Gucci – đẳng cấp của một thương hiệu mạnh

The House of Gucci, một cái tên đẳng cấp, đẳng cấp từ chính cách phát âm thương hiệu cho đến biểu tượng hai chữ G lồng vào nhau vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của những người am hiểu hay chỉ đơn thuần là biết chút ít về thời trang.

Bí quyết thành công của Gucci chính là nét hài hòa qua sự kết hợp của các sản phẩm. Bằng nghệ thuật xử lý da điêu luyện cùng tính đồng bộ trong sáng tạo sản phẩm, Gucci đã chinh phục được các khách hàng khó tính nhất. Danh tiếng lẫy lừng của “đế chế” này có thể ví như đã bao trùm làng thời trang quốc tế và ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Cái tên Gucci không chỉ gắn liền với sự thượng hạng và cũng đắt tiền, mà còn gợi nhớ đến những nốt thăng trầm trên chặng đường phát triển mang tính lịch sử của thương hiệu này.

Chặng đường phát triển

Được sáng lập bởi Guccio Gucci (1881-1953) tại Florence (Ý), Gucci được xem là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng và được yêu thích trên khắp thế giới. Năm 1906, Guccio Gucci mở một hiệu nhỏ bán yên ngựa và cung cấp thêm các loại túi da dành cho người cưỡi ngựa. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, ông phát triển kinh doanh khá thành công nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt. Năm 1938, ông mở cửa hàng thứ 2 tại Rome, rồi cửa hiệu thứ 3 tiếp tục ra đời tại Milan năm 1951. Ông mất năm 1953, chẳng bao lâu sau khi cửa hàng thứ 4 được mở tại Manhattan (Mỹ), để lại toàn bộ cơ nghiệp cho bốn người con trai là Aldo, Vasco, Ugo và Rodolfo.

Vào những năm 1960, Gucci đã tạo nên một cơn bão khi được xem là một nhà tạo mốt với các dòng sản phẩm cao cấp. Các ngôi sao ở Hollywood đã gọi tên Gucci đồng nghĩa với “chic”, có nghĩa là sang trọng, lịch sự.

Trong một thời gian dài, thương hiệu này là biểu tượng của những nhân vật tên tuổi và nhiều ngôi sao điện ảnh lớn, điển hình là Jackie Onassis hay Elizabeth Taylor. Thiết kế giày da với chi tiết hàm thiếc ngựa một thời là điểm nổi bật của bộ sưu tập tại Viện Nghiên cứu Thời trang Metropolitan cũng như của Bảo tàng Nghệ thuật tại New York.

Nhờ có những khách hàng nổi tiếng, thương hiệu Gucci nhanh chóng đi vào hàng ngũ các nhà tạo mốt hàng đầu thế giới. Tiếc là từ khi cháu trai Maurizio của Guccio được trao nhiệm vụ điều hành doanh nghiệp (thập niên 1980) thì việc kinh doanh bắt đầu đi xuống. Những bước đi sai lầm gây bất đồng, thậm chí đã xảy ra xung đột nặng nề ngay trong cuộc họp của ban lãnh đạo công ty. Năm 1988, chính Maurizio phải bán cả sản nghiệp gia đình cho Tập đoàn Investcorp. Hiện tại, nhãn hiệu Gucci thuộc về Tập đoàn Kering của Pháp (thường được biết đến qua tên gọi PPR) do tỉ phú François Pinault sáng lập.

Phong cách chuyển dời qua các thời kỳ

Không nhiều người biết rằng nhà tạo mốt hàng đầu xứ Florence đã từng bị dè bỉu bằng từ “lạc mốt”, đồng thời rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề vào giữa thập niên 1990. Rất có thể Gucci đã trở thành một cái tên xưa cũ trong lịch sử thời trang thế giới nếu không có sự xuất hiện của Tom Ford. Bằng một phong cách quyến rũ và táo bạo, Tom Ford đã thổi luồng sinh khí mới, vực dậy thương hiệu thời trang đang bị tụt hậu. Mười năm sau khi đã tạo dựng nên một Gucci lừng lẫy, Tom Ford rời khỏi ngôi vị giám đốc sáng tạo và người thay thế là Frida Giannini – một nhà thiết kế phụ kiện danh tiếng.

Tom Ford, cựu giám đốc sáng tạo của Gucci.

Lịch sử đã được lặp lại. Đầu năm 2015, Frida Giannini lại chia tay vị trí giám đốc sáng tạo sau 13 năm gắn bó với Gucci, nhường chỗ cho Alessandro Michele – một gã ăn mặc kiểu nghệ sĩ và cũng là một thành viên của nhóm thiết kế làm việc dưới quyền của Frida từ năm 2002, chuyên phụ trách nhóm đồ da, giày, đồ trang sức và trang trí nội thất. Và chính Alessandro đã làm “thay da đổi thịt” hoàn toàn Gucci sau một thời gian dài mà những sáng tạo của Frida Giannini bị thờ ơ.

Alessandro Michele đã khiến giới mộ điệu hết sức ngạc nhiên khi cho ra mắt bộ sưu tập dành cho nam giới trong mùa Thu-Đông 2015 theo một phong cách hoàn toàn mới. Không còn những chàng trai thanh lịch và đỏm dáng, mà thay vào đó là những cậu trai trẻ “mình hạc xương mai” với trang phục không thể nữ tính hơn. Đến khi thiết kế bộ sưu tập dành cho nữ, Alessandro lại tiếp tục tạo nên sự kinh ngạc khi ứng dụng thủ thuật Gender bender. Cô gái mới của Gucci không còn sexy hay hiện đại, mà trở thành quý cô geek-chic theo hơi hướng hoài cổ.

Nhà thiết kế Alessandro Michele.

Chưa hết, vị giám đốc sáng tạo này còn làm sống dậy trào lưu logo, đặt họa tiết và logo Gucci lên trên túi xách và thậm chí cả trang phục. Ông lại tạo thêm những mẫu túi IT-bag nổi tiếng, chẳng hạn Sylvie và Dionysus, mở ra một kỷ nguyên mới của Gucci thông qua sự dung hòa giữa tính đa dụng và tính thời trang để người dùng có thể sử dụng trong những buổi tiệc tùng cũng như trong công việc.

Đã có những lời chia tay tiếc nuối, cũng đã có đầy hoài nghi trước một khởi đầu mới. Và giờ đây, những gì giới mộ điệu thấy là một Gucci tràn đầy sức sống.

Đặc tính DNA của thương hiệu

Do đã trải qua khá nhiều biến cố nên phong cách truyền thống của Gucci đã thay đổi ít nhiều. Hiện nay, di sản của Gucci thể hiện đậm tính nhất ở dải ruy băng xanh lá và đỏ, được lấy cảm hứng từ đai yên ngựa cùng khóa horsebit (hàm thiết ngựa), được trang trí trên những đôi giày Mocassin đặc trưng.

Nhi Dazzling
Nguồn Doanh Nhân+