và 90 tỷ USD giá trị cổ phần khi Alibaba IPO, tỷ phú Son đã có khoản lợi suất 4.500% và đây được đánh giá là một trong những thương vụ đầu tư lãi nhất lịch sử.

Tỷ phú Son và Jack Ma.

Khi được hỏi tại sao lại đầu tư vào một startup không có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, không có lợi nhuận và nhân viên chỉ vào khoảng 35-40 người, tỷ phú Son cho biết ông không đầu tư vào kế hoạch kinh doanh mà là con người. Nguồn cảm hứng mà nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đem lại, ánh mắt quyết tâm cùng khả năng thu hút nhân viên của ông khiến tỷ phú Son cho rằng người đàn ông này sẽ làm nên chuyện.

Không chỉ Alibaba, tỷ phú Son còn đầu tư 100 triệu USD cho Yahoo từ những ngày đầu thành lập khiến ngay cả nhà sáng lập David Yang cũng phải bất ngờ.

"Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên, vì chỉ có bị điên mới bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phần của công ty còn non trẻ", nhà sáng lập Yang nói.

Tuy nhiên ông Son đã chính xác khi Yahoo trở thành ông lớn của ngành công nghệ sau đó. Thế rồi đến thương vụ Vodafone khi mọi người đều cười nhạo để rồi ngỡ ngàng trước thành công của ông. Nhờ Vodafone, ông Son đã hợp tác với Apple và đem iPhone về cho thị trường Nhật Bản, tạo nên một văn hóa điện thoại thông minh trên thị trường.

Có thể nói, triết lý kinh doanh, sự dũng cảm và đam mê của Masayoshi Son thật sự khiến bất kỳ ai cũng phải học hỏi.

AB
Nguồn Thời Đại