Thương hiệu Việt cần bản sắc Việt

Trong bảng xếp hạng thương hiệu Interbrand 2012, các thương hiệu châu Á đều là những cái tên thuần Á: Samsung, Canon và Toyota.

Với những doanh nghiệp (DN) Việt đang trong quá trình khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu Việt trên toàn cầu, làm sao để không trở thành bản sao của phương Tây và khẳng định thương hiệu của mình thông qua các ý tưởng kinh doanh vẫn đang là một bài toán khó.

Định nghĩa “đói nghèo là trạng thái thiếu thốn về vật chất” là đúng nhưng chưa đủ, bởi nó còn bao hàm một ý nghĩa rộng hơn, đó là đói nghèo về bản sắc. Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam đang gặp phải nạn đói nghèo về bản sắc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Để tìm được hướng giải quyết vấn đề này, yếu tố tiên quyết là sự hợp sức của tất cả các DN, tổ chức trong nước và sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng.

Có thể hiểu đói nghèo bản sắc là khi ai đó thiếu tự tin vào bản sắc nguyên gốc của mình. Ở khía cạnh kinh tế, Việt Nam cũng đang rơi vào nạn đói nghèo này, một phần do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, xu thế đặt tên nước ngoài cho DN hoặc thương hiệu nội địa đang chiếm ưu thế.

Có rất nhiều nhãn hàng nội địa vì muốn hướng tới khung giá bán cao hơn nên đã chọn những cái tên ngoại như Mattana, Novelty, Gosto. Một giám đốc của Q-Mobile chia sẻ, họ không đủ tự tin vào tiềm năng bán hàng của thương hiệu với tên thuần Việt.

Gần đây, chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt thương hiệu nội lần lượt rơi vào tay các nhà tư bản nước ngoài. 50% cổ phần của thương hiệu Phở 24 đã được bán cho Tập đoàn Thực phẩm Jollibee của Philippines, 85% cổ phần của thương hiệu Gạch men Prime được bán cho Tập đoàn Xi măng SCG của Thái Lan.


Ảnh hưởng của các thương hiệu mang tên thuần Á đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thương hiệu độc đáo trên toàn cầu. Trong bảng xếp hạng thương hiệu Interbrand 2012, các thương hiệu châu Á được ghi danh đều sở hữu những cái tên thuần Á, đó là Samsung, Canon và Toyota.

Nếu như trước đây, các thương hiệu này được đặt cho những cái tên ngoại quốc, thì liệu rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có còn được xem là các quốc gia có khả năng tạo ra các thương hiệu chất lượng cao?

Trước tiềm năng của thị trường toàn cầu với hơn 7 tỷ dân, chúng ta đang bỏ qua cơ hội khổng lồ về giá trị kinh tế và tầm ảnh hưởng toàn cầu với tư cách là một quốc gia. Vào thời khắc bán đi một thương hiệu có tính biểu tượng của Việt Nam, chúng ta đã làm tuột mất bệ phóng khuếch tán tầm ảnh hưởng toàn cầu của Việt Nam về giá trị văn hóa và bản sắc.

Nhớ lại trường hợp kem đánh răng Dạ Lan, thương hiệu tiên phong bước ra các thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào và Trung Quốc, đã bị lãng quên và biến mất khỏi thị trường ngay sau khi bán cho Colgate.

Làm thế nào để các doanh nhân đất Việt có thể biến giá trị bản sắc Việt thành lợi thế cạnh tranh? Dưới đây là hai ý tưởng có thể suy ngẫm và cân nhắc khi xây dựng những thế hệ thương hiệu Việt.

1. Là đại diện toàn cầu của Việt Nam

Khi thiết kế mô hình kinh doanh cho DN hướng tới trở thành đại diện cho Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, mô hình kinh doanh đó nhất định sẽ giúp hưởng lợi từ việc nổi lên của Việt Nam.

Và nếu đặt tên thương hiệu thuần Việt, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu trên các thị trường quốc tế sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu tham vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu, cần thực sự là chính mình, là thuần Việt, như thế bạn sẽ gặt hái những lợi ích khổng lồ trong tương lai.

Samsung là ví dụ điển hình của thương hiệu châu Á, đã rất trung thành với bản sắc của mình trong suốt hành trình mở rộng kinh doanh toàn cầu. Từ vai trò chỉ là một đại lý thương mại, Samsung ngày nay đã trở thành trụ cột phát triển kinh tế của Hàn Quốc và có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị, văn hóa và truyền thông.

2. Giá trị khổng lồ của trải nghiệm văn hóa Việt

Một sản phẩm hay dịch vụ giờ đây không còn đứng một mình. Để nhượng quyền sản phẩm hay dịch vụ, phải gắn nó với một tập quán độc đáo và tạo ra một trải nghiệm hoàn chỉnh.

Là doanh nhân đất Việt, nên đem những nét quyến rũ và huyền bí của giá trị văn hóa và lịch sử hàng ngàn năm vào sản phẩm và dịch vụ của mình. Một người bán cà phê không nên chỉ bán hạt cà phê, mà nên bán cho thế giới văn hóa uống cà phê phin và tập quán thưởng thức cà phê của người Việt.

Hàn Quốc có thể được xem là tấm gương trong nỗ lực xuất khẩu văn hóa thông qua ngành công nghiệp giải trí và đang dần góp phần định hình văn hóa xem, nghe và chơi của các quốc gia Đông Á. Kết quả là người tiêu dùng châu Á đổ xô mua hàng và du lịch đến Hàn Quốc, đất nước mà trước đây không phải là địa điểm du lịch hấp dẫn.

Đã có một vài tên tuổi DN Việt, như Trung Nguyên chẳng hạn, giúp khởi động hành trình nâng giá trị bản sắc Việt trên toàn cầu, giờ đây Việt Nam cần có thêm nhiều DN hơn nữa dám thoát ra khỏi mô-típ làm bản sao của phương Tây và bắt đầu xây dựng những thương hiệu đậm đà bản sắc Việt thông qua các ý tưởng kinh doanh.

Nguồn Dùng hàng Việt