Bánh kẹo, đồ uống vào mùa kinh doanh Tết

Bánh, mứt, bia, nước giải khát không thể thiếu trong ngày Tết, do đó năm nay có sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, thế mạnh đang thuộc về các thương hiệu Việt Nam.

Thị trường bắt đầu sôi động

Thị trường bánh kẹo Tết năm nay được đánh giá sẽ sôi động hơn khi có nhiều loại bánh kẹo nhập khẩu tư Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Giá sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN tương đương với sản phẩm ở phân khúc trung bình của doanh nghiệp Việt Nam nhưng khách hàng có xu hướng chọn bánh ngoại vì mẫu mã bắt mắt, hấp dẫn. Hiện tại, các loại bánh kẹo Tết đã được bày bán khắp các siêu thị, cửa hàng.

Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, dịp Tết Mậu Tuất, Thành phố cần khoảng 18.000 tấn bánh, kẹo, mứt các loại. Đáp ứng nhu cầu đó, Công ty Bibica dự kiến đưa ra thị trường 2.500 tấn bánh kẹo, tăng 15% so với năm trước. Có đến 56 loại bánh kẹo được Bibica giới thiệu trong mùa Tết này. Điểm nhấn trong nhóm hàng Tết của Bibica là dòng bánh Goody cao cấp cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại.

Bánh kẹo Tết được trưng bày bắt mắt tại các siêu thị. Ảnh: X. Thảo.

Ngoài bánh Goody và Goody Gold đã được ra mắt năm trước, năm nay Bibica cho ra đời bánh Goody Classic. Công ty cũng thay đổi bao bì với thiết kế dập nổi độc đáo, hoa văn bắt mắt, thích hợp làm quà biếu. Bibica còn sản xuất các dòng bánh kẹo Tết truyền thống như hộp quà Tết đoàn viên, bánh Lạc Việt, Thuận buồm xuôi gió, Mã đáo thành công, kẹo Phát tài hình thỏi vàng.

Đón đầu nhu cầu mua sắm Tết, Công ty Mondelez Kinh Đô đã giới thiệu nhiều loại bánh mới từ phổ thông đến cao cấp. Ông Stephane Gripon - TGĐ Công ty Mondelez Kinh Đô chia sẻ, Tết Nguyên đán là mùa kinh doanh cao điểm của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong đó có các loại bánh quy và bánh ngọt. Vì vậy, Công ty sẽ đẩy mạnh chiến dịch quảng bá tập trung vào nhóm hàng truyền thống.

Bia khó tăng giá

Theo dự báo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhu cầu tiêu thụ trong mùa Tết khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát. Ông Nguyễn Đặng Hiến - TGĐ Công ty Bidrico cho biết, năm nay, Công ty chuẩn bị lượng hàng Tết tăng 16% so với năm trước cùng với việc tăng cường phát triển thị trường miền Trung và miền Bắc. Có nhiều loại nước giải khát mới như chanh muối, nha đam đường phèn, nước trái cây, nước yến ngân nhĩ, yến sào có giá phù hợp với đa số người tiêu dùng được Công ty giới thiệu trong dịp này.

Theo dự báo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ trong mùa Tết khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát.

Dẫn nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, ông Stephane Gripon cho rằng thị trường quà tặng đóng góp đến 40% doanh thu mảng bánh quy và bánh mềm ở thị trường thành thị, nhiều nhất là tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và 51% doanh thu mảng bánh quy và bánh mềm ở thị trường nông thôn. "Các sản phẩm của chúng tôi luôn nằm trong danh sách mặt hàng được ưu tiên của các cửa hàng bán lẻ trong dịp Tết", Stephane Gripon cho biết.

Ở nhóm hàng bia, đón đầu mùa Tết, các thương hiệu lớn đều tăng cường sản xuất và ra mắt sản phẩm với bao bì mới. Không đưa ra con số cụ thể nhưng đại diện Công ty Heineken Việt Nam cho biết, sản lượng bia mùa Tết năm nay tăng 20% so với năm ngoái.

Bia là mặt hàng thường tăng giá vào dịp Tết, nhưng theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA, do hàng tồn kho lớn nên Tết năm nay sẽ khó có tình trạng khan hàng. Theo số liệu của VBA, trong 8 tháng của năm 2017, tỷ lệ tồn kho của ngành này tăng đến 62% so với năm 2016.

Chia sẻ tại tọa đàm về thị trường đồ uống Việt Nam cuối tháng 11/2017, ông Nguyễn Văn Việt dự báo, năm 2018, tăng trưởng của ngành này sẽ không đáng kể so với những năm trước đó, do ảnh hưởng bởi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng liên tục trong thời gian qua. Năm 2015, mức thuế này là 55%, đã tăng lên 60% trong năm 2017 và có thể sẽ lên 65% trong năm 2018.

Bia là mặt hàng thường tăng giá vào dịp Tết, nhưng do hàng tồn kho lớn nên Tết năm nay sẽ khó có tình trạng khan hàng. Ảnh: Zing.

Mặc dù đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa thương hiệu trong nước với nước ngoài, nhưng theo ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, xét về thị phần, các doanh nghiệp nội địa vẫn chiếm ưu thế trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ lần lượt là 79% và 45%.

"Người tiêu dùng hiện nay đối diện với nhiều sự chọn lựa sản phẩm hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp đa quốc gia đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nội địa trên nhiều phương diện như chất lượng, giá cả cạnh tranh, chiến lược marketing tập trung đến các phân phúc khách hàng mục tiêu cụ thể”, ông Nguyễn Anh Dũng khẳng định.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay các doanh nghiệp nội địa đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng ngày càng được cải tiến cùng với mức giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống phân phối rộng khắp, sản phẩm của doanh nghiệp nội luôn sẵn sàng để tiếp cận người tiêu dùng không chỉ ở thành phố mà còn ở vùng sâu, vùng xa.

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn