Giá sữa hơn cả độc quyền

Giá sữa, nhất là sữa ngoại liên tiếp tăng mạnh, tăng bất hợp lý khi đầu vào không biến động, tăng không không cần đăng ký và lách luật để tăng giá… xem ra, giá sữa còn hơn cả độc quyền.

Đã có những thông tin về một đợt tăng giá sữa mới của các hãng sữa. Nếu đúng, điều này thật là khủng khiếp đối với người tiêu dùng vì chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm sữa sẽ tăng giá tới 3 lần, lần nào cũng trên dưới 10%.

Đầu năm mới âm lịch, FrieslandCampina đã điều chỉnh giá một loạt sản phẩm Friso và Dutch Lady, với mức tăng từ 8-9%. Các hãng khác cũng không chịu kém miếng, dịp này. Abbot tăng giá thêm khoảng 10% cho khoảng 50 sản phẩm; Mead Johnson cũng thông báo tăng thêm 10% giá. Các loại sữa nhập khẩu khác như XO hay Dumex cũng có mức tăng xấp xỉ 10%. Theo đà đó, các loại sữa nhập khẩu nhỏ lẻ hay xách tay cũng lên giá theo.

Người dân Việt Nam vừa có một cái tết eo hẹp do kinh tế gặp khó khăn và phải đối mặt với một năm mới còn nhiều thách thức thì “món quà” tăng giá năm mới của các hãng sữa đúng là một “quả đắng”.

Không những thế, trong khi tất cả các mặt hàng khác đều cố bình ổn giá, kể cả những mặt hàng quan trọng mà cả DN và nhà nước đang chịu lỗ cũng 2 -3 lần từ chối tăng giá như xăng dầu thì “món quà” mừng năm mới của các hãng sữa chẳng khác nào đứng trên tất cả quyền lợi của người tiêu dùng và đi ngược với mong muốn ổn định và chia sẻ của thị trường trong giai đoạn khó khăn.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ đầu năm đến nay có tới 2 lần tăng giá sữa. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng là 7-10%, thậm chí có loại tăng 13-15%. Không những thế, vào thời điểm tháng 1, tháng 2, một số công ty sữa đã tăng giá nhưng đến thời điểm tháng 3 này, họ lại tiếp tục “điều chỉnh”, tạo ra một làn sóng tăng giá sữa ồ ạt. Điều đó cho thấy, tăng giá dường như là một mong muốn thường trực của các hãng sữa. Và thực tế này cho thấy những mỹ từ quảng cáo yêu thương, chia sẻ; những hình ảnh thân ái, đẹp đẽ… chỉ là một sự che đậy cho lòng tham của các hãng kinh doanh mà thôi.

Trước đợt tăng giá vừa qua, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, trong những tháng vừa qua giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, các chi phí khác vẫn khá ổn định… Vì vậy, quyết định tăng giá được nhiều chuyên gia cho là một sự bất hợp lý. Những nhận định đó cũng chẳng có ý nghĩa gì vì đã bao nhiều lần bị khẳng định là vô lý, bất hợp lý nhưng các hãng sữa vẫn tăng giá. Và điều có lý nhất là các hãng sữa phải tăng giá để đảm bảo lợi nhuận mong muốn ở mức cao nhất.

Thậm chí, đã có những cuộc thanh tra diện rộng, chỉ ra những bất hợp lý trong giá thành sữa và yêu cầu chấn chỉnh. Nhưng tất cả cũng bằng không khi các hãng sữa chưa giờ ngừng tăng giá.

Không những thế, trên thi trường thời gian qua, người ta cũng ghi nhận không ít đợt tăng giá sữa một cách âm thầm. Các đại lý phân phối giải thích do hãng sữa yêu cầu, dù không muốn vì biết tăng giá là mất khách nhưng cũng buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giá lại khẳng định họ không hề được đăng ký hay thông báo tăng giá sữa nào. Thế là, đợt tăng giá “lậu’ của mặt hàng thuộc diện quản lý vẫn ngang nhiên diễn ra.

Không chỉ ngang nhiên và tăng giá đầy thách thức, các hãng sữa còn áp dụng đủ chiêu lách luật để tăng giá. Trước tết âm lịch, thị trường đã chứng kiến một đợt tăng giá khá bất ngờ của các hãng sữa chỉ bằng cách thay đổi mẫu mã, tên gọi và hình thức để qua mặt nhà quản lý nhằm tăng giá mà không cần đăng ký.

Các hãng sữa còn dùng độc chiêu biến sữa dành cho trẻ thành các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung từ sữa mà cơ bản thành phần và chế biến không có gì thay đổi. Bằng cách này, sữa đã tự loại mình ra khỏi danh sách phải đăng ký để được tự do tăng giá.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này đã đi xuống cho thấy kinh tế khó khăn đang khiến cho thu nhập và tiêu dùng ngày càng suy giảm. Trên thị trường cũng như các chỉ số thống kê cho thấy hầu hết giá cả các mặt hàng đều có dấu hiệu giảm hay cố phải giữ để một mặt tham gia bình ổn thị trường đồng thời cũng giả ế ẩm trong hoàn cảnh sức mua ngày càng suy kiệt.

Tuy nhiên, sữa dường như là một ngoại lệ. Thậm chí, các đại lý cho biết, doanh số bán sữa, nhất là sữa ngoại có giá cao gần đây sụt giảm nhưng các hãng sữa thay vì giảm giá để tăng lượng bán hàng thì họ lại cố tình tăng giá. Trong khi đầu vào ổn định, tiêu thụ suy giảm việc tăng giá liên tiếp đang bị nghi ngờ là tăng để bù doanh số không đạt nhằm đảm bảo một mức lợi nhuận cao mà họ đã đặt ra. Nếu điều này là sự thực thì chắc còn có thêm nhiều đợt tăng giá nữa và có lẽ càng khó khăn giá sữa càng tăng.

Một trong những mục tiêu lớn nhất trong điều hành kinh tế năm nay của nước ta vẫn là kiềm chế lạm phát. Để hạn chế lạm phát tác động đến đời sống người dân, nhà nước và nhiều DN đang nỗ lực bình ổn giá hàng thiết yếu, thâm chí giá của nhiều loại hàng hóa dịch vụ nhà nước quản lý như xăng dầu, nước sạch hay viện phí đều được yêu cầu không tăng hay giãn thời gian tăng giá .Tuy nhiên, đối với sữa thì không. Với thực tế trên, giá sữa còn hơn cả độc quyền.

Nguồn Vietnamnet