Samsung sẽ hăng hái kinh doanh sau khi 'thái tử' được thả

Việc người thừa kế tập đoàn Samsung Jay Y Lee vừa được tại ngoại khiến một số người Hàn Quốc kỳ vọng rằng chaebol hàng đầu nước này sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư mới, tuyển dụng thêm lao động.

Theo Reuters, Samsung còn được gọi bằng cái tên “Cộng hòa Samsung” vì các lĩnh vực hãng này tham gia kinh doanh ăn sâu vào đời sống người dân xứ Hàn, liên kết với hàng ngàn nhà thầu, doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ. Sau một năm bị giam vì tội hối lộ, ông Lee được thả hôm 5.2 sau khi được tòa tạm dừng án tù.

Nhiều người Hàn Quốc trong cộng đồng doanh nhân hoan nghênh việc ông Lee được thả. Họ dự báo rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ hưởng nhiều lợi ích tích cực nhờ Samsung đầu tư vào các ngành mới và tạo thêm việc làm. Hai điểm trên có thể làm giảm sự phản đối về mối quan hệ mật thiết giữa các chaebol (công ty lớn do một gia đình lãnh đạo) và chính phủ Hàn Quốc của nhiều người dân khác. Vấn đề này phức tạp hơn khi một loạt bê bối tham nhũng nổi lên trong vài thập niên gần đây.

Chuyên gia đứng đầu mảng chính sách kinh tế Kim Kyung-man của Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cho biết: “Một phần cộng đồng chúng tôi cảm thấy rằng quyết định ngừng thực thi án tù của ông Lee là trái lòng dân, song nếu ông ấy tiếp tục ở tù, đây không chỉ là gánh nặng của Samsung mà còn là của vô số các nhà thầu khác”.

Ông Jay Y Lee trong ngày được tại ngoại 5.2. Ảnh: Fortune.

“Một điều tốt khi doanh nghiệp có chủ nhân lãnh đạo và vị lãnh đạo đó có thể ra quyết định một cách nhanh chóng. Chúng tôi kỳ vọng bất kỳ hành động nào của ông cũng sẽ thúc đẩy Samsung, nền kinh tế, thương hiệu toàn cầu của chúng tôi, phần nào dịu bớt bất bình trong lòng dân”, ông Kim nói.

Nhiều nhà đầu tư Samsung cho rằng ông Lee có thể làm theo những gì mà các lãnh đạo chaebol từng bị bắt giam thực hiện cho công ty khi được tại ngoại. Đơn cử, chủ tịch tập đoàn CJ Group trở lại lãnh đạo doanh nghiệp tháng 5.2017 sau khi được ân xá tội trốn thuế và vi phạm ủy thác. Kể từ đó, hãng này thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại và đầu tư.

Hãng SK Group, tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc, tích cực đầu tư từ năm 2015 khi Chủ tịch Chey Tae-won được xóa án tội biển thủ. Bộ phận sản xuất thẻ nhớ của SK đầu tư mạnh mẽ, trong khi các bộ phận khác của hãng này mua lại nhà sản xuất linh kiện chip LG Siltron và trở thành một phần trong dàn nhà đầu tư trúng thầu mua mảng sản xuất chip của Toshiba.

Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên