Thế giới di động có sai lầm khi đầu tư vào Trần Anh?

Doanh thu 9 tháng năm tài chính 2017 giảm mạnh chỉ đạt 2.479 nghìn tỷ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2016, điều này có thể khiến cổ đông của Thế giới di động không hài lòng khi việc sáp nhập đã hoàn tất.

Báo cáo tài chính (BCTC) 9 tháng năm 2017 ((1/4/2017 - 31/12/2017) của CTCP Thế giới số Trần Anh (MCK: TAG) cho nhà đầu tư thấy một bức tranh u ám. Doanh thu 9 tháng đầu năm tài chính 2017 chỉ đạt 2.479 nghìn tỷ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2016.

Lợi nhuận gộp của TAG giảm còn 311 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TAG đã lỗ tới 58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 thu về 15,5 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của TAG lỗ tới 55,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 ghi nhận lãi 12,4 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản ngắn hạn của TAG là hơn 1.020 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho với giá trị 838 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tài sản dài hạn của TAG đạt 202,75 tỷ đồng giảm 22%. Như vậy tổng tài sản của TAG đạt 1.223 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải phải trả của TAG lại chiếm tỷ lệ khá lớn so với tổng tài sản khi đạt 1.005 tỷ đồng, tăng 10%. Trong đó nợ ngắn hạn là 1.003 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của TAG cũng giảm còn 217,85 tỷ đồng. trong khi năm ngoái đạt 273 tỷ đồng.

Liệu Thế giới di động có sai lầm khi đầu tư vào Trần Anh? Ảnh: Nguyễn Long.

Hiện nay, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG) đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi điện máy Trần Anh, sở hữu hơn 90% cổ phần của Trần Anh. Chưa dừng lại ở đó, MWG còn đăng ký mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu TAG với giá 34.900 đồng/cổ phiếu, tương đương với việc MWG sẽ chi khoảng 42 tỷ đồng. Mức này cũng tương đương với giá chuyển đổi của cổ đông chủ chốt TAG trước đó. Việc Trần Anh tiếp tục báo lỗ như trên sẽ khiến các cổ đông của MWG không mấy hài lòng.

Nhưng việc sáp nhập vào Trần Anh lại là bước đi lâu dài của MWG khi mà TAR đang là một thương hiệu bán lẻ lớn, sở hữu hệ thống hơn 30 siêu thị quy mô, có vị trí đắc địa. Việc gộp chung TAR và MWG có thể giúp tăng thị phần bán lẻ điện máy lên khoảng 30%, gia tăng sức ảnh hưởng vào thị trường phía bắc.

Không chỉ MWG hưởng lợi mà bản thân TAR cũng có thể tận dụng khả năng quản trị của MWG để tăng doanh thu. Bởi với các chuỗi siêu thị điện máy lớn, vị trí đắc địa nhưng TAR vẫn chưa biết tận dụng lợi thế của mình khi hiệu quả hoạt động không cao và lợi nhuận đem lại thấp.

MWG hiện đang đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020 trong khi chuỗi Thế Giới Di Động đang có dấu hiệu bão hòa khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư vào thị trường điện máy đặc biệt phát triển với chuỗi Điện Máy Xanh cùng chuỗi điện máy Trần Anh phần nào giúp MWG ổn định thị trường và đạt mục tiêu doanh thu đề ra.

Nguyễn Long
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp