Mai Linh lấy xe ôm dìu taxi

Học hỏi cách làm của đối thủ cũng là cách hiệu quả để cạnh tranh. Hãng taxi Mai Linh đã giới thiệu dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike.

Đây có thể xem là hành động kịp thời khi mở rộng thêm mảng kinh doanh hấp dẫn hơn. Nhưng là người đến sau, Mai Linh sẽ có chiến lược gì để cạnh tranh trên một thị trường mà Grab, Uber đang làm mưa làm gió?

Cuộc chiến giá

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh, cho biết Tập đoàn đã chuẩn bị cho đứa con tinh thần Mai Linh Bike cách đây khoảng 2 năm nhằm hoàn thiện cả về quy trình vận hành và công nghệ. “Nếu nói ra đời sau là thua thiệt cũng không hẳn. Bởi Mai Linh Bike có thể học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước: tiếp thu cái hay, khắc phục cái dở, lường trước được các vấn đề phát sinh”, ông Huy chia sẻ.

Thực tế, Mai Linh cũng có thế mạnh riêng. Đó là độ nhận diện thương hiệu khá tốt nhờ hệ thống trải rộng trên khắp cả nước (54/63 tỉnh thành) hay khả năng am hiểu sâu thị trường bản địa. Bên cạnh các mảng kinh doanh hiện thời, chuỗi hoạt động của hãng taxi này dự kiến được mở rộng hơn với dịch vụ gọi xe cao cấp và giao nhận hàng hóa bằng xe máy - phân khúc có nhiều đất phát triển để phục vụ cho nhu cầu thương mại điện tử đang bùng nổ với sự tham gia của nhiều “ông lớn” nước ngoài như Lazada, JD.com hay sắp tới đây có thể là sự góp mặt của người khổng lồ Amazon.

Hiện số lượng đối tác đăng ký tham gia dịch vụ xe máy Mai Linh Bike được Tập đoàn công bố đã lên tới gần 10.000. Mai Linh sẽ áp dụng mức chiết khấu 15% cho các bác tài, thấp hơn so với mức 20-25% của Uber hay Grab. “Đối tác Mai Linh Bike sẽ được hưởng 85% và Mai Linh khẳng định sẽ áp dụng chính sách này về lâu dài. Trong 2 tháng đầu, đối tác sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận”, ông Huy nói.

Với khách hàng, Mai Linh áp dụng chính sách giá cước được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ngang bằng và thấp hơn các đối thủ. Ví dụ, đối với dịch vụ xe thông thường, mức giá cước được Mai Linh áp dụng là 11.000 đồng cho 2 km đầu tiên và chỉ 3.700 đồng cho các km tiếp theo. “Chúng tôi cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Đó là sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ khác”, ông Hồ Huy chia sẻ.

Dù vậy, áp lực cạnh tranh dành cho Mai Linh Bike không hề nhỏ, nhất là khi so sánh với hai đối thủ Grab và Uber có tiềm lực tài chính hùng hậu. Thừa nhận thách thức này, ông Hồ Huy cho rằng các hãng xe công nghệ khác đã hoạt động khá lâu nên lượng khách hàng và đối tác chắc chắn nhiều hơn Mai Linh Bike. Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài này chấp nhận tốn kém để đưa ra các chương trình ưu đãi thu hút khách hàng nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn nhất. Bởi vậy, không loại trừ khả năng sau khi chiếm được thị trường thì họ sẽ bắt đầu giảm khuyến mãi và tăng giá cước.

Nhìn chung, để giành phần thắng, bên cạnh chuẩn bị cuộc chiến khốc liệt về giá, Mai Linh sẽ buộc phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và nhất là nhanh chóng mở rộng quy mô đầu xe để chiếm ưu thế về thị phần. Đây là thách thức không nhỏ. “Còn quá sớm để nói đến thành công của dịch vụ Mai Linh Bike, nhưng Mai Linh đang làm hết sức mình”, ông Huy nói.

Trong khi đó, nhận xét về động thái mới của Mai Linh, ông Trần Bằng Việt, Tổng Giám đốc Đông A Solutions và cựu Tổng Giám đốc Mai linh, chia sẻ trên The Leader.vn: “Họ không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ nếu muốn tồn tại. Còn việc thêm dịch vụ xe ôm thì không tăng thêm chi phí, nhưng lại làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng. Tôi nghĩ họ làm như thế là hợp lý. Dĩ nhiên, sẽ còn cần theo dõi thêm quá trình triển khai như thế nào”.

Hiện số lượng đối tác đăng ký tham gia dịch vụ xe máy Mai Linh Bike được Tập đoàn công bố đã lên tới gần 10.000.

Chiến lược bó đũa

Việc cho ra đời mảng vận tải bằng xe máy Mai Linh Bike nằm trong đề án tái cơ cấu của tập đoàn 25 tuổi này. Tính đến năm 2016, Mai Linh vẫn còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 803 tỉ đồng do cú sốc giai đoạn 2011-2013 để lại. Dù vậy, trong 3 năm gần nhất, Tập đoàn đều có lãi khi được các tổ chức tín dụng hỗ trợ tái cơ cấu nợ vay. Tình hình tài chính được kỳ vọng sẽ tốt dần lên trong các năm tới khi Tập đoàn đã dành hẳn 1 năm qua để tái cấu trúc, hợp nhất các thành viên nhằm tạo sức mạnh lớn hơn.

Theo đó, Tập đoàn đang hoàn thành các bước cuối cùng để hợp nhất 2 doanh nghiệp là Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung bằng phương pháp hoán đổi cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ sau khi M&A sẽ tăng 70% lên 1.728 tỉ đồng, giúp gia tăng năng lực tài chính và tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn. “Thực hiện hợp nhất sáp nhập các đơn vị chi nhánh ở cả ba miền thành một Mai Linh để đồng bộ hóa quản lý và chất lượng dịch vụ, cắt bỏ bộ máy trung gian, tiết giảm chi phí. Mai Linh cũng đang áp dụng công nghệ vào hoạt động điều hành taxi, triển khai ứng dụng taxi Mai Linh trên tất cả 54 tỉnh thành của Việt Nam mà Mai Linh có mặt”, ông Hồ Huy chia sẻ.

Bên cạnh gia tăng chất lượng dịch vụ cho các mảng kinh doanh Mai Linh Taxi, Mai Linh Bus và Mai Linh Bike, Tập đoàn sẽ lần đầu tiên tham gia mảng kinh doanh phụ trợ là cung cấp thiết bị, phụ tùng và bảo dưỡng sửa chữa xe. “Các dịch vụ tiện ích này được kỳ vọng sẽ tương tác và hỗ trợ tốt nhất cho việc phát triển các loại hình dịch vụ vận tải mà Mai Linh đang triển khai”, ông Huy nói.

Theo kế hoạch, doanh thu trong 3 năm tới sẽ tăng trưởng khoảng 10%, lợi nhuận ròng tăng 15%. Riêng năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn sẽ tăng gấp đôi lên 6.163 tỉ đồng và ghi nhận 120 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Mai Linh đặt kế hoạch chia cổ tức ở mức 5-6%/năm trong các năm tới.

Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư