Lợi nhuận ngân hàng tạo đỉnh

Năm 2017, các ngân hàng đã có một năm tạo ra lợi nhuận cao chưa từng có.

Có vẻ chững lại trong nhiều năm gần đây nhưng báo cáo lợi nhuận mới nhất của Techcombank cho thấy ngân hàng này vẫn xứng đáng với vị thế một thương hiệu lớn trên thị trường ngân hàng, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên gấp đôi, đạt quy mô 8.036 tỉ đồng. Với mức quy mô như thế, lợi nhuận này gần tương đương với một ngân hàng mới nổi khác là VPBank. Tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế của VPBank trong năm 2017 đạt gần 65%, tương đương 8.126 tỉ đồng và 6.438 tỉ đồng. Hai ngân hàng tư nhân này vẫn xếp sau nhóm 3 ngân hàng Vietcombank (11.018 tỉ đồng), BIDV (8.800 tỉ đồng) và Vietinbank (9.206 tỉ đồng).

Có thể nói, trên đây là top 5 ngân hàng đã tạo ra lợi nhuận thời “hoàng kim”, đồng thời ghi nhận mức kỷ lục mới trong hệ thống ngân hàng. Kết quả kinh doanh sơ bộ được các ngân hàng công bố (báo cáo tài chính quý IV chưa kiểm toán) cho thấy nhiều ngân hàng cũng đã phá kỷ lục của chính mình. Thậm chí, Agribank cũng báo lãi lớn chưa từng có (hơn 5.018 tỉ đồng). Nhiều ví dụ khác như lợi nhuận trước thuế của HDBank tăng gấp đôi (2.416 tỉ đồng), MBB tăng 44% (5.355 tỉ đồng). Ở nhóm các ngân hàng nhỏ khác, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vẫn tiếp tục ở mức cao, như VIB tăng gấp đôi (1.405 tỉ đồng), Ngân hàng An Bình tăng hơn gấp đôi (619 tỉ đồng), KienlongBank tăng hơn 71,2% (gần 260 tỉ đồng).

Trong khi đó, ở nhóm những ngân hàng đang gặp trục trặc cũng có sự cải thiện đáng kể về con số báo cáo. Sacombank đạt 1.488 tỉ đồng (cùng kỳ là 156 tỉ đồng). Eximbank cũng vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 560 tỉ đồng, nâng lợi nhuận cả năm 2017 đạt 1.017 tỉ đồng gấp 2,6 lần so với năm 2016.

Thực tế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng báo lãi cả năm 2017 cao đột biến, sau báo cáo tài chính quý III đã có nhiều điểm nổi trội. Ở nhiều phương diện, có thể nhận thấy năm ngoái là một năm tăng trưởng tốt của hệ thống ngân hàng, với GDP tăng vượt kế hoạch đề ra (6,7%), tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất và lạm phát ổn định, lượng đầu tư tăng vượt kỳ vọng, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi và nhất là ngân hàng nhà nước có chút nới lỏng tiền tệ.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lợi nhuận ngân hàng tăng tốt nhờ tốc độ tăng trưởng cao về tín dụng và cả hoạt động phi tín dụng. Thống kê cho thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với 2016, trong khi thu từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7% trên toàn hệ thống. Vốn đóng góp khoảng 79,1% vào tổng thu nhập thuần của các ngân hàng, khoản mục thu nhập lãi thuần còn giúp ngân hàng ghi lãi lớn vì chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) có xu hướng tăng trở lại. Theo đó, NIM của hệ thống ngân hàng ở mức khoảng 3% vào năm 2017.

Tất nhiên, tùy vào cách đi của mỗi ngân hàng mà lợi nhuận đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, VPBank có khoản thu nhập lãi thuần cao hơn hẳn Techcombank, lên đến hơn 20.624 tỉ đồng (tăng 36%) nhờ đóng góp đáng kể từ khối tín dụng tiêu dùng FE Credit, trong khi Techcombank đạt 8.930 tỉ đồng (tăng 9,7%) nhưng quy mô thu nhập dịch vụ của Techcombank cao hơn 2,6 lần.

Nhìn chung, các ngân hàng ngày nay đã có sự cải thiện lại hoạt động đáng kể hơn. Điều này thể hiện qua con số lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ước tăng 30,9% so với năm 2016. Tuy nhiên, một lý do khác cũng giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh là nhờ tích cực xử lý nợ xấu trong năm ngoái.

Năm 2017, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 70.000 tỉ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, các tổ chức tín dụng đã hạn chế chuyển nợ sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và tích cực tự xử lý nợ xấu qua nhiều hình thức như bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo,… bên cạnh phương án trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể hơn, thu hồi nợ từ khách hàng chiếm 54% con số xử lý nợ, phát mãi tài sản chiếm 2,3% trong khi trích lập dự phòng khoảng 42,3%. Trong khi đó, các ngân hàng cũng liên tục công bố việc xử lý nợ xấu của mình, như Sacombank giải quyết 19.660 tỉ đồng hay ngân hàng Đông Á là 12.000 tỉ đồng.

Nhờ đó, số liệu nợ xấu báo cáo đã được cải thiện, khi tỉ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng này chỉ còn khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% vào cuối năm 2016. Những khoản này, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chủ yếu nằm ở các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.

Trong năm nay, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 17,5% trong khi tốc độ tăng GDP dự kiến mà chính phủ dự kiến từ mức 6,5-6,7%. Nhiều định chế quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP, chẳng hạn như ADB và ANZ lên mức 6,7%. Trong bối cảnh khác, ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục cam kết hỗ trợ các ngân hàng trong việc thúc đẩy dòng vốn nhằm duy trì chính sách lãi suất ổn định theo hướng “linh hoạt”. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng có cơ sở để kỳ vọng vào lợi nhuận trong năm sau, đặc biệt là khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ, cho vay các khoản nhỏ lẻ và làm dịch vụ, mang lại tỉ suất lợi nhuận tốt hơn.

Tuy nhiên, diễn biến quan trọng nhất trong năm nay vẫn là nợ xấu, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Năm ngoái, Nghị quyết 42 và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung sẽ là tiền đề quan trọng để các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh nợ xấu, xử lý theo hướng thị trường. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng kỳ vọng hoạt động xử lý nợ xấu trong năm sau sẽ diễn ra tích cực và thực chất hơn. Thêm nữa, các ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với nhu cầu tăng vốn đáp ứng yêu cầu của Basel II. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn, số vốn đáp ứng cho 14 ngân hàng thương mại tăng vốn là khoảng 3,8 tỉ USD.

Thiên Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư