Làm thế nào để rèn luyện sự sáng tạo cho não bộ của bạn?

Để phát triển khả năng sáng tạo, nâng cao năng suất làm việc thì bạn cần phải tuân thủ thời gian biểu, thay đổi công việc mang tính sáng tạo với công việc logic nhàm chán thông thường.

Sự nghiệp của bất cứ ai trong chúng ta đều không thể phát triển được nếu thiếu đi những ý tưởng sáng tạo. Một ví dụ đơn giản nhất chính là Steve Jobs, nếu không có sự sáng tạo tuyệt vời của người đàn ông này thì có lẽ chúng ta sẽ còn phải rất lâu nữa mới được tiếp xúc với dòng điện thoại tuyệt vời cả về kiểu dáng lẫn hiệu năng này.

Như vậy, có thể thấy rằng sự sáng tạo chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của bất cứ ai và phương pháp cải thiện sự sáng tạo cho chính chúng ta cũng đã được thử nghiệm trong một nghiên cứu của Đại Học Columbia. Trong cược thử nghiệm này, các ứng viên đã được yêu cầu lựa chọn giữa hai phương pháp, một là họ sẽ thay phiên làm những công việc mang tính chất logic nhàm chán, xen kẽ với các công việc mang tính chất sáng tạo với nhau theo một lịch trình đặt sẵn. Cách thứ hai là họ sẽ được tự quyết định lịch trình này, tức là họ có thể tự lựa chọn khi nào thì làm việc mang tính logic, khi nào thì làm việc mang tính sáng tạo.

Sau thí nghiệm này thì đa số các ứng viên đều cho rằng mình thích cách làm việc theo cách thứ 2, tự quyết định thời gian nào dành cho việc sáng tạo hơn là bị chi phối bởi một lịch trình của người khác đặt cho họ như cách đầu tiên. Vậy nhưng kết quả của thí nghiệm thì ngược lại, những người thích làm việc theo ý thích lại không thể làm việc hiệu quả bằng những người tuân thủ lịch trình chuyển đổi giữa công việc bình thường và công việc mang tính sáng tạo.

Mấu chốt ở đây theo các chuyên gia đó là bản thân mỗi người chúng ta luôn tự cho rằng mình biết được lúc nào thì nên nghỉ ngơi, chuyển sang làm những công việc mang tính sáng tạo. Thực tế thì để phát triển khả năng sáng tạo, nâng cao năng suất làm việc thì bạn cần phải tuân thủ thời gian biểu, thay đổi công việc mang tính sáng tạo với công việc logic nhàm chán thông thường.

Ngoài ra thì nghiên cứu trên cũng đã chỉ ra được 3 phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng sáng tạo của bản thân dưới đây:

Giảm sự căng thẳng

Trong khi làm việc, nếu bạn cảm thấy rằng bản thân mình làm việc kém hiệu quả, khả năng sáng tạo đang bị hạn chế thì rất có thể là bạn đang bị stress. Theo một chuyên gia cho biết thì: "Khi cơ thể chúng ta bị stress, sẽ có một loại hormones được tiết ra, gây ảnh hưởng tới những vùng mang khả năng sáng tạo trong não bộ, gây ra sự trì hoãn trong việc sáng tạo và cũng đồng thời làm giảm hiệu năng làm việc của chúng ta".

Trong một bài viết trên trang Goalcast, tác giả Matt Valentine cũng đã chia sẻ một bằng chứng từ chính trường hợp của mẹ ông, một người có vấn đề trong việc điều chỉnh stress và việc này gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh thời trang dành cho phụ nữ trị giá hàng triệu USD của bà. Stress thực sự đã gây thiệt hại rất lớn cho một người làm trong nghành thời trang, nơi đặc biệt cần tới sự sáng tạo như mẹ của tác giả bài viết.

Nếu bạn cảm thấy rằng bản thân mình làm việc kém hiệu quả, khả năng sáng tạo đang bị hạn chế thì rất có thể là bạn đang bị stress.

"Việc trở thành chủ, người phải theo dõi những báo cáo tài chính, quản lý quỹ của công ty thực sự đã giết chết sự sáng tạo của bà ấy". Valentine cho biết: "Khi mọi công việc về tài chính được hoàn thành và mọi chuyện trở nên suôn sẻ hơn, bà ấy lại có thể thiết kế ra những mẫu thời trang mới. Còn khi đang vướng bận với những việc nhàm chán như trên thì bà ấy không thể nghĩ ra được cái gì mới cả".

Khi đã dấn thân vào công việc kinh doanh thì những sự căng thẳng, áp lực là không thể tránh khỏi. Do đó hãy tránh làm những công việc đòi hỏi tính sáng tạo mỗi khi bạn bị Stress.

Tạo sự phấn khích cho bản thân

Phương pháp cải thiện sự sáng tạo tiếp theo mà bạn nên thực hiện đó là tạo ra sự phấn khích cho bản thân mình.

Adrenaline là một chất được tiết ra khi cơ thể chúng ta bị lâm vào trạng thái căng thẳng tột độ như khi bị lâm vào tình huống nguy hiểm hay khi chơi các trò chơi mạo hiểm. Tất nhiên như đã nói ở trên thì sự căng thẳng là không tốt cho quá trình sáng tạo nhưng bản thân chất adrenaline tiết ra khi cơ thể căng thẳng tột độ lại là thứ giúp phát triển sự sáng tạo của bản thân.

Bạn có thể thử theo đuổi những môn thể thao mang tính chất đột phá, mạo hiểm hơn so với bình thường như tập lướt sóng, Parkour, tập võ… Những môn thể thao này sẽ giúp bạn lấy lại được năng lượng cho bản thân, giải phóng sự căng thẳng để sẵn sàng quay trở lại với công việc hàng ngày.

Tác giả Brent Rose của trang Gizmodo đã cho biết rằng: "Đa phần chúng ta ai cũng trải qua sự căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày nhưng chúng ta chỉ để chúng tính tụ ở đó, việc ngồi yên làm việc trên ghế của bạn sẽ không giúp đốt cháy sự căng thằng này mà chúng chỉ có thể được giải phóng nhanh nhất thông qua các môn thể thao mang tính chất mạo hiểm."

Như vậy, tạo ra sự phấn khích cho bản thân thông qua những môn thể thao mang tính chất mạo hiểm cũng là một cách để giải tỏa sự căng thẳng và giúp cơ thể bạn sẵn sàng hơn cho những công việc đòi hỏi sự sáng tạo.

Luôn thử những thứ mới mẻ

Khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống cũng là cách giúp kích thích sự sáng tạo cho bản thân bên cạnh phương pháp giảm stress ở trên. Thử những hoạt động mới trong cuộc sống sẽ giúp kích thích Trí Thông Minh Mềm, là khả năng giải quyết những vấn đề mới khi mà kinh nghiệm sống và kiến thức vốn có không giúp gì được bạn.

Trí Thông Minh Mềm được cải thiện đồng nghĩa với việc khả năng sáng tạo của bạn được gia tăng. Và bạn có thể rèn luyện trí thông minh mềm của bản thân bằng cách mạnh dạn thử những điều mới trong cuộc sống của mình.

Thomas Oppong, một tác giả chuyên về sức khỏe của trang Medium cho biết: "Bất cứ khi nào bạn học được một điều gì đó mới mẻ, tham gia một hoạt động mới, hoặc nghĩ ra một ý tưởng nào đó, não bộ của bạn sẽ tự ghi nhớ lại cách mà bản thân bạn phản ứng với những vấn đề mới mẻ. Những thứ quen thuộc, khiến bạn cảm thấy thoải mái nhưng cũng sẽ không thực sự tốt cho việc phát triển trí não của bạn. Nếu bạn không bao giờ chấp nhận sự thử thách thì bạn sẽ chẳng bao giờ thay đổi được bản thân mình".

Thế Anh
Nguồn Nhip sống kinh tế