Cuộc đua song mã trên thị trường đặt phòng trực tuyến

Cạnh tranh trên thị trường đặt phòng ngày càng nóng nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đua song mã giữa hai tập đoàn của Mỹ là Priceline và Expedia.

Tập đoàn Priceline đang sở hữu các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Booking.com, Priceline.com, Agoda.com, Kayak.com..., trong khi đó, danh mục tài sản của tập đoàn Expedia bao gồm Expedia.com, Hotels.com, Hotwire.com, HomeAway.com...

Expedia chiếm lĩnh thị phần đặt phòng ở Mỹ, còn Priceline chiếm lĩnh thị trường châu Á và châu Âu.

Các trang web của Priceline sử dụng khoảng 40 ngôn ngữ và hoạt động ở 200 nước. Trong năm 2016, có 88% lượt đặt phòng của Priceline đến từ bên ngoài nước Mỹ, chủ yếu thông qua Booking.com.

Các trang web của Expedia sử dụng 35 ngôn ngữ và hoạt động ở 75 nước. Xét về quy mô hoạt động lẫn doanh thu, Priceline đều lớn hơn Expedia. Năm ngoái, doanh thu Priceline đạt 10,7 tỉ đô la Mỹ, trong khi, Expedia là 8,7 tỉ đô la.

Thị trường đặt phòng trực tuyến đang nằm dưới sự thống lĩnh của hai ông lớn Expedia và Priceline. Ảnh minh họa: Skift.com.

Cả hai ông lớn này đang chiếm khoảng 2/3 thị trường du lịch trực tuyến toàn cầu bao gồm đặt phòng, đặt tour, đặt vé máy bay... Tuy nhiên, để chiếm thị phần lớn như vậy, hai tập đàon này cũng chấp nhận chi một số tiền lớn để làm truyền thông, tiếp thị. Đơn cử, trong năm 2016, Expedia đã chi 4,3 tỉ đô la cho các chiến dịch quảng cáo, còn Priceline là 3,5 tỉ đô la.

Tiếp tục mở rộng

Tại Trung Quốc, công ty lữ hành trực tuyến eLong sau nhiều quí bị thua lỗ, do đó, Expedia đã bán 62,4% cổ phần của mình tại đây cho các đối tác với giá 671 triệu đô la Mỹ để chuyển hướng sang ASEAN.

Tháng 7-2017, Expedia đầu tư 350 triệu đô la Mỹ để có cổ phần của công ty dịch vụ lữ hành trực tuyến lớn nhất Indonesia là Traveloka. Ngoài Indonesia, Traveloka cũng có mặt tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam.

Mark Okerstrom, Giám đốc điều hành Expedia cho biết, năm 2018, Expedia sẽ tập trung vào trải nghiệm của khách hàng và đào sâu khai thác ở các thị đang có mặt thay vì mở rộng ra các thị trường mới.

Trong khi, Expedia tạm bỏ thị trường Trung Quốc thì Priceline lại xem Trung Quốc một thị trường cần khai thác. Vì thế, vào tháng 10, Priceline rót 450 triệu đô la vào Meituan-Dianping (Trung Quốc). Meituan-Dianping đang có 260 triệu khách hàng. Việc hợp tác này, Priceline có cơ hội giành thị phần đặt phòng ở các thành phố nhỏ ở Trung Quốc, nơi Priceline không có thế mạnh ở phân khúc này.

Ảnh: Wanderlust Travel Magazine.

Cuộc chiến vừa là bạn, vừa là thù

Theo công ty nghiên cứu thị trường du lịch Phocuswright, các suất đặt phòng từ các hãng lữ hành trực tuyến mang về doanh thu 99 tỉ đô la cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú trên toàn cầu vào năm 2016.

Tuy nhiên, các trang web đặt phòng trực tuyến đang thu hoa hồng lên đến 30% cho mỗi lệnh đặt chỗ, nhiều chuỗi khách sạn lớn không còn xem những công ty đặt phòng trực tuyến là đối tác kinh doanh nhiều giá trị nữa và ngày càng cảm thấy các trang web này như là người gác cổng giữa họ và khách hàng.

Vì thế, các chuỗi khách sạn như Marriott International, Hilton, InterContinental Hotels đang tung ra các chiến dịch tiếp thị, đưa ra các mức giá phòng rẻ hơn và các ưu đãi khác cho các khách hàng trung thành để thu hút họ đặt phòng trực tiếp thông qua các trang web của các khách sạn này.

Bên cạnh đó, một số chuỗi khách sạn còn có những chiêu thức hút khách khác nhau nhưng chuỗi khách sạn Hilton còn cho phép khách hàng sử dụng điểm thưởng để mua hàng từ Amazon. Còn Choice Hotels (Mỹ) cho phép khách hàng đổi điểm thưởng lấy thẻ quà tặng của Starbucks hay Amazon.

Các suất đặt phòng từ các hãng lữ hành trực tuyến mang về doanh thu 99 tỉ đô la cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú trên toàn cầu vào năm 2016.

Những dẫn chứng trên cho thấy, đang có một cuộc chiến trong mối quan hệ “vừa bạn vừa thù” giữa các hãng lữ hành trực tuyến và các chuỗi khách sạn.

Tuy vậy, các chuỗi khách sạn vẫn phải dựa vào các trang web đặt phòng trực tuyến vì đây là sự lựa chọn yêu thích của du khách khi họ lên kế hoạch cho một chuyến đi. Ngoài ra, các khách sạn nhỏ, ít tiếng tăm, rất cần đến các trang web đặt phòng để thu hút khách.

Một cuộc khảo sát của công ty dữ liệu du lịch Adara cho thấy, có đến 52% du khách Mỹ ở độ tuổi 18-34 thích đặt phòng khách sạn qua các trang web tìm kiếm phòng hơn là trang web của các khách sạn.

Các du khách trẻ không hào hứng lắm với các chương trình ưu đãi của các chuỗi khách sạn đối với khách hàng trung thành. Họ thích các dịch vụ đặt phòng bên thứ ba hơn vì những trang này đã cung cấp một loạt những sự lựa chọn, đồng thời cho phép khách hàng có thể đặt mua thêm cả vé máy bay lẫn thuê xe.

Chánh Tài
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn