Người Việt tìm kiếm gì trong dịp Tết Nguyên đán 2018?

Tết Âm lịch luôn là thời gian bận rộn nhất trong năm của người Việt Nam, và xu hướng "lên mạng" bằng các thiết bị di động cho thấy người dùng trong năm nay quan tâm đến các chủ đề gì.

Từ quà đến tìm việc làm - Cơ hội kinh doanh theo nhiều từ khóa liên quan tết

Bên cạnh những tìm kiếm thường gặp vào dịp tết như giá vé tàu xe tết, chợ hoa tết… đáng chú ý có một số từ khóa liên quan các cơ hội công việc lẫn kinh doanh mà doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn các hộ kinh doanh có thể nắm bắt như “giỏ quà tết”, “đặc sản tết”, “quà tết độc đáo", “hộp quà bánh kẹo"... bên cạnh là những từ khóa tìm ý tưởng như “quà tết ý nghĩa”, “gợi ý quà tết bố mẹ” hay “tết mua gì biếu bố mẹ chồng", “quà độc đáo tặng sếp"...

Ngoài những từ khóa chung, nhiều doanh nghiệp tập trung vào các từ khóa thường được tìm kiếm như “trà biếu tết", "hộp quà mứt tết", “thiệp chúc tết đẹp". Một số muốn tự tay tạo ra các gói quà độc đáo của mình nên từ khóa “cách gói giỏ quà tết” cũng nằm trong số tìm kiếm nhiều.

Các chủ đề tìm kiếm được quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh chụp màn hình.

Đối với người Việt, những món quà trao tay đến người thân, bạn bè hay đồng nghiệp dịp trước tết là một nét văn hóa truyền thống, do đó, thông tin về quà dịp tết luôn được tìm kiếm tăng vọt. Cụ thể, mùa tết 2016-2017, Google ghi nhận lượng tìm kiếm về quà tết tăng gấp 10 lần so với các tháng trước đó. Trong đó, lượng người tiêu dùng tìm kiếm thông tin bằng di động (mobile) vượt hơn cả tìm trên máy tính (desktop), mức tăng trưởng này lên đến 123% theo năm (2016-2017).

Song song với cơ hội kinh doanh là “việc làm ngày tết ở TP.HCM". Từ khóa này hiện trong nhóm tìm kiếm nhiều nhất đến ngày 4.2.2018, cho thấy nhiều người mong muốn tìm được việc ngắn hạn kiếm thêm thu nhập dịp tết, thay vì du xuân. Đây cũng là một trong các xu hướng của những năm trước, tương tự từ khóa “giúp việc theo giờ", hay “giúp việc ngày tết”, “giặt thảm", “giặt sofa".

Giải trí và tìm hiểu văn hóa ngày tết

Một điểm thú vị thể hiện trên Google Trends tuần trước là xu hướng tìm kiếm về các tập tục ngày tết tăng vọt, như "cúng ông Táo cần những gì", "thủ tục cúng ông Táo" tăng đến 450%, "cách gói bánh chưng, bánh tét", cũng như cách làm các món ăn dân gian, truyền thống ngày tết… Một số từ khóa cụ thể về ẩm thực như “cách bày mâm ngũ quả", “cách làm mứt vỏ bưởi", “cách làm chả lụa", “mứt gừng", “thịt nấu đông”...

Từ khóa liên quan đến "ông Táo" đang dẫn đầu bảng xếp hạng trong tuần trước. Ảnh chụp màn hình.

Theo số liệu thống kê của Google, lượng tìm kiếm nội dung của người Việt vào dịp tết trên YouTube tăng dần theo năm, trung bình 12-13%. Hơn 30 triệu người Việt xem các nội dung YouTube trên smartphone, thường tập trung tìm nhiều nhất 5 nhóm nội dung trong những ngày tết gồm: nhạc (hầu hết là nhạc xuân), các chương trình truyền hình (TV Show), clip hài, nội dung cho trẻ em và gia đình, và cuối cùng là game. Số liệu quý 3/2017, thời gian xem video trên YouTube của người Việt đứng thứ tư thế giới.

Một nội dung khác được ưa chuộng mỗi khi tết đến là tử vi và phong thủy, khi số lượng tìm kiếm tử vi với các cung hoàng đạo dự báo tăng như mọi năm. “Xem tuổi xông nhà" là từ khóa “nóng" trong danh sách tìm kiếm nhiều.

Nhóm sản phẩm điện tử gia dụng được tìm kiếm mua dùng ngày tết lần lượt gồm: máy giặt, máy sấy quần áo, lò vi sóng, lò nướng bánh, tủ lạnh mini, bếp hồng ngoại, bếp nướng điện, bếp từ, máy rửa bát. Theo đó, các siêu thị điện máy, chuỗi bán lẻ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn thu hút người tiêu dùng.

Thành luân
Nguồn Thanh Niên