Uber-MoMo: Kỳ lân gặp fintech

Hợp tác giữa Uber và MoMo mở ra nền tảng hỗ trợ trải nghiệm giao thông thuận tiện, đồng thời thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam.

Một bước tiến lớn cho các doanh nghiệp startup Việt Nam được đánh dấu bằng buổi ký kết hợp tác chiến lược giữa Uber và MoMo trong ngày 29.11 vừa qua. MoMo, fintech đang dẫn đầu thị trường nội địa, đã chính thức trở thành ví điện tử đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ hai trên thế giới thanh toán qua nền tảng của người khổng lồ Uber.

Đây là thỏa thuận hợp tác sử dụng ví điện tử đầu tiên của Uber ở Đông Nam Á, nơi có dân số hơn 650 triệu người, là khu vực đông dân cư thứ ba của thế giới. Động thái này có thể giúp Uber bắt kịp đối thủ cũng có dịch vụ ví điện tử riêng. Uber và MoMo cho biết trong tuyên bố chung: “Việt Nam là một trong các thị trường châu Á tăng trưởng nhanh nhất của Uber.

5 triệu người dùng MoMo dùng ví điện tử để thanh toán hóa đơn điện nước, mua các loại vé phục vụ cho việc đi lại và hàng trăm dịch vụ khác”. “Quan hệ hợp tác cùng Uber sẽ mở ra trải nghiệm giao thông thuận tiện và thanh toán không dùng tiền mặt cho nhiều người Việt không có thẻ tín dụng”, ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc điều hành của MoMo, cho hay.

Lễ ký kết chiến lược MoMo và Uber.

Từ đây, hành khách Uber có thể thanh toán tiền đi xe bằng ví điện tử MoMo. Vốn có quy mô và đối tượng khách hàng khá riêng biệt, hợp tác chiến lược tạo cơ hội cho cả hai startup chia sẻ lượng khách hàng cho nhau.

Người dùng MoMo có thể đặt các chuyến xe Uber trực tiếp ngay trên ứng dụng MoMo. Đồng thời, hàng triệu khách hàng Uber có thêm hình thức thanh toán mới là MoMo được tích hợp sẵn trên ứng dụng Uber, cùng với phương thức thanh toán truyền thống bằng thẻ và tiền mặt. MoMo và Uber đã bắt tay nhau cùng xây dựng nền tảng công nghệ cho sự kết hợp này từ 18 tháng trước. Dự kiến, tất cả các người dùng Uber trên hệ điều hành Android và toàn bộ 5 triệu người dùng của MoMo, trên cả iOS và Android, sẽ có thể sử dụng tính năng này từ ngày 1.1.2018.

Uber củng cố tiềm lực

Được gọi là “kỳ lân” trong giới startup công nghệ, Uber hiện có hơn 65 triệu người dùng đang hoạt động mỗi tháng và hơn 2 triệu tài xế đối tác trên toàn thế giới. Công ty này đã hiện diện trên hơn 600 thành phố tại 78 quốc gia và thực hiện trung bình 10 triệu chuyến đi mỗi ngày. Uber đang tạo ra cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn ngành dịch vụ vận tải hành khách trên thế giới.

Uber là ứng dụng gọi xe đầu tiên xuất hiện ở nhiều nước châu Á và đã có mặt tại Việt Nam từ giữa năm 2014 khi người dân vẫn còn lạ lẫm với khái niệm chia sẻ xe. Trước khi chính thức ra mắt tại Việt Nam, Uber đã cẩn thận nghiên cứu thị trường và nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng để áp dụng mô hình mới này. Người Việt rất cởi mở với những dịch vụ mới, có đóng góp tích cực và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống của họ.

Là một công ty về công nghệ, Uber không sở hữu xe hay thuê mướn lái xe, nhưng lại giúp khách hàng kết nối với phương tiện trống thông qua phần mềm gọi xe của mình. Lái xe được thêm một khoản thu nhập, còn khách hàng lại được trải nghiệm một chuyến đi tiện lợi với giá cả phải chăng hơn.

Có thể nói, Uber hay mô hình chia sẻ xe đang tạo nên một cuộc cách mạng trong phương thức di chuyển trong đô thị và tối ưu các nguồn tài nguyên kinh tế. Thay đổi thì thường không dễ dàng, nhưng chúng đang diễn ra mỗi ngày và ở khắp mọi nơi để góp phần đưa cuộc sống ngày một tiến bộ hơn. Mô hình vận hành của Uber mang tới một cách thức di chuyển an toàn, tin cậy và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người và cùng lúc tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, giúp kinh tế phát triển tốt hơn và thành phố trở nên thông minh hơn.

