Nokia: Cờ đến tay chưa chịu phất?

Nokia đang có những bước tiến nhất định không phải đối thủ nào cũng có được tại Việt Nam nhưng dường như các ông chủ có quyền quyết định vẫn chưa quyết tâm gia tăng nhanh thị phần cho thương hiệu này.

Tháng 5/2017, Nokia không có tên trong bảng thống kê thị phần tại Việt Nam của hãng GfK. Đến tháng 7, Nokia có được 2,4% và một tháng sau tăng lên 3,7%. Mức thị phần này đảm bảo cho Nokia và Sony tranh nhau vị trí thứ 4, chỉ sau 3 ông lớn là Samsung, Oppo, Apple.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động - điện tử Thế Giới Di Động, cho biết Nokia cùng với Sony thay nhau giữ vị trí số 4, 5 tại chuỗi siêu thị đang nắm 40% thị phần Việt Nam.

Mức thị phần như trên còn khoảng cách khá xa so với nhóm 3 hãng đứng đầu nhưng đã đủ để vượt lên trên tốp thứ hai gồm các hãng nhỏ và lớn vẫn loay hoay gia tăng thị phần.

Từ thời điểm không có tên trong danh sách GfK, sau khi ra loạt smartphone Nokia 3, 5, 6 dưới sự dẫn dắt của HMD Global hồi tháng 6, Nokia chỉ mất một tháng để có 2,4% và một tháng sau nữa đạt 3,7%. Điều này không phải hãng nào cũng làm được. Tất nhiên số này còn dựa trên loạt điện thoại cơ bản vẫn đang bán bình thường tại Việt Nam nhiều năm qua dù tên Nokia đã vài lần đổi chủ.

Loạt smartphone Nokia khi mới ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 6. Ảnh: HMD Global.

Chỉ với việc ra mắt 3 smartphone và chiếc Nokia 3310 đời mới, những ông chủ mới của Nokia đã đưa thương hiệu này lên gần với nhóm dẫn đầu tại thị trường Việt Nam, vượt qua những hãng Trung Quốc tiềm năng như Vivo, Huawei, Xiaomi và các hãng có mặt lâu đời tại Việt Nam như HTC, Asus. Đây chắc chắn là bệ phóng đáng kể để những điện thoại gắn thương hiệu Nokia do HMD Global kinh doanh vượt lên.

Sự vươn lên khá nhanh của Nokia không làm nhiều người ngạc nhiên. Trước đây khi nói với chúng tôi, ông Mai Triều Nguyên - một người kinh doanh điện thoại lâu năm tại TP.HCM - cho biết thương hiệu Nokia đã rất quen thuộc tại Việt Nam. Hãng này từng có thời gian giữ vị trí số 1 tại thị trường này và xuyên suốt những lần chuyển đổi sở hữu qua Microsoft hay HMD Global thì vẫn có những chiếc “cục gạch" Nokia bán đều đặn và được ưa chuộng tại các siêu thị. Nhiều người Việt, đặc biệt nhóm tuổi từ thế hệ 8x trở về trước, vẫn yêu thích thương hiệu Nokia, đây chính là yếu tố giúp hãng có bệ phóng nhất định mà không hãng nào ở tốp dưới có được.

Ngay trước khi HMD Global tung loạt smartphone mới tại Đà Lạt hồi tháng 6, ông Đoàn Văn Hiểu Em đã có dịp cầm trước các smartphone này và nhận xét với chúng tôi, Nokia có mặt tại Việt Nam sẽ khiến nhiều hãng khác “mệt mỏi".

Nhưng mới đây ông Hiểu Em cho biết điện thoại Nokia bán được nhưng HMD Global không hỗ trợ nhà bán lẻ nhiều trong các chiến dịch quảng bá để đẩy mạnh bán hàng. Nguồn hàng về Thế Giới Di Động cũng vừa đủ chứ không được thoải mái.

Đến tháng 7, Nokia có được 2,4% và một tháng sau tăng lên 3,7%.

Ông Mai Triều Nguyên cũng than phiền với lý do tương tự rằng các nhà bán lẻ không được hỗ trợ tốt trong việc bán hàng. Trong khi đó, đây là một trong các yếu tố cực kỳ quan trọng để tăng tỷ lệ mua hàng tại các siêu thị, vốn được các hãng khác rất chú trọng.

Không chỉ tiết kiệm ngân sách cho quảng bá, nguồn hàng Nokia về Việt Nam cũng không nhiều. Trước đây, Nokia 3310 phiên bản 2017 từng “cháy hàng", điều khá kỳ lạ đối với một chiếc máy cơ bản. Thời điểm đó ông Trương Hữu Dũng, một chủ cửa hàng tại TP.HCM, cho biết đó chính là chiêu trò cuả nhà phân phối nhằm tạo khan hàng, gia tăng nhu cầu của thị trường.

Ông Hiểu Em cho rằng đây có thể là cách điều tiết thị trường của nhà phân phối hoặc HMD Global, hoặc có thể HMD Global đang có những xáo trộn nhân sự sau quá trình chuyển giao nên các hoạt động chưa đẩy mạnh.

Mặc dù mới tiếp nhận thị trường hồi tháng 6 nhưng HMD Global thừa hưởng khối gia tài khá đồ sộ do Nokia để lại và loạt smartphone mới của họ cũng phủ khá rộng. Nhìn vào danh sách điện thoại mang thương hiệu Nokia hiện nay, dải sản phẩm được phủ đều từ dưới 1 triệu đến hơn 5 triệu đồng, thậm chí có cả chiếc Nokia 8 (12,99 triệu đồng) ở phân khúc cấp cao; tổng cộng có khoảng 13 máy đang bán. Số lượng sản phẩm đa dạng như vậy hiếm hãng nào nhóm dưới có được, là nền tảng để thương hiệu này có tham vọng cao hơn.

Tuy nhiên, rõ ràng là các bên có quyền quyết định chiến lược kinh doanh điện thoại Nokia tại Việt Nam vẫn chưa quyết tâm gia tăng nhanh thị phần cho thương hiệu này.

Hải Đăng
Nguồn ICT News