Cuộc chiến giữa những gã khổng lồ internet

Nếu như Google, Facebook và Amazon gần như chiếm lĩnh tin tức của truyền thông và thể hiện sức mạnh ở khắp các lĩnh vực thì bộ ba Baidu, Alibaba và Tencent (gọi tắt là BAT) của Trung Quốc cũng không hề kém cạnh.

Và những tập đoàn công nghệ phương Tây sẽ sớm phải đối đầu trực tiếp với các công ty Trung Quốc trên khắp các lĩnh vực từ thương mại điện tử, hợp tác giữa các thương hiệu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Trung Quốc, cuộc chiến để được “phong vương” trên thị trường nội địa, khu vực châu Á và có thể là toàn cầu của những tập đoàn công nghệ nước này đang diễn ra cực kỳ sôi động. Với tin Tencent được định giá cao hơn Facebook và gia nhập Top 10 công ty hàng đầu thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường, dường như đã đến lúc phương Tây phải “giật mình tỉnh giấc”. Thế nhưng, thị trường Trung Quốc tiến đến điểm bão hòa nên BAT đang nhìn ra thế giới để tiếp tục tăng trưởng và tầm nhìn của họ tấn công đến cả lãnh địa của Amazon, Google và Facebook.

Toàn cầu hóa hiện là trọng điểm của Alibaba. Dù tập đoàn của Jack Ma nhìn nhận sự kiểm soát của Amazon tại thị trường thương mại điện tử Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng với họ, phần còn lại của thế giới vẫn chưa có chủ. Đông Nam Á và Ấn Độ dường như đang là trọng tâm hàng đầu của Alibaba ngoài thị trường Trung Quốc.

Baidu, Alibaba và Tencent.

Trong khi Amazon ý thức rõ về tiềm năng tăng trưởng của châu Á và đã đẩy mạnh sự hiện diện khắp khu vực này thì Alibaba cũng không hề chậm chân. Việc đầu tư mạnh hơn vào Lazada, công ty thương mại điện tử dẫn đầu tại Đông Nam Á, sẽ giúp Alibaba xây dựng chỗ đứng. Tại Ấn Độ, Alibaba khởi đầu bằng thanh toán kỹ thuật số và từ đó đầu tư mạnh vào thương mại điện tử. Hai trọng tâm song hành là thanh toán kỹ thuật số và thương mại điện tử sẽ giúp Alibaba chinh phục cả khách hàng và các thương hiệu.

Tencent luôn theo đuổi chiến lược mở cửa hợp tác, họ bắc cầu để khách hàng từ WeChat tiếp cận với các ứng dụng gọi taxi, đặt trước khi đi du lịch và các ứng dụng khác. Cùng lúc, họ cũng có nhiều vụ thâu tóm và đầu tư khôn khéo nhằm có chỗ đứng để bước vào thị trường phương Tây trong dài hạn. Trong số các thương vụ của Tencent, có thể kể khoản đầu tư 1,8 tỉ USD (5% cổ phần) vào Tesla, đầu tư vào công ty trò chơi trực tuyến Supercell và dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify. Tính năng mới xuất hiện “mini-program” của WeChat cho phép người dùng ứng dụng này dễ dàng tiếp cận dịch vụ từ các công ty khác – một động thái cho thấy Tencent sẽ khai triển những thương vụ hợp tác xa hơn nữa và lôi kéo đối tượng người dùng toàn cầu đến với họ.

Trong khi đó, Baidu tập trung nhiều hơn vào công nghệ AI, dữ liệu lớn và dịch vụ điện toán đám mây. Chiến lược đó đặt họ vào vị trí cạnh tranh trực tiếp với Amazon – tập đoàn này đang đẩy mạnh phát triển “Amazon Business Services” tại Bắc Mỹ và châu Âu mà trọng tâm cũng là dịch vụ điện toán đám mây.

Mới đây, Baidu công bố hợp tác với Xiaomi để khẳng định vị trí của họ trong cuộc chơi IoT (Internet kết nối vạn vật). Đây được xem là sự đáp trả của người Trung Quốc đối với Google, cũng như sẽ làm cho cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt. Khi các công ty thương mại điện tử và đại lý du lịch trực tuyến phát triển có nghĩa là người dùng không còn trực tiếp sử dụng các công cụ tìm kiếm mỗi khi mua sắm hoặc lên kế hoạch đi nghỉ. Như thế, doanh số của các công cụ này sẽ bị bào mòn, cho nên, sự đa dạng hóa là điều bắt buộc. Bắt tay với Xiaomi sẽ giúp Baidu có được sản phẩm mạnh hơn trong lĩnh vực IoT và AI, cũng như đặt họ vào vị trí cạnh tranh trực tiếp với Google và Amazon.

Môi trường kinh doanh năng động ở Trung Quốc đã giúp bộ ba BAT tăng trưởng, nhưng hoạt động chỉ ở một thị trường cũng có những giới hạn và bộ ba này đang phát triển ra bên ngoài. Các lĩnh vực kinh doanh của họ song hành với Google, Facebook và Amazon mà không có nhiều nguy cơ “bị phản công”. Họ đang tiến hành những vụ sáp nhập quan trọng và một khi những ông lớn Trung Quốc hợp lực với các tên tuổi khác để cạnh tranh thì đó là nguy cơ thật sự đối với phương Tây.

Phối hợp nguồn lực là điều chưa xảy ra đối với những người khổng lồ internet phương Tây. Sự thật là Amazon và Google không thể làm việc cùng nhau – cụ thể là Google đã rút YouTube khỏi các thiết bị của Amazon. Trong khi đó, bộ ba BAT lại ngày càng cởi mở hơn trong việc hợp tác với các công ty khác, và như thế, cũng dễ thách thức hiện trạng của thị trường phương Tây hơn.

Sỹ Anh / Campaign Asia
Nguồn Doanh Nhan+