Và tiến bộ thì không chỉ dừng lại ở đó, chính sự cải tiến không ngừng trong việc mang tới những trải nghiệm tốt hơn, tiện lợi hơn cho người dùng đang chứng minh sự đầu tư nghiêm túc của ông lớn này tại thị trường Việt Nam. Ban đầu, startup công nghệ từ Mỹ này mang cả các đặc tính của một thị trường tài chính đã phát triển như tại Mỹ và châu Âu, khi đại bộ phận dân số đều có thẻ tín dụng, áp lên một thị trường tài chính còn sơ khai của nhiều nước châu Á, hay chính xác hơn là các nước Đông Nam Á. Chiến lược khai sáng thị trường này rất thành công trong việc tạo ấn tượng và đẳng cấp thương hiệu, mặc dù chỉ với một bộ phận nhỏ trong dân số.

Sau đó, Uber bắt đầu thử nghiệm cho thanh toán bằng tiền mặt trên 70% khách hàng từ tháng 9.2015 và chính thức cho thanh toán bằng tiền mặt đối với tất cả các khách hàng vào tháng 3.2016. Thấu hiểu văn hóa tiền mặt và thói quen sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến tại Việt Nam, Uber đã gia tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc mở rộng hình thức thanh toán sang cả tiền mặt lẫn thẻ tín dụng tại một trong những thị trường trọng điểm trong khu vực.

Bước sang năm thứ ba hoạt động tại đây, Uber một lần nữa đánh dấu mốc quan trọng trong việc hợp tác với công ty fintech hàng đầu Việt Nam để đem đến giải pháp thanh toán qua ví điện tử. Đây là một bước đi khôn ngoan và sáng suốt khi Việt Nam đang hướng tới một xã hội không tiền mặt và định hướng xây dựng một quốc gia thông minh, kết nối toàn diện.

Việt Nam đang có sẵn các yếu tố quan trọng là nền tảng cho cuộc cách mạng kỹ thuật số với 53% dân số sử dụng internet xếp thứ 15 trên thế giới; 50 triệu người sử dụng điện thoại thông minh đến cuối năm 2017. Vì vậy, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á Uber triển khai hình thức thanh toán mới này.

Ông Brooks Entwistle, Tổng Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Uber Technologies, khẳng định: “Châu Á sở hữu một hệ sinh thái thanh toán độc đáo, Uber sẵn sàng thích nghi để dịch vụ của chúng tôi đáp ứng được mong muốn của khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc đa dạng hóa các phương thức thanh toán, bao gồm tích hợp các loại ví”.

Momo hoàn thiện hệ sinh thái để dẫn đầu

Một câu chuyện khác đã diễn ra theo hướng ngược lại với câu chuyện của Uber tại châu Á, các startup lại biến văn hóa sử dụng tiền mặt thành ý tưởng để xây dựng nền tảng cho công nghệ của họ chứ không phải là rào cản trong văn hóa kinh doanh. Đó chính là các công ty thanh toán trên di động như MoMo.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Điều hành MoMo, ý tưởng của MoMo được xây dựng trên mong muốn giúp các tiểu thương buôn bán nhỏ Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ tài chính, thanh toán và thay đổi cuộc sống của họ. Người sáng lập MoMo là bà Nguyễn Minh Hiền đã nảy ra ý tưởng này khi nhìn thấy mô hình như thế đang rất thành công ở Bangladesh.

Với ý tưởng xuất phát bình dị và rất gần gũi với đại bộ phận dân số của các nước đang phát triển như Việt Nam, sự tăng trưởng ấn tượng của ví điện tử này trong những năm gần đây là minh chứng cho sự thấu hiểu và chia sẻ cùng khách hàng của họ. Đây cũng chính là những điều mà người khổng lồ phương Tây Uber đã nhận ra khi tiếp cận thị trường châu Á rất tiềm năng.

M_Service được thành lập vào năm 2007 là công ty cung cấp các giải pháp thanh toán trên di động dưới thương hiệu MoMo và được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với hơn 5 triệu khách hàng sử dụng, dẫn đầu trong thị trường ví điện tử tại Việt Nam, MoMo cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng thông qua ứng dụng trên di động với giao diện cực kỳ đơn giản, một chạm khi thanh toán. Hiện nay, MoMo đã cung cấp hơn 500 dịch vụ trên ứng dụng bao gồm: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu hộ, chi hộ và mua sắm thương mại điện tử (mobile commerce).

Là công ty thanh toán di động duy nhất sở hữu hơn 5.000 điểm giao dịch trên toàn quốc cùng việc phủ sóng tới hầu hết các định chế tài chính lớn (gồm 10 ngân hàng, các thẻ thanh toán quốc tế, toàn bộ công ty tài chính tiêu dùng), các công ty bảo hiểm, MoMo “chạm” đến cả những đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, không sở hữu tài khoản ngân hàng hay có tài khoản nhưng chưa từng được sử dụng dịch vụ tài chính.

MoMo đang tập trung vào chiến lược “24/7”. Ví điện tử này đang dốc sức vào việc thỏa mãn các nhu cầu thanh toán cần thiết mỗi ngày của khách hàng, làm sao để người dùng có thể sử dụng MoMo trong việc thanh toán, mua sắm tất cả những dịch vụ cần thiết cho đời sống hằng ngày từ sáng đến tối, từ ăn sáng, uống cà phê, đến di chuyển, mua sắm tại siêu thị hay giải trí…

Đặc biệt, MoMo cũng đang đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ thanh toán phục vụ cho việc đi lại và du lịch, để hoàn tất hệ sinh thái trên ứng dụng của mình. Ví điện tử này đã có các đối tác lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar và Vé Xe Rẻ. Định hướng mở rộng trong mảng này của MoMo là rất rõ ràng sau khi ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MoMo, cho biết MoMo đang nhắm tới khách hàng của khối vận tải và du lịch với tổng doanh thu ước đạt 500.000 tỉ đồng trong năm 2017. Một miếng bánh rất màu mỡ và giàu tiềm năng cho đơn vị ví điện tử đang lên này.

Sau khi ký kết với hãng taxi Vinasun vào giữa tháng 11 vừa qua, MoMo nhanh chóng tuyên bố hợp tác chiến lược cùng ứng dụng chia sẻ chuyến đi Uber. Trong sự áp đảo thị trường của các ứng dụng công nghệ cho kết nối vận tải, đây là một bước tiến đột phá mang tính chiến lược của MoMo, giúp nâng cấp trải nghiệm đi lại, thanh toán cho người dùng.

Hiện nay, ví điện tử vẫn đang phục vụ đối tượng khách hàng có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ: “Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, ví điện tử phải được coi là công cụ phục vụ tài chính toàn diện, giúp cho những khách hàng không có tài khoản ngân hàng có thể nhanh chóng tiếp cận được các dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng và đơn giản qua điện thoại di động”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng cho biết 90% dân số Việt Nam vẫn sử dụng tiền mặt trong giao dịch hằng ngày. Với 5 triệu khách hàng, MoMo đang dẫn đầu trong việc cung cấp giải pháp thanh toán cho 90% dân số còn lại. Việc mở thẻ ngân hàng không còn quá khó khăn, nhưng với việc ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính, tốc độ phát triển sẽ được đẩy mạnh lên gấp nhiều lần trên diện rộng.

Việc hợp tác với MoMo để chạy nước rút kéo lại thị phần mà họ chưa kịp tiếp cận là một bước tiến khá khôn ngoan của Uber. MoMo cũng có một bước đi đầy chiến lược khi bắt tay cùng Uber. Lợi ích đến từ việc nâng tầm thương hiệu của ví điện tử này khi xuất hiện trong ứng dụng của một trong những startup thành công nhất trên thế giới. Điểm cộng bên cạnh đó là mở rộng đến đối tượng khách hàng mới, vốn là khách hàng của Uber. Ngoài ra, ví điện tử này đã có thể tiếp cận và học hỏi về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm được tích lũy từ người cộng tác mang quy mô toàn cầu.

Nền tảng phát triển cho fintech Việt Nam

Ông Nguyễn Toàn Thắng đánh giá cao về sự hợp tác thiết thực giữa Uber và MoMo. Hợp tác này giúp thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số và thanh toán điện tử, góp phần đưa Việt Nam tiến tới một xã hội không tiền mặt, đó cũng là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam vào năm 2020.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một xu hướng mới trên thế giới là kết hợp các ngành nghề liên kết với nhau. Việc hợp tác giữa Uber và MoMo sẽ tạo ra nhiều giá trị cho hệ sinh thái thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Thắng cho biết.

Ông Brooks Entwistle,Tổng Giám đốc Kinh doanh Uber khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng đánh giá cao sự hợp tác và cho rằng đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Uber hợp tác cùng một công ty fintech. Và ông nhấn mạnh rằng sự kết hợp này hứa hẹn sẽ tạo tiền đề cho cả hai công ty cùng phát triển.

“Đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam đã công bố mục tiêu đưa tỉ trọng thanh toán không tiền mặt đạt 90% tổng thanh toán quốc gia vào năm 2020. Uber tự hào khi được hỗ trợ cho mục tiêu chung này. Nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến quan trọng và chúng tôi mong rằng quan hệ hợp tác giữa Uber và MoMo sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong hành trình chuyển đổi sang cách mạng số hóa”, ông Brooks Entwistle nhận định và nhấn mạnh tới nền tảng fintech đang phát triển tại Việt Nam.

Chưa bao giờ làn sóng startup mạnh mẽ như hiện nay. Trước sự thành công rực rỡ của Facebook hay Uber, rất nhiều startup công nghệ đã được thành lập tại Việt Nam. Tính chất xuyên suốt trong các startup công nghệ là tốc độ. Phải nói là tốc độ thành công của các startup công nghệ nhanh hơn bất kỳ một ngành công nghiệp nào. Một đế chế của “kỳ lân” Uber phủ rộng khắp các châu lục chỉ xây dựng trong vòng 8 năm.

Uber đã làm thay đổi ngoạn mục toàn ngành công nghiệp dịch vụ vận chuyển hành khách trên nhiều nước mà startup này có mặt. Uber chưa từng có lãi nhưng vẫn được định giá ở mức 70 tỉ USD theo định giá của SoftBank Group. Nhưng không phải startup nào cũng có thể trở thành kỳ lân. Tốc độ giải thể của các startup còn nhanh hơn tốc độ thành công với quy mô về số lượng lớn nhiều lần.

Thị trường fintech Việt Nam có mức cạnh tranh khá gay gắt với trên 20 ví điện tử. Môt số ví điện tử được xem như mảng mở rộng từ mảng kinh doanh chính như Samsung Pay, Zalo Pay, Ngân Lượng, Bảo Kim...

Một số ví điện tử độc lập khác như MoMo, Payoo, Moca, MPOS, VNPay... Sau Samsung Pay ra mắt vào tháng 9.2017, các ví điện tử nước ngoài khác cũng nhằm vào thị trường Việt Nam như AliPay và WeChat Pay. Các ngân hàng cũng không nằm ngoài cuộc khi VPBank rất thành công với Timo, Maritime Bank có MEED.

Miếng bánh 90% dân số tương đương khoảng 80 triệu người đầy tiềm năng và rất hấp dẫn. Nhưng trên thực tế, thị trường phát triển chủ yếu của các ví điện tử vẫn là dân số ở các thành phố lớn, vẫn chưa thể tiến vào mảnh đất lớn nhất của 90% dân số này, phần nhiều vẫn nằm ở các vùng nông thôn.

Trong bối cảnh đó, xu hướng sáp nhập của ví điện tử sẽ rất có thể xảy ra. Các ví điện tử độc lập vốn có thị phần tốt đang cần chạy đua mở rộng hệ sinh thái để có thêm người dùng và giữ khách hàng. Cuộc đua tranh giành thị phần của các ví điện tử đã đi đến hồi phân chia thứ tự xếp hạng khá rõ ràng.

Ngoài ý tưởng kinh doanh cốt lõi quyết định trực tiếp sự thành bại của một startup, sự thành công của các ví điện tử còn cần có 3 yếu tố then chốt là khả năng thu hút vốn đầu tư, nền tảng công nghệ và sự chấp nhận của khách hàng. MoMo vốn khá mạnh về nền tảng công nghệ cũng như có khả tăng tài chính khá tốt được hỗ trợ bởi hai nhà đầu tư nước ngoài là Golman Sachs và Standard Chartered Private Equity.

Sự chấp nhận của khách hàng và các đối tác là một hiệu ứng dây chuyền. Ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết: “Trong hành trình phát triển của MoMo, 7 năm đầu tiên là một hành trình đơn độc. Nhưng trong 3 năm trở lại đây là một câu chuyện khác. Ví dụ như trong 7 năm đầu, chúng tôi chỉ có thể hợp tác với 2 đối tác tài chính.

Trong khi 2 năm gần đây, chúng tôi đã có thêm 10 đối tác. Vấn đề lớn nhất nằm ở tư duy, đến từ nhiều yếu tố tác động và cần thời gian để thay đổi”. Hiệu ứng dây chuyền được dự kiến là sẽ diễn ra khá mạnh mẽ với MoMo sau khi ví điện tử này chính thức trở thành đối tác chiến lược của đối tác lớn như Uber.

Bảo Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư