IBM tìm đường xoay xở sau 21 quý sụt giảm

Theo các thước đo riêng của IBM, ít nhất hiện nay tập đoàn đã tạo đủ đà đi lên và sẽ không bị trượt xuống nữa.

Các gã khổng lồ công nghệ có phần giống như những con khủng long vì hầu hết không thích ứng tốt với thời đại mới. Một vài công ty gắng gượng qua được 2 và thậm chí 3 cuộc chuyển giao thời đại. Nhưng chỉ một công ty duy nhất đã sống sót qua tất cả những cuộc chuyển giao ấy chính là IBM, một tập đoàn có tuổi đời hơn 1 thế kỷ, bắt đầu từ một nhà sản xuất máy đánh bảng và nay là một trong những tập đoàn công nghệ thông tin (IT) lớn nhất thế giới với gần 390.000 nhân viên.

Tuy nhiên, sau 21 quý chứng kiến doanh thu liên tục sụt giảm, mối nghi ngờ ngày càng tăng liệu IBM có thể xoay xở qua được những cuộc chuyển giao lớn gần đây nhất: cú nhảy vào lĩnh vực điện toán đám mây và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI). Vào tháng 5.2017, tỉ phú Warren Buffett tuyên bố Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đã bán đi 1/3 số cổ phần nắm giữ tại IBM, khi đó trị giá 13,5 tỉ USD. “Tôi không đánh giá IBM như cách đây 6 năm khi bắt đầu mua vào cổ phiếu của hãng công nghệ này”, Buffett đưa ra lý do.

Lại có một diễn biến mới. Vào ngày 17.10 vừa qua, kết quả hằng quý của IBM cho thấy những người hoài nghi có thể đã sai. Doanh thu dù tiếp tục giảm, còn 19,2 tỉ USD, nhưng mức giảm lại thấp hơn so với dự kiến. IBM cho biết tăng trưởng có thể sẽ quay trở lại trong quý tới và giá cổ phiếu đã tăng 8,9% vào ngày 18.10, mức tăng cao nhất trong một phiên kể từ năm 2009. Liệu IBM có thể lội ngược dòng?

Ảnh: Wall Street Journal.

Nếu các hãng IT lớn thường thất bại trong việc thích ứng với những cuộc chuyển giao như vậy, đó là bởi vì những cuộc chuyển giao ấy đòi hỏi không chỉ là năng lực thích ứng công nghệ mới. Chúng cũng buộc các doanh nghiệp phải đặt câu hỏi họ đang đại diện cho cái gì, theo Michael Cusumano, Giáo sư Kinh doanh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Thương hiệu, các kỹ năng kỹ thuật, cách sản phẩm và dịch vụ được bán ra thị trường… tất cả đều phải được “sát hạch”. Nhưng nhiều công ty lại chọn cách bảo vệ lãnh địa mình đang hoạt động, không can đảm bước vào những lĩnh vực mới, nhất là khi chúng có thể là xu thế của tương lai.

Sau một trải nghiệm “suýt chết” vào đầu thập niên 1990, khi doanh số bán máy tính mainframe rớt thê thảm, IBM dường như đã tìm ra được công thức để luôn đi trước trong lĩnh vực công nghệ. Dưới thời của Louis Gerstner và Sam Palmisano, IBM đã nhanh chóng thích ứng với thời đại internet và là một trong những hãng IT lớn đầu tiên ủng hộ phần mềm nguồn mở. Tập đoàn không ngại ngần bán đi các lĩnh vực không còn triển vọng như máy tính cá nhân và máy chủ cấp thấp, đồng thời kiên trì với một “lộ trình tài chính” dẫn đường cho IBM trở nên sinh lời trong 5 năm tới. IBM cũng chi hàng tỉ USD mua lại cổ phiếu quỹ để cải thiện thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS).

Tuy nhiên, việc cứ bám trụ vào những thước đo tài chính này là một lý do lớn vì sao IBM lại có khởi đầu chậm trễ trong mảng đám mây - một xu hướng mà IBM đã nhận ra còn sớm hơn nhiều đối thủ khác. Kết quả là IBM cũng không dẫn đầu ở mảng điện toán đám mây, ít nhất ở lĩnh vực mà Tập đoàn gọi là “đám mây công cộng”, tức mạng lưới các trung tâm dữ liệu lớn được chia sẻ bởi nhiều doanh nghiệp. Ở mảng này, Amazon và Microsoft lại đang dẫn đầu, cách biệt rất xa với IBM, nhờ hưởng lợi từ xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp đưa ứng dụng vào đám mây, hơn là tự chạy các ứng dụng này trên hệ thống máy tính của riêng họ. Hơn 40% doanh thu IBM đến từ các sản phẩm và dịch vụ mà cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đám mây công cộng, theo Steve Milunovich thuộc Ngân hàng UBS.

IMB đã nỗ lực tránh vấn đề này với việc trở thành tập đoàn công nghệ đầu tiên “chơi lớn” ở mảng AI. Phát triển dựa trên công nghệ Watson - từng thắng trò chơi truyền hình nổi tiếng Jeopardy! của Mỹ vào năm 2011 - Tập đoàn 2 năm sau đó đã ra mắt một lĩnh vực kinh doanh mới giúp các tổ chức đưa ra dự đoán từ những khuôn mẫu lặp lại trong dữ liệu của họ. IBM đã tập trung phát triển Watson và đầu tư hàng tỉ USD, đặc biệt vào chăm sóc y tế, chẳng hạn để giúp các bệnh viện sử dụng dữ liệu của người bệnh để đánh giá các rủi ro sức khỏe. Tuy nhiên, tiến triển lại rất chậm chạp, chủ yếu bởi vì thường rất khó để hiểu rõ tường tận hồ sơ bệnh án. Trung tâm Ung thư M.D. Anderson ở Mỹ đầu năm nay đã hủy bỏ một dự án Watson sau khi đã chi 60 triệu USD vì dự án không sẵn sàng cho việc sử dụng lâm sàng. Những người trong ngành AI giờ cũng đang quay lưng với Watson.

Việc mảng AI chậm cất cánh khiến cho nhiệm vụ “xử lý cú rơi của các bộ phận kinh doanh cũ trong khi nhanh chóng tăng trưởng các mảng mới” của IBM càng khó thực hiện. Ngoài đám mây và AI, IBM đang phát triển mảng an ninh mạng, các dịch vụ di động và các sản phẩm dựa trên blockchain (công nghệ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin), các cơ sở dữ liệu đặc biệt làm nền tảng cho Bitcoin. “Nó giống như là IBM phải chạy thật nhanh lên thanh cuốn nhưng lại chạy ngược chiều”, Frank Gens, chuyên gia phân tích tại IDC, nhận xét.

Trong 5 năm qua, IBM vẫn chưa chạy đủ nhanh, khiến doanh thu sụt giảm. Nhưng theo các thước đo riêng của IBM, ít nhất, hiện nay Tập đoàn đã tạo đủ đà đi lên và sẽ không bị trượt xuống nữa. Doanh thu của lĩnh vực cốt lõi, tức doanh số bán các sản phẩm và dịch vụ IBM được sử dụng trong máy tính truyền thống, đã giảm 9% trong quý vừa qua, so với mức 11% của quý trước. Ngược lại, các mảng được coi là “chiến lược” của IBM, chủ yếu bao gồm đám mây và AI, đã tăng trưởng 10%, so với mức 7% của quý trước. Những mảng chiến lược này đóng góp 45% tổng doanh thu, tăng 2 điểm phần trăm so với quý trước. “Chúng tôi hiện ở vào đúng vị trí đã cam kết hồi đầu năm nay”, Martin Schroeter, Giám đốc Tài chính IBM, nhận định.

Các xu hướng tích cực có thể vẫn tiếp tục, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi giám đốc công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp đang vào mùa chi tiêu ngân sách. Schroeter dự kiến doanh thu sẽ cao hơn một phần nhờ một phiên bản mainframe mới được giới thiệu gần đây của IBM đang bán chạy.

Nhưng bài kiểm tra thực sự sẽ đến khi tác động của các mẫu mainframe mới lắng dịu và IBM vẫn phải chứng minh Tập đoàn đã đạt đến điểm bước ngoặt trong nỗ lực thay đổi của mình. Điều đó sẽ không hề dễ dàng. Lĩnh vực cốt lõi cũ sẽ tiếp tục đi xuống, trong khi các lĩnh vực kinh doanh mới dù đang tạo đà, nhưng ở mức nào thì không rõ. Tại IBM, nhiều loại sản phẩm và dịch vụ liên quan góp phần vào doanh thu đám mây, thậm chí tính cả những “đám mây cá nhân” mà Tập đoàn đang xây dựng cho các khách hàng tại cơ ngơi của họ. Nhưng chính đám mây công cộng mới là lực hấp dẫn, là động lực cải tiến chính, theo Gens. Đó là nơi phần mềm mới và phần cứng mới, như chip AI chuyên dụng, được phát triển. Microsoft thậm chí đang phát triển những công cụ cho các nhà phát triển trong đám mây công cộng để họ có thể thử nghiệm với máy tính lượng tử, vốn mạnh hơn gấp nhiều lần so với máy tính truyền thống.

Với mảng AI, tình hình tài chính cũng mờ nhạt không kém. IBM không tiết lộ lợi nhuận của Watson. Vào tháng 7, Jefferies, một ngân hàng đầu tư, đã khuyến cáo lợi nhuận từ các khoản đầu tư AI của IBM chỉ vừa đủ trang trải chi phí vốn của chúng. Tập đoàn nói rằng AI hiện đóng vai trò như một “sợi chỉ bạc xuyên suốt khắp tất cả các sản phẩm của Tập đoàn”, theo như lời của Schroeter. IBM cũng nói rằng ngày càng nhiều khách hàng đang sử dụng công nghệ này để làm nền tảng cho các dịch vụ mới như tư vấn thuế và chăm sóc khách hàng tự động. Và IBM cũng đảm bảo rằng các sản phẩm AI như nhận diện giọng nói và dịch thuật luôn luôn có sẵn như các dịch vụ trực tuyến để các công ty khác kết hợp chúng với sản phẩm của chính họ. Nhưng Amazon, Microsoft và nhiều startup đang bán “các dịch vụ nhận thức” tương tự, trong đó một số dịch vụ được cho rằng còn tốt hơn cả sản phẩm của IBM.

Trước mắt, các lĩnh vực kinh doanh mới có thể không sinh lời như những mảng kinh doanh cũ. Dù sao, việc giá cổ phiếu IBM tăng sau khi kết quả hằng quý được công bố cho thấy nhà đầu tư vẫn cho IBM và Tổng Giám đốc Ginni Rometty một cơ hội nữa. Sắp tới, IBM cần phải bày ra được những bằng chứng cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào một cuộc lội ngược dòng thành công là rất đáng để tin tưởng

Văn Quốc / The Economist
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư